Vùng lõi của Vườn Quốc gia Hoàng Liên nằm trên địa bàn của 6 xã là San Sả Hồ, Lao Chải, Tả Van, Bản Hồ (thuộc Sa Pa) và Mường Khoa, Thân Thuộc (huyện Than Uyên). Trong khu vực vườn có 6 dân tộc anh em sinh sống, chủ yếu là người Dao và Mông, sinh sống ở 19 thôn, bản. Vùng lõi có 5 thôn bản là Séo Mỹ Tỉ, Dền Thàng, Tả Trung Hồ, Séo Trung Hồ và Ma Quái Hồ.

Trong nhiều giống thực vật đặc hữu của rừng, ở độ cao 2.000 mét khu vực Séo Mý Tỷ đến Dền Thàng có rừng pơ mu cổ thụ mọc liên tiếp trên diện tích trên 100ha, rất nhiều cây có đường kính tới trên 1m.

Và những vạt rừng pơmu quý hiếm của đại ngàn nghìn năm ấy đang bị triệt hạ, bị xẻ thịt một cách ngang nhiên. Đến mức những phóng viên điều tra của báo Dân Việt có mặt tại chỗ tháng 4/2021 khi chứng kiến đã phát thốt lên “phá rừng như trảy hội !”.

Hàng ngày, tỏa từ các thôn bản quanh rừng pơmu, dòng người đi vác gỗ pơ mu hùng hục vượt đèo dốc, mang cưa mang đồ vào đốn hạ và mang cây ra ngoài rừng. Họ là “lâm tặc”, nhưng họ cũng chính là người dân sinh sống trong vùng lõi của Vườn quốc gia Hoàng Liên.

Có đi sâu vào vùng lõi mới thấy cách khai thác, phá rừng của họ thật thô sơ. Không máy móc, không trâu kéo, tất cả là vác trên vai, cõng bằng lưng, bế bằng tay suốt nhiều giờ đồng hồ. Vác gỗ hai ngày trong rừng, mang ra ngoài “đại lý thu mua", mỗi kẻ tàn sát pơ mu thu về khoảng 1 triệu đồng, con số đủ lớn để kích thích việc phá rừng của bà con dân tộc nơi đây.

Tư duy "ở rừng sống nhờ rừng” là tập quán lâu đời của người dân. Tâm lý ấy đang bị những kẻ buôn gỗ lợi dụng. Bà con thật thà, quen công việc nặng nhọc, họ vẫn khổ, vẫn phải kiếm cơm vì bản thân và người thân. Vác gỗ ra khỏi vùng lõi Vườn quốc gia, lại là gỗ quý được bảo vệ cực kì nghiêm ngặt như pơ mu, kiểu gì cũng là sai. Nhưng kẻ buôn gỗ đã kích thích được bà con, để biết sai mà vẫn làm, biết là tài sản quốc gia nhưng vẫn chặt, phá, mang trộm ra ngoài bán kiếm lời. Nhưng số tiền công mà “lâm tặc” nhận được, bằng một phần rất rất nhỏ những kẻ buôn gỗ kiếm được nhờ phát rừng.

Gỗ pơ mu sau khi bị khai thác, vận chuyển ra khỏi rừng được người dân chuyển về nhà cất giấu, hoặc đưa thẳng đến các điểm thu mua ở một số điểm như Tả Van, Hầu Thào, Bản Hồ… ven Vườn Quốc gia Hoàng Liên.

Dọc hai bên đường vào các xã là những nhà xưởng sản xuất gỗ và cửa hàng bán đồ gỗ với đủ các loại từ thông, gù hương cho đến pơ mu. Mùi thơm của gỗ ngập tràn không gian, tiếng cưa xẻ ồn ã giữa ban ngày ban mặt. Từng đoàn xe chở gỗ nối đuôi nhau ngược xuôi trên đường, trên thùng xe chất đầy gỗ được xẻ dạng vuông, dài như cột nhà. Dù là trong nhà, ngoài sân hay ngoài đường, chỗ nào cũng nhìn thấy hình ảnh từng tấm ván gỗ xếp chồng lên nhau.

Nếu có khách hỏi mua, nhất là khách dưới xuôi, chủ buôn gỗ không giấu diếm về mặt hàng gỗ pơ mu chất lượng cao, hàng hiếm, không còn cây đứng trong rừng. Thậm chí họ còn khẳng định rừng cây già đã bị phá hết, chỉ còn gốc và rễ ở trong lòng đất, dân phải đào ra rồi vác từng miếng về bán thì mới có hàng, mà toàn gỗ quý như gỗ hương, pơ mu. Giá mà dân buôn bán cho khách là 1,5 triệu đồng 1 tấm, 27 triệu đồng 1 khối. Trong khi vác một súc gỗ mất hai ngày, người dân chỉ được 1 triệu tiền công.

Những người vận chuyển gỗ - những “lâm tặc bất đắc dĩ” cho biết kiểm lâm ít khi vào khu rừng này, vì quá xa. Dịp nào trời thật nắng họ mới đi. Có khi họ đi cả đoàn, có cả kiểm lâm ở chốt trạm dưới chân núi và kiểm lâm cơ động tham gia. Họ ở trong rừng vài ngày, có thể là kiểm tra phòng cháy rừng, cũng kiểm tra xem rừng được bảo vệ hay bị chặt phá ra sao. Những ngày có kiểm lâm, thì bà con tránh mặt chứ không dại gì lên rừng vác gỗ nữa. Còn lại, các đường mòn trên núi, đi cả ngày trời, không thấy bất cứ bóng dáng hay lán trại chốt chặn của bất cứ lực lượng nào.

Người dân phá rừng vùng lõi cũng thừa nhận rừng vãn pơmu lắm rồi, nhưng đi thật sâu trong rừng thì vẫn có. Người cưa gỗ vào sâu, trèo lên khe cao, nơi pơmu được núi rừng che chở cả ngàn năm nay, thì vẫn gặp gỗ quý. Họ cưa xong giấu ở bên đường, chờ tối lại vác xuống, nếu thấy không yên tâm thì gửi gỗ đã xẻ ở cửa rừng, đầu nậu đến mua luôn tại cửa rừng.

Các phóng viên chứng kiến từng đoàn xe chở những khúc gỗ chiều dài 5-6m buộc ngang đi qua các con đường bê tông liên thôn xã. Tiếng xe gầm rú đinh tai nhức óc. Gỗ rất nặng, có những xe máy kéo súc gỗ nặng như trâu kéo trên đường ầm ĩ giữa ban ngày. Cả một hành trình dài, từ cưa ngả gỗ trong rừng, dùng máy cưa chạy xăng cắt xẻ gỗ thành thanh, tấm, dầm, xà rồi cõng ra khỏi Vườn Quốc gia, đều diễn ra công khai, tấp nập.

Giữa Vườn Quốc gia mà lâm tặc đi hạ cây, chuyển gỗ như chốn không người. Người phá rừng tấp nập, lượng gỗ vận chuyển lớn, chứ không phải nhỏ lẻ vài người mang gỗ vụn về dựng nhà, đóng đồ, làm quan tài… như kiểu nếp sống của người dân xưa kia…

Kiểm lâm Vườn Quốc gia ở đâu trong khi Di sản của Việt Nam và thế giới đang bị xâm hại, bị triệt hạ? Chính quyền xã Tả Van, Bản Hồ và các xã liên quan, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai (và cả Lai Châu, vì rừng trùm lên đại bàn cả 2 tỉnh) có trách nhiệm trong việc này không?

Liệu có sự thờ ơ, vô trách nhiệm của cơ quan chức năng trong vụ việc này? Hay thậm chí là cao hơn sự thờ ơ, vô trách nhiệm ?

Vườn Quốc gia Hoàng Liên có số lượng các loài thực vật đặc hữu chiếm tới 25% các loài thực vật đặc hữu tại Việt Nam, là nơi sở hữu kho tàng gene cây rừng quý hiếm bậc nhất. Thực vật tại đây có hơn 2.000 loài thuộc 200 họ, trong đó có 66 loài trong sách đỏ Việt Nam, 32 loài quý hiếm, 11 loài có nguy cơ tuyệt chủng như bách xanh, thiết sam, thông tre, thông đỏ, đinh tùng, dẻ tùng…