Phía cuối con dốc đất đỏ cheo leo, nơi thôn Nà Mò, xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn, vợ chồng anh Đàm Văn Bảy đang tất bật cùng cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và anh em làng xóm, mỗi người một việc vận chuyển cát, xi măng, gạch... giúp đỡ gia đình anh xây dựng nhà ở.
Anh Đàm Văn Bảy chia sẻ: Gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nguồn thu nhập bấp bênh, vợ đi làm thuê loanh quanh trong làng, chồng làm việc đồng áng với vỏn vẹn 4 sào ruộng, chăn nuôi ít gà tự cung tự cấp. Không có việc làm ổn định, chăm sóc bố tuổi đã cao, cộng với hai con còn nhỏ, nên dù ngôi nhà đã xuống cấp quá rồi mà anh chị không có điều kiện xây, sửa. Giờ đây, anh Bảy sắp có niềm vui “được an cư” trong ngôi nhà mới. “Trước đó nhà tôi xuống cấp, bị nứt bị hỏng, 5 người sống chật hẹp. Được sự hỗ trợ của Bộ Quốc phòng 60 triệu đồng, các chiến sĩ đến hỗ trợ đào móng, anh em trong làng vừa giúp đỡ vừa trả theo ngày công. Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng quan tâm chính sách thế này, tôi rất mừng”- anh Bảy chia sẻ.

Theo thống kê, vài năm trước, toàn tỉnh Lạng Sơn vẫn còn hàng trăm hộ dân tộc thiểu số sống trong những căn nhà xuống cấp nghiêm trọng, đặc biệt tại các xã vùng sâu, vùng xa như Bính Xá (Đình Lập), Cao Lâu (Cao Lộc), Mẫu Sơn (Lộc Bình)... Điều kiện kinh tế khó khăn, địa hình hiểm trở, cộng thêm thời tiết khắc nghiệt khiến giấc mơ có một mái nhà vững chắc của nhiều hộ nghèo mãi xa vời.
Trước thực trạng đó, từ đầu năm 2023, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lạng Sơn triển khai chương trình “Xóa nhà tạm cho hộ nghèo vùng biên”, phối hợp cùng chính quyền địa phương rà soát, lựa chọn các hộ dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hộ nghèo, hộ cận nghèo để hỗ trợ xây dựng lại nhà ở. Do các gia đình chủ yếu sinh sống riêng biệt trên các sườn đồi, địa hình, giao thông đi lại bất tiện, xe chở vật liệu không thể đến được tận công trình, nên bộ đội phải dùng sức người khuân vác vật liệu xây dựng. Khó khăn, vất vả, nhưng cán bộ, chiến sĩ luôn nỗ lực để người dân sớm có ngôi nhà kiên cố.
Thượng tá Nông Văn Hiếu, chính trị viên Ban chỉ huy quân sự huyện Văn Lãng cho biết: “Trong quá trình xây dựng, Ban chỉ huy quân sự huyện thành lập một tổ khoảng 10 người, gia đình nào khó khăn, kể cả các xã xa thì anh em sẽ cử người đến giúp. Đồng thời, chỉ đạo Ban chỉ huy quân sự các xã thành lập các tổ để hỗ trợ các hộ gia đình, cử anh em dân quân tham gia cùng các lực lượng hỗ trợ gia đình ngày công, dỡ nhà, đào móng, vận chuyển nguyên vật liệu, vì con đường nhỏ, xe cơ giới không vào được, nguyên vật liệu chủ yếu là vận chuyển bằng xe máy”.
Mỗi căn nhà có diện tích tối thiểu 40m², được xây theo mẫu nhà cấp 4, mái tôn chống nóng, nền xi măng hoặc lát gạch. Tùy điều kiện từng gia đình, khuyến khích huy động thêm kinh phí để có thể xây khang trang, rộng hơn, thiết kế cách điệu vừa phù hợp với thực tế sử dụng, nhưng không xa rời truyền thống của đồng bào.

Cùng với việc tham gia ngày công lao động hỗ trợ các gia đình, cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh Lạng Sơn còn đóng góp tiền lương, phụ cấp ủng hộ người có công với cách mạng, gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh. Đại tá Lương Đình Nhạc, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cho biết: “Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh đã đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền trong cán bộ, chiến sĩ, phát huy tinh thần tương thân tương ái, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tạo sự lan tỏa, chuyển biến mạnh mẽ về chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát. Lực lượng vũ trang tỉnh đã ủng hộ gần 150 triệu đồng cho chương trình hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát của tỉnh. Từ cuối năm 2024 đến nay, các đơn vị thuộc Bộ CHQS tỉnh đã huy động hàng nghìn ngày công lao động giúp đỡ các gia đình xây dựng nhà ở”.
Không dừng lại ở con số vài chục căn nhà mỗi năm, chương trình xóa nhà tạm của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lạng Sơn đang hướng tới mục tiêu dài hạn: người dân ở các bản làng vùng biên đều có nơi ăn chốn ở ổn định, từng bước làm giàu, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân./.