Trả lời báo chí bên lề kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV về tỉ lệ lạm phát năm 2022, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho biết: Tỉ lệ lạm phát năm nay sẽ tuỳ vào việc Chính phủ có hành động để kiểm soát giá hay không? Nếu không hành động, không giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng thì lạm phát có thể vượt qua 6%, còn hành động thì kiểm soát giá ở 4-5%.

Phân tích cụ thể hơn, đại biểu Trần Hoàng Ngân đề cập tới giá xăng dầu tăng cao, vượt 30.500 đồng một lít, gây áp lực lên lạm phát.

"Đời sống người dân, lao động đã vô cùng khó khăn trước đợt tăng giá, nên với tình hình giá xăng dầu hiện nay, Chính phủ cần nhanh chóng có giải pháp kiểm soát." - ông Ngân bày tỏ

Công cụ kiểm soát giá xăng dầu lúc này, theo ông Trần Hoàng Ngân, ngoài thuế bảo vệ môi trường đã giảm 50% với xăng, dầu (áp dụng từ 1/4 đến hết năm nay), có thể cân nhắc thêm thuế tiêu thụ đặc biệt để hạn chế “hiệu ứng domino” đến giá các loại hàng hóa khác . Bởi nếu để xảy ra lạm phát thì chi ngân sách sẽ tăng.

Việc giảm hoặc xoá thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng: “Ai cũng được hưởng lợi. Khi giảm hoặc xoá sắc thuế này sẽ kéo giảm chi phí của doanh nghiệp, chi phí logistics, chi phí vận chuyển, hàng hoá cũng sẽ giảm. Điều này giúp doanh nghiệp có điều kiện giữ giá hàng hoá, đảm bảo ổn định thị trường”.

Điều gì xảy ra với nền kinh tế khi lạm phát tăng cao? Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho biết: Nếu lạm phát tăng cao, đồng nghĩa chi ngân sách tăng, chi đầu tư công sẽ tăng, thậm chí sẽ có lúc phải thắt chặt chi ngân sách nếu không kiểm soát được lạm phát.

Bên cạnh đó, các dự toán về xây dựng, chi thường xuyên hay tiền lương cũng phải điều chỉnh theo tốc độ trượt giá. Theo ông Ngân: nên chi ngân sách trước cho việc giảm thuế để kìm hãm đà tăng của một số mặt hàng là nguyên liệu đầu vào để các khoản chi khác không tăng lên, còn hơn phải đối mặt với việc lạm phát tăng cao.

Ngoài việc giảm thuế cần phối hợp với chính sách tiền tệ để ổn định kinh tế vĩ mô. Lạm phát tăng không đến từ việc mở rộng chính sách tiền tệ. Bởi hiện nay, các gói kích thích kinh tế của chúng ta chưa giải ngân nhưng lạm phát đã tăng. Như vậy, lạm phát tăng không phải do kích cầu mà do chi phí đẩy (giá xăng dầu tăng đẩy giá cước tăng, rồi đến lượt giá hàng hóa tăng theo phản ứng domino)

Trong "rổ" chi phí đẩy thì chi phí về xăng dầu, lưu thông, vận chuyển chiếm tỉ trọng cao nhất. Do vậy phải hỗ trợ kéo những chi phí này xuống. Đây là bài toán cần hết sức lưu ý, phải theo dõi sát sao và có giải pháp kịp thời – Đại biểu Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh.

Bài học gần nhất là năm 2008, lúc đó biến động xăng dầu trên thế giới tăng tới 141 USD/thùng, cộng với giá lương thực thực phẩm tăng, lạm phát tăng nhanh và khi lạm phát tại Việt Nam lên tới 23%, lúc đó tất cả các chi phí giá cả hàng hóa và đời sống người dân vô cùng khó khăn. Khi lạm phát cao ở mức 2 con số, liều thuốc các nước buộc phải chọn là thắt chặt chính sách tiền tệ. Hay nói cách khác, khi lạm phát cao thì phải “uống thuốc” liều cao. Việt Nam phải dùng lãi suất cao, có lúc lãi suất thị trường lên tới trên 20%. Nền kinh tế lúc đó đang tăng trưởng 7,5 – 8,4% thì còn 6% và nặng nhất 2011-2012, Việt Nam phải chấp nhận không quan tâm tới tăng trưởng kinh tế, ưu tiên hàng đầu là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và đảm bảo an sinh xã hội.