Dù đang rơi vào tình cảnh gặp khó khăn về đầu ra, song vừa qua, UBND tỉnh Bắc Giang là địa phương đầu tiên của cả nước đã có công văn gửi Bộ Thông tin và Truyền thông với mong muốn không dùng từ "giải cứu" khi tuyên truyền về việc tiêu thụ nông sản nói chung và vải thiều nói riêng. Theo cách lý giải của tỉnh Bắc Giang, trên thực tế, trong các tin, bài khi dùng từ "giải cứu" sẽ khiến giá các mặt hàng nông sản của tỉnh đều giảm, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, thu nhập của người dân.

Chưa bàn đến hiệu quả của cách làm này như thế nào, nhưng ông Hoàng Trọng Thủy, một chuyên gia nông nghiệp ủng hộ và đánh giá cao quan điểm này của tỉnh Bắc Giang. Ông Thủy phân tích, khi không đặt vấn đề cần phải “giải cứu” quả vải cũng có nghĩa là địa phương phải kích hoạt tư duy chuyển từ sản xuất đơn thuần sang sản xuất gắn với thị trường. Và chỉ khi nào tiêu thụ xong sản phẩm thì lúc đó mới hoàn thành chuỗi quá trình sản xuất. Hơn nữa vải thiều là một đặc sản vùng miền có giá trị cao và nằm trong trục nông sản xuất khẩu. Do vậy, nếu dùng từ “giải cứu” thì không những bị khâu trung gian giảm giá hoặc gây sức ép đối với người nông dân mà còn khiến cho một mặt hàng nông sản vốn dĩ được người tiêu dùng ưa thích bị giảm giá trị…..

"Xóa được tư duy giải cứu cũng có nghĩa là buộc người nông dân phải tự hạch toán và nhờ đó sẽ giảm bớt các khâu trung gian. Đây chính là khâu mà lợi nhuận cao nhất trong chuỗi giá trị của sản phẩm. Nông sản Việt Nam không thể gắn với giải cứu được nữa, vì điều này sẽ làm ngành nông nghiệp ngày càng trì trệ, chậm phát triển"-Ông Hoàng Trọng Thủy, nhấn mạnh.

Cũng theo ông Hoàng Trọng Thủy, lâu nay người nông dân vẫn quen tư duy sản xuất mùa vụ, không gắn với hạch toán kinh doanh. Lối tư duy này sẽ khiến người sản xuất chỉ nhận được những đồng tiền lẻ trong quá trình giao dịch thương mại. Giờ đây khi dần dần xóa tư duy “giải cứu” cũng có nghĩa là chúng ta đã thai nghén tư duy mới về kinh tế thị trường, mọi người đều phải kinh doanh và từ đó lợi ích sẽ được phân phối công bằng.

Liên quan đến vấn đề tiêu thụ nông sản của người nông dân, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cũng nhấn mạnh: "Ngành nông nghiệp của chúng ta hiện nay có lẽ cần phải bỏ từ "giải cứu", bởi nó không những làm giảm giá trị kinh tế mà còn nghe rất thương cảm, làm thương tổn người nông dân. Thay vì giải cứu chúng ta cần có những hành động cụ thể hơn".

Theo ông Thủy, đây có thể nói là một thông điệp truyền truyền lửa mạnh mẽ cho người nông dân và cũng là một thông điệp thể hiện sư quyết liệt cho cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, nâng niu sản phẩm. Việc đó không chỉ là tình yêu với nông nghiệp mà còn cần cả trách nhiệm của lãnh đạo địa phương và các cấp, các ngành.

Song, để không còn ai nhắc đến từ "giải cứu" thì ông Thủy cho rằng, các Bộ ngành, địa phương cần phải hành động nhanh hơn. Như câu chuyện ở tâm dịch Bắc Giang - không chỉ quả vải thiều mà còn rất nhiều mặt hàng nông sản khác, nếu không có giải pháp, sự phối hợp đồng bộ thì mọi công sức của nông dân sẽ đổ sông đổ bể.

Về lâu dài, chuyên gia Hoàng Trọng Thủy lưu ý, để có thị trường đầu ra bền vững, người nông Việt Nam cần bỏ tư duy sản xuất mùa vụ, chạy theo số lượng, theo đám đông. Nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp cần phải có sự liên kết với nhau tạo thành chuỗi trong sản xuất - tiêu thụ nông sản. Đặc biệt, ngành nông nghiệp cần phải đẩy mạnh chế biến sâu, xây dựng kho lạnh để bảo quản nông sản. Đây là con đường dài hơi để nâng cao giá trị nông sản của Việt Nam.

Trên thực tế, thời gian gần đây, nhiều cách làm, mô hình hay về tiêu thụ nông sản đặc biệt là quả vải thiều trong bối cảnh dịch COVID-19 đã được triển khai và tận dụng triệt để lợi ích của các nền tảng mạng xã hội. Đồng thời, việc đẩy mạnh bán vải thiều trên nhiều sàn thương mại điện tử cũng có được sự đón nhận tích cực từ phía người dùng.

“Thị trường phát triển qua giao dịch sàn điện tử, đã lan tỏa cho đến tận nông thôn là một mô hình thích ứng với hoàn cảnh trong mùa dịch cả về quy mô lẫn phương thức giao dịch và bán hàng. Thứ nữa là nó tạo điều kiện cho thị trường mới, thu hút được người tiêu dùng cả trong nước và nước ngoài, thậm chí nó lan tỏa đến các ngành khác”, chuyên gia Hoàng Trọng Thủy phân tích.

Trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết sẽ tiếp tục làm việc với bưu điện, Grab để kết nối đưa vải thiều đến tận tay người tiêu dùng thông qua các sàn thương mại điện tử. Trong khi đó, Bộ Công Thương khẳng định sẽ tiếp tục thực hiện các dự án hỗ trợ nông dân, HTX bán hàng online. Nếu những giải pháp này được làm một cách bài bản căn cơ thì chắc chắn cụm từ "giải cứu" sẽ không còn xảy ra….

Nghe nội dung cuộc trao đổi giữa PV VOV2 với chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy ngay dưới đây