Cần chuyển toàn bộ trường đại học thành một quốc gia số thu nhỏ

Ngày 09/12, tại hội thảo chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với trọng tâm là chuyển đổi số mở ra cơ hội về sự làm “ngược”, làm khác nhưng mang lại hiệu quả và kết quả bất ngờ.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng so sánh, nếu trước đây, đầu vào đại học là quan trọng, cách học – cách dạy là quan trọng thì giờ đây đầu ra là quan trọng vì sinh viên có thể tự học. Dạy có thể bằng cách không dạy mà chỉ là định hướng, kiểm soát chặt đầu ra và vì thế việc dạy, việc học có thể dễ hơn.

Trước đây, chỉ học những kiến thức đã có trong SGK thì nay học cả những điều không có trong SGK. Và vì thế, ngành GD&ĐT có thể huy động được những người không phải là giáo viên chính thức vào giảng dạy.

Trước đây, giáo viên là thầy giờ đây giáo viên là huấn luyện viên, sinh viên làm là chính và kết quả là trò giỏi hơn thầy.

Trước đây, học cách giải quyết vấn đề thì nay học cách tìm ra vấn đề là chính. Do vậy, việc dạy và học cũng thú vị hơn, hữu ích cho cả người dạy và học. Học trong nhà trường có thể rút ngắn đi.

“Những thay đổi trên và cả những thay đổi khác nữa có thể thực hiện rất nhanh thông qua chuyển đổi số” – Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Những năm gần đây, ngành giáo dục có nhiều chủ trương đổi mới song theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng những chủ trương này còn thiếu công cụ thực thi hiệu quả và cuộc cách mạng số đã mang đến cho ngành một công cụ có tính cách mạng, không chỉ thực thi hiệu quả mà còn cho phép ngành có những cải cách mạnh mẽ, triệt để hơn.

Cũng theo quan điểm của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, đã đủ điều kiện để thí điểm một đại học số ở Việt Nam. Trong đó, việc cần làm đầu tiên là chuyển đổi số toàn bộ trường đại học. "Toàn bộ hoạt động của trường đại học sẽ chuyển sang môi trường số mà ở đó trường học giống như một quốc gia số thu nhỏ".

Ngành GD&ĐT cần đầu tư xây dựng các nền tảng số để nội dung giảng dạy được đẩy lên và giáo viên tập trung vào việc tạo giá trị tăng thêm trên các nền tảng này.

"Nền tảng này không chỉ là nội dung mà còn là cách thức giảng dạy, cách học, cách thi kiểm tra - đánh giá. Nếu đại học làm xong các nền tảng này thì mặt bằng đại học sẽ được nâng lên một mức đáng kể" - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch tập đoàn FPT cho rằng đứng trước cuộc cách mạnh công nghiệp lần thứ 4 và chuyển đổi số chúng ta cần phải “thần tốc” và phải có quyết tâm chiến thắng.

Kỳ vọng 10 năm tới sẽ có một thế hệ công dân số

Phát biểu tại hội thảo chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, mục tiêu của ngành giáo dục trong những năm tới là đưa Việt Nam trở thành quốc gia hàng đầu về chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục-đào tạo.

Dịch Covid-19 theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng là dịp cho thấy khả năng thích ứng của học sinh, giáo viên và của cả xã hội về phương pháp dạy học trực tuyến.

Tuy nhiên, người đứng đầu ngành giáo dục cũng cho rằng, để chuyển đổi số hiệu quả hơn thì ngành giáo dục cần tổ chức lại cho bài bản. Tất cả các cơ sở giáo dục, giáo viên, học sinh… phải tham gia trên một nền tảng thống nhất. Khi xây dựng được một tài nguyên số và môi trường học tập số vận hành trên nền tảng công nghệ thống nhất thì việc học tập, giảng dạy, nghiên cứu, chia sẻ tri thức và đặc biệt xây dựng một xã hội học tập sẽ thuận lợi hơn.

Để đi xa, đi vững chắc trong chuyển đổi số theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cần phải trang bị kỹ năng về chuyển đổi số một cách căn cơ theo từng cấp học.

“Hy vọng 10 năm sau chúng ta sẽ có một thế hệ công dân giỏi về chuyển đổi số và tạo ra một nguồn nhân lực có chất lượng”. – Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ kỳ vọng.

Hiện Bộ GD&ĐT đã số hóa, gắn mã định danh cho khoảng 53,000 trường học mầm non, phổ thông; gần 24 triệu học sinh (số hóa các thông tin về lý lịch, quá trình học tập, rèn luyện, thể chất, ..), hơn 1,4 triệu giáo viên (hồ sơ, trình độ chuyên môn, đánh giá theo chuẩn, lương, ..); số hóa thông tin về cơ sở vật chất, nhà vệ sinh trường học, tài chính, báo cáo chuyên sâu về dạy-học ngoại ngữ…

Bộ GD&ĐT cũng đã hợp tác với Đề án Tri thức Việt số hóa xây dựng và phát triển kho học hiệu số dùng chung (bao gồm cả học liệu mở) gồm: Bài giảng e-learning (gần 5.000 bài giảng), bài giảng dạy trên truyền hình (hơn 2,000 video bài giảng), 200 thí nghiệm ảo, 35,000 câu hỏi trắc nghiệm, gần 200 đầu sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông, đề án tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng; trên 7.500 luận án tiến sĩ.

Khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, trên nền tảng của cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục, Bộ GD&ĐT đã hợp tác với Đề án Tri thức Việt số hóa triển khai ứng dụng AnToanCovid.vn để thu thập, xây dựng cơ sở dữ liệu và vẽ bản đồ thông tin về an toàn dịch Covid-19 cho các cơ sở giáo dục. Sau gần một tháng triển khai, đến nay đã có hơn 18,700 trường học hàng ngày cập nhật thông tin đảm bảo an toàn Covid-19 lên hệ thống giúp người dân, cộng đồng theo dõi, hỗ trợ tích cực trong phòng chống dịch.