Ngày 24/05/2025 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Anbooks phối hợp cùng NXB Phụ nữ Việt Nam và tác giả PGS.TS Nguyễn Phương Hoa tổ chức buổi giao lưu giới thiệu cuôn sách “Hãy nói con cần mẹ - Cẩm nang đồng hành với người thân bị trầm cảm”.

Trong những năm gần đây, trầm cảm ở trẻ vị thành niên và thanh niên đang trở thành một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, khiến nhiều gia đình rơi vào cảm giác hoang mang, bất lực, bế tắc. Đã có những con số khiến chúng ta giật mình sửng sốt: Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trung bình cứ mỗi 20 người thì có 1 người bị bệnh trầm cảm (tức là 5% dân số thế giới). Trên thế giới hiện có khoảng 300 triệu người được chẩn đoán mắc bệnh trầm cảm và con số ấy chưa dừng lại mà đang không ngừng tăng lên.

Tại Việt Nam, theo báo cáo của Bộ Y Tế, tỷ lệ người được chẩn đoán trầm cảm dao động từ 3,1 – 6% dân số tùy theo vùng, nhiều nhất ở các thành phố lớn. Nhưng điều đáng nói là việc tiếp cận, điều trị vấn đề sức khỏe tâm thần này chưa được nhận thức và quan tâm đúng mức.

Những ngộ nhận về bệnh trầm cảm đã hạn chế sự tiếp cận đầy đủ và đúng đắn về kiến thức của căn bệnh này. Bên cạnh đó, những người thân của người bị bệnh trầm cảm cũng không được trang bị kiến thức và sự chuẩn bị đầy đủ về tinh thần để có thể đồng hành hiệu quả cho người bệnh. Điều này dẫn đến nhiều hệ quả đáng tiếc, bao gồm việc suy giảm chất lượng sống và tăng tỷ lệ gây hại khác.

Tình trạng thiếu kiến thức và định kiến xã hội khiến không chỉ người bệnh mà cả gia đình họ rơi vào vòng xoáy loay hoay, thiếu định hướng. Nhiều phụ huynh, người thân trở nên kiệt sức trong nỗ lực “kéo con ra khỏi bóng tối”, nhưng lại không biết bắt đầu từ đâu.

“Một người cha không còn trẻ nữa vừa kể, vừa buồn rầu cầu cứu bác sĩ của con mình: Con tôi có lần hỏi: Chúng ta sống để làm gì? Tôi trả lời, là để tận hưởng cuộc sống và để hạnh phúc. Nhưng cháu bảo: Con đã cố rồi, nhưng càng cố gắng bao nhiêu, con chỉ càng cảm thấy thất vọng, khổ sở bấy nhiêu, con muốn từ bỏ.

(Một đoạn trích trong cuốn "Hãy nói con cần mẹ" - Cẩm nang đồng hành với người thân bị trầm cảm”)

Trong bối cảnh đó, cuốn sách "Hãy nói con cần mẹ" - Cẩm nang đồng hành với người thân bị trầm cảm” của PGS.TS Nguyễn Phương Hoa được Anbooks và NXB Phụ nữ cho ra đời như một điểm tựa giúp cho những người thân và người bị trầm cảm tìm thấy sự thấu hiểu, dẫn dắt và hy vọng trên hành trình đầy chông gai, thậm chí là nước mắt bất lực.

Tác giả, PGS.TS Nguyễn Phương Hoa là một chuyên gia nhiều năm trong lĩnh vực tâm lý học tại Việt Nam. Bà từng là Trưởng phòng Thực nghiệm và ứng dụng Tâm lý học, Viện Tâm lý học (nay là Viện Xã hội học và Tâm lý học) thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam; Viện trưởng Viện Tâm lý học và Truyền thông thuộc Hội Tâm lý học Việt Nam, đồng thời là cố vấn của diễn đàn Beautiful Mind Việt Nam.

PGS.TS Nguyễn Phương Hoa chia sẻ về tên của cuốn sách "Hãy nói con cần mẹ": “Tôi muốn nhấn mạnh sự chủ động của người bị trầm cảm hãy nói với người thân của mình. Và vì vậy ở đây “mẹ” không phải là cá thể đơn độc mà là bao hàm biểu tượng cho tình thân thiêng liêng. Tôi muốn hướng đến điều giản dị: Làm sao để cha mẹ có thể ở lại bên con trong những ngày đen tối nhất. Tôi nhấn mạnh thêm, trầm cảm là một căn bệnh, nó cần được hiểu và chăm sóc đúng cách”.

Chính vì thế, với 412 trang sách, gồm 3 phần là những câu chữ không giáo điều, không ngôn ngữ học thuật khô khan, cuốn sách “Hãy nói con cần mẹ - Cẩm nang đồng hành với người thân bị trầm cảm” chạm đến trái tim độc giả nhờ giọng văn gần gũi, đậm tính chia sẻ và đặc biệt xuất phát từ trải nghiệm thực tế với tư cách một người mẹ có con từng đối mặt với trầm cảm.

Theo PGS TS Nguyễn Sinh Phúc, người nhiều năm công tác tại Khoa Tâm thần BV Quân Y 103, giảng viên Học viện Quân Y, điều ấn tượng với ông là hàm lượng khoa học của cuốn sách: “Tôi rất khâm phục khi danh mục tài liệu tham khảo lên tới 500 tài liệu uy tín trong nước và quốc tế. Sự khác biệt lớn nhất của cuốn sách này là tác giả giới thiệu những nghiên cứu mới và lạc quan về người bị bệnh trầm cảm. Tác giả đi thẳng vào mô tả những nghịch lý như: Người bị trầm cảm không hề “mất động lực” hoàn toàn, càng chủ động trong điều trị, người bệnh càng có cơ hội phục hồi. Những gì tưởng như yếu đuối lại ẩn chứa một nội lực lớn lao - khả năng phân tích, ghi nhớ, tập trung vượt trội. Và thay vì “quản lý” người bệnh, điều tốt nhất có thể làm là trao cho họ sự tự chủ đi kèm với niềm tin và không gian an toàn để hồi phục”.

Tham dự buổi giao lưu, chị Nguyễn Khánh Linh, người phụ nữ Việt Nam đầu tiên trở thành chuyên gia Google Developer Expert về Máy Học thuộc lĩnh vực AI tạo sinh của năm 2025, người sáng lập diễn đàn Beautiful Mind, một diễn đàn của những người bị trầm cảm và người thân của người bị trầm cảm cho biết: Linh là người đã từng vượt qua giai đoạn bị trầm cảm khi có sự chăm sóc, đồng hành đúng cách của gia đình mình. Theo Nguyễn Khánh Linh đây là một cuốn sách rất có giá trị bởi: “Quyển sách này thực sự là chiếc cầu nối giữa các thế hệ để cùng nhìn nhận đúng về trầm cảm để vượt qua con đường chông gai này. Đọc cuốn sách sẽ hữu ích với cả những người đang bị trầm cảm và người thân của họ bởi nó gợi ra những tia sáng lạc quan”.

Nhận xét về cuốn sách Thạc sĩ Mai Thị Việt Thắng (International Center for Cognitive Development) cũng khẳng định: “Cuốn sách dành cho những người đang sống chung với trầm cảm và người thân trong gia đình họ, những người làm nghiên cứu, làm trị liệu, hay đơn giản là người quan tâm đến sức khỏe tinh thần. Ở mỗi vị trí khác nhau, người đọc đều có thể tìm được sự giải thích, sự an ủi và thêm động lực”.

Nhà báo Trần Duy Phương gọi cuốn sách là “một chiếc gối tựa tinh thần” cho những người kiệt sức vì yêu thương: “Không áp đặt, không lý thuyết khô khan, tác giả dẫn dắt người thân đi từ nhận diện những biểu hiện khó nắm bắt, đến hiểu nguyên nhân, rồi học cách đồng hành, chữa lành”.

Nếu như 2 cuốn sách trước đó đã xuất bản của PGS.TS Nguyễn Phương Hoa là “Khi mây đen kéo tới” và “Có một cơn đau mang tên trầm cảm” (Xuất bản 2018- 2019) là những trải lòng, những nỗi đau của người trong cuộc được kể ra để chúng ta hiểu hơn về căn bệnh trầm cảm thì với “Hãy nói rằng con cần mẹ - Cẩm nang đồng hành với người thân bị trầm cảm” tác giả muốn gửi bức thông điệp rằng “Đối với người trầm cảm, gia đình vừa là nguồn động lực mạnh mẽ, nhưng đôi khi có thể vô tình trở thành áp lực. Chìa khóa ở đây là xây dựng một mối quan hệ gia đình gắn bó dựa trên niềm tin và sự thấu hiểu lẫn nhau”.