Pháp luật nghiêm cấm mọi hành vi xâm phạm người khác

Không chỉ gây bức xúc trong dư luận, sự việc 2 thiếu niên bị bảo vệ dân phố liên tục đấm, đá, tát vào mặt xảy ra tại phòng giám thị Trường THCS Nguyễn Văn Tố, Quận 10, TPHCM còn khiến các đại biểu Quốc hội hết sức phẫn nộ. Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) bày tỏ, qua những hình xem được trong video clip, ông vô cùng bức xúc, cho đây là hành vi vô cùng dã man:“Khi mà thiếu niên này đang ngồi, anh ta xông vào đấm, đá. Đây là hành vi rất ác độc, đánh mang tính chất triệt hạ”.

Ông Nhưỡng cho rằng, trước hết là một con người, dân phòng này không được phép xâm phạm thân thể của người khác. “Anh làm nhiệm vụ rất quan trọng là đảm bảo an ninh trật tự. Người ta có lỗi lầm gì thì đã có pháp luật xử lý”, ông Nhưỡng nhấn mạnh.

Đại biểu Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp) cũng khẳng định, pháp luật Việt Nam không cho phép bất cứ ai xâm phạm thân thể con người, dù người đó là cha, mẹ hay người thân. “Các cháu có ăn trộm đi nữa thì cũng không được đánh đập mà chỉ giữ lại, rồi lập lập biên bản và báo cho cơ quan công an”, ông Hoà bày tỏ.

Hành vi có dấu hiệu phạm tội hình sự

Căn cứ vào các quy định của luật pháp, các đại biểu và một số chuyên gia về pháp lý cho rằng, hành vi bảo vệ dân phố đấm, đá, tát vào mặt hai học sinh là vi phạm pháp luật. “Không gì có thể loại trừ, bao biện cho hành vi này được”, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nêu quan điểm. Đại biểu Phạm Văn Hòa cũng khẳng định, hành vi đánh người của bảo vệ như vậy là vi phạm pháp luật.

Thậm chí, một số chuyên gia pháp lý còn cho rằng, hành vi này có dấu hiệu phạm tội hình sự khi đưa ra các quy định trong Hiến pháp năm 2013: “Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em”; hay một số quy định trong Bộ Luật hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Cần xử lý nghiêm minh

Đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị, cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân trong vụ việc này. “Tôi đề nghị cơ quan công an điều tra, làm rõ hành vi xâm phạm thân thể người khác, nếu đến mức cần truy cứu trách nhiệm hình sự là phải truy cứu trách nhiệm hình sự, còn không cũng phải là xử lý hành chính yêu cầu bồi thường thiệt hại và xin lỗi gia đình”, ông Hòa đề xuất.

Ông Lưu Bình Nhưỡng cũng đề nghị phải xử lý nghiêm những cá nhân vi phạm, đồng thời xem xét trách nhiệm của những người có liên quan, đặc biệt là người đứng đầu cơ quan – nơi xảy ra vụ việc. “Tôi cho rằng bản thân nhà trường, những người lãnh đạo cao nhất cũng phải chịu trách nhiệm về vấn đề này. Bởi lẽ, nó xảy ra trong khu vực của anh quản lý”, ông Nhưỡng nêu đích danh.