10 nhóm ngành đào tạo chiếm hơn 80% sinh viên

Cả nước hiện có 240 trường Đại học với quy mô hơn 1.7 triệu sinh viên. Số liệu từ năm 2019-2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy hằng năm có khoảng 240.000 sinh viên tốt nghiệp. Tại Chương trình Tư vấn hướng nghiệp - Tuyển sinh 2022 diễn ra ngày 15/5, ông Bùi Văn Linh - Giám đốc Trung tâm Hợp tác đào tạo & Cung ứng nhân lực (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng đây là cơ cấu quan trọng trong nguồn nhân lực chất lượng cao của quốc gia.

Thống kê năm 2020, 10 lĩnh vực, ngành đào tạo có sinh viên tốt nghiệp từ 10.000 em trở lên với tổng số 204.562 sinh viên (chiếm 83.7%). Trong đó Kinh doanh và quản lý (60.000), sức khỏe (22.000), Khoa học Giáo dục và đào tạo giáo viên (21.000), Công nghệ kỹ thuật (19.000), Nhân văn (16.500), Kỹ thuật (14.400), Khoa học xã hội và hành vi (13.900), Kiến trúc và xây dựng (12.000), Máy tính và Công nghệ thông tin (11.900), Pháp luật (11.800).

Thống kê 2018-2020 có 10 nhóm ngành luôn đứng đầu về số lượng đào tạo và lượng sinh viên tốt nghiệp hằng năm, Khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên, Nhân văn, Khoa học xã hội hành vi, Kinh doanh và quản lý, Pháp luật, Máy tính và Công nghệ thông tin, Công nghệ kỹ thuật, Kỹ thuật, Kiến trúc và xây dựng, Sức khỏe.

Trong 3 năm, từ 2018-2020 có 10 nhóm ngành dẫn đầu về số lượng SV tốt nghiệp, con số này có ý nghĩa trong việc định hướng lựa chọn ngành nghề của học sinh.

Số liệu biến động đầu vào và sinh viên tốt nghiệp nghiệp tiếp cận 10 lĩnh vực đứng đầu trong 3 qua năm (2018-2020) cũng có thay đổi đáng kể.

Ngành Khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên năm 2018 có 27.028 giáo sinh sư phạm ra trường, đến năm 2019 có 28.038 người và năm 2020 giảm xuống còn 21.034 người. Ông Linh hy vọng với Nghị định 116 của Chính phủ hỗ trợ học phí và chi phí đào tạo cải thiện đời sống sinh viên sư phạm sẽ nâng số lượng này lên.

Ở nhóm Nhân văn trong 3 năm giữ ổn định cơ cấu. Theo đó, năm 2018 có 12.658 sinh viên tốt nghiệp. Con số này trong các năm 2019 và 2020 lần lượt là 16.335 và 16.567.

Tương tự, khối ngành Khoa học xã hội và hành vi cũng giữ ổn định, năm 2018 có 11.200 sinh viên tốt nghiệp, 2019 là 16.100 sinh viên tốt nghiệp, năm 2020 là 14.000 sinh viên tốt nghiệp.

Khối ngành Máy tính và Công nghệ thông tin có 11.000 sinh viên tốt nghiệp hằng năm.

Khối Công nghệ kỹ thuật dao động khoảng 19.000 sinh viên tốt nghiệp hằng năm.

Trong khi đó, khối Kiến trúc – Xây dựng giảm quy mô, năm 2018 số sinh viên tốt nghiệp là 14.000, con số này trong năm 2019 và 2020 lần lượt là 13.500 và 12.000.

Khối sức khỏe trong 3 năm từ 2018-2021 tăng quy mô đáng kể. Theo đó tăng từ 11.000 sinh viên tốt nghiệp năm 2018 lên 23.000 sinh viên tốt nghiệp năm 2020. Sở dĩ có con số này do các cơ sở đào tạo mở thêm khối ngành sức khỏe.

Ông Bùi Văn Linh cho rằng, với tình hình diễn biến số lượng đầu ra này phản ánh số lượng đăng ký đầu vào của các trường ĐH trong 10 nhóm ngành lớn chiếm hơn 80% tổng quy mô.

Năm 2020 có 5 lĩnh vực có số lượng sinh viên tốt nghiệp thấp nhất bao gồm: Toán và thống kê 593 em, Thú y 715 em, Dịch vụ vận tải 1.338 em, Dịch vụ xã hội 1.600 em, Nghệ thuật 1800 em.

Những ngành nghề tỷ lệ có việc làm sau tốt nghiệp cao

Thống kê của Cục Hợp tác đào tạo và Cung ứng nhân lực (Bộ Giáo dục và Đào tạo) chia xu hướng việc làm dựa trên tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm năm 2020 thành 4 nhóm.

Nhóm 1, các nhóm ngành sinh viên tốt nghiệp có việc làm ở mức cao trên 85%, ngành dịch vụ vận tải (89.2%); Ngành nghệ thuật 85.4%, Thú y (85.2%).

Như vậy năm 2020, nhóm 1 có 3 vị trí đạt mức cao trên 85%. Tuy nhiên đặc trưng nhóm ngành này thường có quy mô sinh viên tốt nghiệp không cao.

Nhóm 2, tỷ lệ sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp một năm từ 75-85%: Nhóm ngành Kiến trúc – xây dựng (79.6%); Sản xuất chế biến (79.5%); Toán thống kê (77.7%); Sức khỏe (66.7%); Nông lâm nghiệp thủy sản (75.8%); Khoa học sự sống (75.6%). Điểm đáng chú ý là nhóm ngành Khoa học sự sống có tỷ lệ việc làm cao nhưng lại là ngành khoa học cơ bản khó thu hút đào tạo nhân lực.

Nhóm 3, mức trung bình từ 70-dưới 75%: hầu hết 10 nhóm thống kê có cơ cấu sinh viên tốt nghiệp lớn nhất thuộc nhóm này. Trong đó, Khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên (74.5%); Nhân văn (74.7%); Kỹ thuật (74.1%); Công nghệ kỹ thuật (73.4%); Máy tính và công nghệ thông tin (73.6%).

Nhóm 4, mức thấp dưới 70%: Dịch vụ xã hội (56.3%); Môi trường- Bảo vệ môi trường (59.9%); Pháp luật (64.9%); Kinh doanh quản lý(68.8%), Khoa học xã hội và hành vi (69.2%).

Theo Giám đốc Trung tâm Hợp tác đào tạo & Cung ứng nhân lực (Bộ Giáo dục và Đào tạo), tư vấn học đường, công tác xã hội là những vị trí việc làm có khó khăn nhất định trong tuyển dụng tại các trường học và các trung tâm bảo trợ xã hội của Bộ Lao động-Thương Binh và Xã hội. Trong khi đó, môi trường là ngành học quan trọng nhưng cũng khó khăn trong tuyển sinh. Ngành Pháp luật cần thiết phải có biện pháp để sử dụng nguồn nhân lực pháp luật. “Muốn xây dựng xã hội thượng tôn pháp luật thì nhân lực ngành này cần được khai thác, sử dụng hiệu quả”, ông Linh khẳng định.