Năm 2017, 4 trường gồm ĐH Bách Khoa Hà Nội, ĐH Bách khoa TP.HCM, ĐH Bách khoa Đà Nẵng và ĐH Xây dựng Hà Nội được Hội đồng cấp cao đánh giá nghiên cứu và giáo dục Đại học (HCERES) cấp giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục cấp cơ sở giáo dục Đại học lần đầu tiên có thời hạn 5 năm (2017-2022). Sau 5 năm để chuẩn bị cho công tác tái kiểm định, cả 4 cơ sở giáo dục đại học này đã chuẩn bị báo cáo tự đánh giá theo bộ tiêu chuẩn của HCERES phiên bản mới năm 2022.

Trong 2 ngày (30/11/2023 và ngày 01/12/2023), Trường Đại học Xây dựng Hà Nội (ĐHXDHN) tổ chức Đợt đánh giá ngoài cơ sở giáo dục Đại học lần thứ hai theo tiêu chuẩn của Hội đồng cấp cao đánh giá nghiên cứu và giáo dục Đại học (HCERES).

Tham dự buổi làm việc, về phía Đoàn chuyên gia HCERES bao gồm 06 thành viên là những chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đào tạo và quản lý giáo dục đại học và 01 giám sát của Tổ chức HCERES do GS. Philippe Lebaron – Chủ tịch Ủy ban, Cố vấn đặc biệt cho Chủ tịch phụ trách Quan hệ đối tác kinh tế, Đại học Sorbonne dẫn đầu.

Về phía Việt Nam có GS.TS. Huỳnh Văn Chương – Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT; Ban giám hiệu, đại diện Hội đồng Chiến lược, Hội đồng Khoa học – Đào tạo, Hội đồng Tư vấn; đại diện lãnh đạo các Khoa, Phòng, Ban của trường.

Dựa trên các nhận xét/khuyến nghị của Đoàn đánh giá trong năm 2017, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội đã đã tích cực cải tiến, nâng cấp và đổi mới các hoạt động chung của Nhà trường và gửi báo cáo tự đánh giá; được tổ chức HCERES xem xét và đồng ý thành lập đoàn chuyên gia để thực hiện các hoạt động đánh giá tại Trường từ ngày 30/11/2023 đến ngày 01/12/2023.

PGS.TS. Hoàng Tùng, Hiệu trưởng nhà trường khẳng định, việc kiểm định quốc tế là một trong những trọng tâm trong kế hoạch chiến lược của Trường. Thông qua các nhận xét của đoàn kiểm định, Nhà trường có cơ sở để tự đánh giá và hoàn thiện hơn các kế hoạch hành động trong tương lai.

Ngay sau buổi báo cáo, Đoàn chuyên gia HCERES đã tiến hành thực hiện phỏng vấn trực tiếp Ban Giám hiệu, Chủ tịch Hội đồng Trường, đại diện Hội đồng Trường, Hội đồng Khoa học và Đào tạo, lãnh đạo Khoa/Phòng/Trung tâm, Giảng viên, các đối tác trong và ngoài nước, các sinh viên đang học tại trường; thăm quan cơ sở vật chất và các phòng thí nghiệm của Trường… để đánh giá toàn diện và ghi nhận các điểm đã cải thiện của Nhà trường so với lần kiểm định trong năm 2017, đảm bảo tính toàn diện trong việc kiểm chứng chất lượng hoạt động đào tạo của Nhà trường.

Cũng trong sáng 30/11/2023, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) tổ chức khai mạc Đợt khảo sát chính thức cơ sở giáo dục đại học (CSGDĐH) lần thứ hai theo tiêu chuẩn của Hội đồng cấp cao đánh giá nghiên cứu và giáo dục đại học (HCERES).

HCERES là tổ chức kiểm định uy tín được công nhận bởi Hiệp hội đảm bảo chất lượng châu Âu - ENQA (European Association for Quality Assurance in Higher Education) và Bộ tiêu chuẩn và hướng dẫn về đảm bảo chất lượng (ESG) trong hệ thống giáo dục đại học châu Âu (EHEA).

Ngoài các cơ sở đào tạo và nghiên cứu của Pháp, HCERES còn tham gia đánh giá các cơ sở đào tạo và nghiên cứu của các quốc gia thuộc EHEA, các cơ sở giáo dục đại học trên thế giới.

Trung bình hàng năm HCERES đánh giá và kiểm định 50 cơ sở đào tạo, tổ chức nghiên cứu; 630 đơn vị nghiên cứu; 600 chương trình đào tạo đại học; 300 chương trình đào tạo thạc sĩ và 70 chương trình đào tạo tiến sĩ.

Bộ tiêu chuẩn của HCERES dùng cho đánh giá các CSGDĐH và nghiên cứu ở nước ngoài gồm 03 lĩnh vực, 17 tiêu chuẩn, 122 tiêu chí (Phiên bản 2022):- Lĩnh vực 1: Quản trị và điều hành;- Lĩnh vực 2: Chính sách nghiên cứu Khoa học, Đổi mới sáng tạo;- Lĩnh vực 3: Chính sách giáo dục, người học và môi trường học tập.

Tại Việt Nam, HCERES đã thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục cấp cơ sở giáo dục Đại học lần đầu tiên vào năm 2017. Tính đến nay, HCERES đã đánh giá và công nhận chất lượng giáo dục tại 06 CSGDĐH tại Việt Nam.

Sau thời gian tích cực chuẩn bị, Trường Đại học Bách khoa - ĐH Đà Nẵng đã hoàn thành và gửi báo cáo tự đánh giá; được tổ chức HCERES xem xét và đồng ý thành lập đoàn chuyên gia để thực hiện các hoạt động khảo sát chính thức tại trường từ ngày 29/11/2023-02/12/2023.

Phát biểu tại Phiên khai mạc, PGS.TS Nguyễn Hữu Hiếu - Hiệu trưởng Nhà trường khẳng định: những giá trị cốt lõi của Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng đã được hình thành trong suốt hơn 45 năm trưởng thành và phát triển. Nhà trường quan tâm trong việc nâng cao chất lượng đào tạo cho sinh viên, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, hợp tác quốc tế... Và việc hoàn thiện mạng lưới đảm bảo chất lượng nội bộ của Nhà trường là yếu tố quan trọng để đảm bảo và từng bước nâng cao chất lượng mọi mặt của nhà trường.

Đại diện Đoàn đánh giá, TS. Christophe Haunold, Chủ tịch hội đồng, Giám đốc văn phòng hợp tác, chuyển giao kiến thức và công nghệ, Đại học Luxembourg cảm ơn sự đón tiếp nồng nhiệt của Nhà trường đối với Đoàn đánh giá. Ông cho biết, Nhà trường đã chuẩn bị rất chu đáo các tài liệu cần thiết cho đợt đánh giá lần này và Đoàn đánh giá đã đọc rất kỹ các tài liệu này. Trong đợt đánh giá lần này, Đoàn đánh giá đến đây với tinh thần lắng nghe để hiểu rõ thêm về các hoạt động của Nhà trường cũng như xác định những điểm cần cải thiện để cải tiến, đáp ứng với tiêu chuẩn của hệ thống kiểm định quốc tế.

Theo kế hoạch, Đoàn đánh giá sẽ thực hiện khảo sát, kiểm tra thực tế điều kiện cơ sở vật chất của trường Đại học; thực hiện 22 phiên phỏng vấn, khảo sát cơ sở vật chất, ... nhằm đảm bảo tính toàn diện trong việc kiểm chứng chất lượng hoạt động đào tạo của Nhà trường.

Trong hai ngày 27-28/11, Tổ chức kiểm định HCERES (CH Pháp) thực hiện hoạt động đánh giá chất lượng cấp cơ sở tại Đại học Bách khoa Hà Nội. Sáng ngày 27/11, HCERES đã có buổi làm việc với Ban Giám đốc và lãnh đạo các đơn vị cấp 2 nhằm trao đổi thông tin về sứ mạng, tầm nhìn, chiến lược và quản trị của Đại học và những hoạt động cải tiến chất lượng sau đợt kiểm định cấp đại học năm 2017.

Trong các phiên làm việc sau đó, Đoàn đánh giá thực hiện 19 phiên phỏng vấn trực tiếp, cởi mở với các bên liên quan và 2 phiên khảo sát, kiểm tra thực tế điều kiện cơ sở vật chất và phòng thí nghiệm nhằm đảm bảo tính toàn diện trong việc xác nhận chất lượng và các điều kiện đảm bảo chất lượng của Đại học.


Phát biểu tại phiên họp, PGS. Huỳnh Quyết Thắng, Giám đốc đại học khẳng định, sự có mặt của tổ chức HCERES thể hiện tầm quan trọng của quá trình kiểm định và cam kết của Đại học trong việc cải tiến liên tục, đảm bảo chất lượng đào tạo và nghiên cứu. Đánh giá đầu tiên của HCERES năm 2017 có ý nghĩa quan trọng trong việc định hình chiến lược, cải tiến quy trình và nâng cao các dịch vụ học thuật, là một dấu mốc quan trọng để đảm bảo nhà trường đang đi đúng hướng với mục tiêu và sứ mệnh của mình.

Theo TS. Lê Huy Tùng, Phó Trưởng Ban, Ban Quản lý chất lượng, Đại học Bách khoa Hà Nội có tầm nhìn là trở thành một đại học nghiên cứu hàng đầu khu vực với nòng cốt là kỹ thuật và công nghệ, đóng góp quan trọng cho sự phát triển của đất nước. Đây là lý do Đại học Bách khoa Hà Nội lựa chọn tổ chức kiểm định uy tín HCERES để thực hiện công tác kiểm định cấp Đại học.

Sau đợt kiểm định theo tiêu chuẩn HCERES vào tháng 3/2017, Đại học Bách khoa Hà Nội đã tích cực cải tiến chất lượng trên cơ sở các khuyến nghị của các chuyên gia ở tất cả 6 lĩnh vực: Chiến lược và quản trị, Nghiên cứu và đào tạo; Tiến trình đào tạo sinh viên; Quan hệ đối ngoại; Điều hành; Chất lượng và đạo đức.

Bộ tiêu chuẩn phiên bản mới của HCERES đã được cải tiến so với phiên bản trước, chỉ gồm 3 lĩnh vực: Quản lý chiến lược và điều hành; Chính sách về nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và đưa khoa học vào cuộc sống; Chính sách về giáo dục, người học và môi trường.

Trải qua nhiều hoạt động đánh giá, cán bộ và giảng viên trong đại học dần hiểu và tiệm cận văn hóa chất lượng trong tất cả các hoạt động giảng dạy và nghiên cứu.


“Không có hoạt động đánh giá, cải tiến, mỗi tổ chức đều sẽ thụt lùi với sự phát triển của xã hội. Kiểm định là một vòng xoáy không ngừng: công tác lên kế hoạch - triển khai - kiểm tra - cải tiến là một chu trình để mỗi cơ sở giáo dục đảm bảo mục tiêu đề ra, đánh dấu sự xuất hiện của mình trên bản đồ thế giới” – PGS. Trần Trung Kiên, Trưởng Ban Ban Quản lý Chất lượng ĐH Bách khoa Hà Nội khẳng định.

Trong năm 2017, Trường Đại học Bách khoa (ĐHQG TP HCM )là một trong bốn trường đại học đầu tiên tại Việt Nam đạt chuẩn kiểm định HCERES. Hiệu lực kiểm định có thời hạn 05 năm (2017-2022). Dựa trên các nhận xét/khuyến nghị của Đoàn đánh giá trong năm 2017, Trường Đại học Bách khoa đã có kế hoạch cải tiến, nâng cấp và đổi mới các hoạt động chung của Nhà trường.

Theo chu kỳ tái đánh giá,trong hai ngày 27-28/11/2023,Trường Đại học Bách khoa đã đón tiếp đoàn Hội đồng Cấp cao về Đánh giá nghiên cứu & Giáo dục đại học Pháp (HCERES) gồm 7 chuyên gia đến làm việc

Trong phiên làm việc đầu tiên, đoàn HCERES đã tiến hành các phiên phỏng vấn để đánh giá toàn diện và ghi nhận các điểm đã cải thiện của Nhà trường so với lần kiểm định trong năm 2017.

Tại phiên làm việc tổng kết, PGS TS. Mai Thanh Phong - Hiệu trưởng đã đánh giá việc đón đoàn HCERES lần này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhất là khi thông qua các nhận xét của đoàn kiểm định, Nhà trường có cơ sở để tự đánh giá và hoàn thiện hơn các kế hoạch hành động trong tương lai.