Đối tượng hướng tới của Đề án cho vay đối với cá nhân, hộ sản xuất, kinh doanh nhằm phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 20/01/2022 của Chính phủ (Đề án 295) là cá nhân, hộ sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp bởi đại dịch Covid - 19 có nhu cầu vay vốn để sản xuất, kinh doanh thuộc các lĩnh vực: Ăn uống, buôn bán nhỏ lẻ, dịch vụ, du lịch, làng nghề truyền thống, đồ dùng, tạp hóa, trang thiết bị, dịch vụ vận chuyển, chăn nuôi, trồng trọt, khai thác nuôi nuôi trồng thủy sản…

Tổng nguồn vốn thực hiện đề án là 320 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn ngân sách của tỉnh là 80 tỷ đồng và vốn Trung ương là 240 tỷ đồng. Mức vay tối đa không quá 100 triệu đồng/lao động, thời hạn cho vay tối đa là 5 năm với lãi suất bằng lãi suất cho vay đối với hộ cận nghèo theo quy định của pháp luật về tín dụng đối với hộ cận nghèo do Thủ tướng Chính phủ quy định từng thời kỳ. Đề án quy định thực hiện cho vay theo phương thức vay trực tiếp, có ủy thác một số nội dung công việc trong quy trình cho vay cho các tổ chức chính trị - xã hội, thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn theo quy định hiện hành của Ngân hàng Chính sách xã hội.

Mục tiêu của Đề án là góp phần giải quyết cho 8.000 cá nhân, hộ sản xuất, kinh doanh có nhu cầu vay vốn được tiếp cận với nguồn vốn vay để sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống, góp phần duy trì và giảm tỷ lệ thất nghiệp hàng năm ở mức dưới 3%, duy trì tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở nông thôn ở mức trên 90%, giảm thiểu tối đa thiếu việc làm và lao động thất nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.

Ông Bùi Văn Nghiêm, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long cho biết, tháng 10/2021, Vĩnh Long đã triển khai Đề án cho vay đối với cá nhân, hộ sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng do đại dịch Covid - 19 trên địa bàn tỉnh. Đề án này đã giải quyết việc làm cho gần 5.000 người lao động bị thất nghiệp do ảnh hưởng của đại dịch Covid -19. Trên cơ sở kết quả đạt được, ngày 15/02/2023, Vĩnh Long tiếp tục triển khai Đề án 295 để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người dân.

Từ tháng 2/2023 đến 31/05/2023, nguồn vốn thực hiện của Đề án 295 là 173 tỷ đồng. Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Vĩnh Long đã giải ngân được 172 tỷ 650 triệu đồng cho 3.556 lượt khách hàng vay vốn (3.556 dự án), giải quyết việc làm cho 4.694 lao động (trong đó có 1.801 lao động nữ).

Năm 2022 với tốc độ tăng trưởng 11,28%, Vĩnh Long nằm trong top 10 địa phương trong cả nước và top 3 Đồng bằng sông Cửu Long, đạt và vượt 20/21 chi tiêu kinh tế xã hội chủ yếu. Đề án 295 được hy vọng sẽ góp phần giúp Vĩnh Long tiếp tục duy trì đà tăng trưởng trong năm 2023 và những năm tiếp theo.

Trao đổi của phóng viên VOV2 với Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long Bùi Văn Nghiêm về Đề án 295: