Tại các nghĩa trang liệt sĩ trên cả nước hiện có hàng nghìn ngôi mộ có tên liệt sĩ, nhưng thiếu một phần hoặc toàn bộ thông tin khác để có thể xác định chính xác nhân thân liệt sĩ, như: quê quán, đơn vị, ngày hy sinh; hoặc sai một phần trong tên, họ, tên đệm, quê quán, ngày hy sinh…

Bà Nguyễn Kim Oanh, Phó trưởng phòng Hồ sơ - Thông tin liệt sĩ, Cục Người có công, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, theo thống kê, còn hơn 200.000 mộ liệt sĩ chưa được quy tập, gần 200.000 mộ liệt sỹ trong các nghĩa trang liệt sĩ còn chưa xác định được danh tính.

Theo quy định tại Nghị định 131/2021 hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, hiện nay cơ quan chức năng sử dụng phương pháp giám định ADN và phương pháp thực chứng để xác định danh tính các hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin.

Quy trình, thủ tục xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin bằng phương pháp thực chứng được thực hiện như sau: Đại diện thân nhân liệt sĩ hoặc người hưởng trợ cấp thờ cúng liệt sĩ có đơn đề nghị theo mẫu gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi quản lý hồ sơ gốc liệt sĩ kèm các giấy tờ sau: Giấy xác nhận thông tin về nơi liệt sĩ hy sinh theo Mẫu số 44 Phụ lục I Nghị định 131/2021; Các giấy tờ thể hiện thông tin mới được phát hiện, bao gồm: Thông tin về mộ liệt sĩ gồm: họ và tên; ngày tháng năm sinh hoặc năm sinh; nguyên quán, cơ quan, đơn vị khi hy sinh; cấp bậc, chức vụ khi hy sinh; ngày tháng năm hy sinh hoặc năm hy sinh; thông tin về thân nhân của liệt sĩ gồm: họ và tên, mối quan hệ với liệt sĩ. Giấy đề nghị được gửi về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi quản lý hồ sơ gốc liệt sĩ kèm văn bản ủy quyền của đại diện thân nhân liệt sĩ hoặc người hưởng trợ cấp thờ cúng liệt sĩ.

Việc lấy mẫu để giám định ADN xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin chỉ thực hiện trong các trường hợp sau: Khi hài cốt liệt sĩ được quy tập mà chưa xác định được danh tính; Khi di chuyển hoặc nâng cấp, sửa chữa nghĩa trang liệt sĩ có liên quan tới phần mộ liệt sĩ; Khi mộ liệt sĩ trong nghĩa trang liệt sĩ còn thiếu thông tin nhưng có thông tin về nơi hy sinh, nơi an táng ban đầu trong các giấy tờ sau: giấy báo tử, giấy báo tử trận, giấy chứng nhận hy sinh, giấy xác nhận thông tin về nơi liệt sĩ hy sinh theo Mẫu số 44 Phụ lục I Nghị định này và các giấy tờ có thông tin liên quan về nơi liệt sĩ hy sinh hoặc nơi an táng liệt sĩ; Khi mộ liệt sĩ trong nghĩa trang liệt sĩ không có thông tin nhưng danh sách liệt sĩ của cơ quan quản lý liệt sĩ trước khi hy sinh có chung thông tin về nơi hy sinh, nơi an táng ban đầu và đã được quy tập vào nghĩa trang liệt sĩ. Trường hợp cơ quan quản lý liệt sĩ trước khi hy sinh không còn tồn tại thì cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp cung cấp danh sách; Khi một mộ liệt sĩ thiếu thông tin trong nghĩa trang liệt sĩ mà có nhiều đại diện thân nhân liệt sĩ cùng nhận.

Nghị định 131/2021 cũng nêu rõ: Không thực hiện việc lấy mẫu hài cốt liệt sĩ trong các trường hợp: Mộ liệt sĩ tập thể; Mộ liệt sĩ đã được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi quản lý mộ ban hành quyết định đính chính thông tin trên bia mộ; Mộ liệt sĩ đã được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi quản lý mộ ban hành quyết định xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin bằng phương pháp thực chứng; Mộ liệt sĩ đã được lấy mẫu để giám định ADN, trừ trường hợp mẫu không phân tích được ADN thì được lấy mẫu lần hai.

Mời quý vị nghe bà Nguyễn Kim Oanh, Phó trưởng phòng Hồ sơ - Thông tin liệt sỹ, Cục Người có công, Bộ LĐTBXH tư vấn, giải đáp các thắc mắc liên quan tới việc xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin tại đây: