Sáng 1/11, Trường Đại học Mở Hà Nội tổ chức Hội thảo Quốc gia “Vai trò của giáo dục mở trong xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam”. Hội thảo có sự tham gia của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc và đại diện các Viện nghiên cứu, các Trường đại học.
Phần lớn cơ sở giáo dục ĐH Việt Nam ở giai đoạn đầu của chuyển đổi số
Tham luận tại Hội thảo, TSKH. Phạm Đỗ Nhật Tiến, đánh giá, chúng ta đã có cơ sở pháp lý cho việc thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số trong giáo dục mở, đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của nhân dân. Tuy nhiên, thiếu những phân tích chuyên sâu để đưa cơ sở pháp lý này vào cuộc sống.
Khảo sát năm 2018 của Gartner tại 98 nước về mức độ chuyển đổi số của giáo dục ĐH trên thế giới cho thấy 11% chưa có ý tưởng, 23% mong muốn chuyển đổi số, 27% đã thiết kế chuyển đổi số, 24% đã triển khai chuyển đổi số; 13% đã mở rộng phạm vi chuyển đổi số, 2% gặt hái được kết quả.
Ông Tiến cho rằng, 45% cơ sở giáo dục ĐH ở Việt Nam mới ở mức độ giữa của giai đoạn thiết kế và triển khai chuyển đổi số . Trong khi đó, 55% cơ sở giáo dục ĐH Việt Nam vẫn chưa có ý tưởng hoặc trong giai đoạn đoạn mong muốn chuyển đổi số hoặc thiết kế chuyển đổi số.
Đánh giá về thực trạng chuyển đổi số trong giáo dục mở ở Việt Nam dựa trên đối sánh các khuyến nghị và bài học kinh nghiệm thế giới, TSKH. Phạm Đỗ Nhật Tiến cho rằng, về mặt chính sách chúng ta đã có hệ thống văn bản đầy đủ và cập nhật về chuyển đổi số nói chung, chuyển đổi số trong giáo dục nói riêng. Về mặt hạ tầng, Bộ GD-ĐT đã xây dựng kho học liệu số dùng chung (Hệ tri thức Việt số hóa). Bộ thông tin và Truyền thông cũng đã triển khai nền tảng quốc gia MOOC về kỹ năng số.
Tuy nhiên, hiện thiếu các phân tích chuyên sâu để đưa chính sách vào đời sống. Riêng về giáo dục mở, hiện chưa có bất cứ chính sách cụ thể nào, nguồn lực quốc gia cho giáo dục mở. Về hạ tầng, chưa có bất kỳ nền tảng quốc gia nào về giáo dục mở nhằm đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của nhân dân.
Hiện nay, các cơ sở giáo dục ĐH đều đã có hoặc đang xây dựng kế hoạch, chính sách chuyển đổi số với hạ tầng công nghệ thông tin cơ bản khá tốt. Tuy vậy, việc triển khai còn nhiều hạn chế về nguồn lực, nhân lực và năng lực. Riêng về chuyển đổi số trong giáo dục mở vẫn còn tự phát và vấp phải nhiều rào cản. Hạ tầng vẫn chưa đủ mạnh để thiết lập và tận dụng các công nghệ số đột phá.
Hiện nay, các giảng viên đều được tập huấn, bồi dưỡng về một số vấn đề liên quan đến công nghệ số. Tuy nhiên, sự quan tâm của các trường trong tập huấn giảng viên về giáo dục mở còn mờ nhạt, việc giảng viên khai thác, sử dụng, phát triển các tài nguyên giáo dục mở OER còn nhiều hạn chế, tình trạng học viên khó khăn, học viên vùng sâu vùng xa không có máy tính và kết nối mạng trong học tập vẫn là thách thức.
Từ đó, ông Tiến cho rằng, chuyển đổi số trong giáo dục mở ở nước ta hiện vẫn chỉ ở giai đoạn sơ khởi do các chính sách về chuyển đổi số trong giáo dục còn khó đi vào đời sống vì thiếu các phân tích chuyên sâu để làm rõ thực trạng và những khoảng cách.
Theo TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến, cần nhận diện đầy đủ khoảng cách giữa hiện trạng và mục tiêu mong muốn, khoảng cách về hạ tầng số, nền tảng số, năng lực số; khoảng cách số giữa các vùng miền, giữa nông thôn và thành thị, giữa các tầng lớp dân cư khác nhau.
Ông cũng nhấn mạnh, thay vì một hệ thống chính sách dàn trải thì cần tập trung vào việc ban hành và thực hiện thật tốt các chính sách ưu tiên trong việc rút ngắn các khoảng cách đó.
Tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng để phát triển giáo dục mở
Hội thảo được kỳ vọng tạo ra diễn đàn để các khoa học, các nhà quản lý cùng nhau xem xét, trao đổi, thảo luận, và đưa ra các khuyến nghị, sáng kiến, giải pháp đặc biệt là các giải pháp công nghệ mới cần được áp dụng để nâng tầm giáo dục mở, góp phần xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời theo tinh thần Nghị quyết 29.
PGS.TS Nguyễn Thị Nhung, Hiệu trưởng Trường ĐH Mở Hà Nội cho biết, các trao đổi, thảo luận sẽ tạo ra cách hiểu thống nhất về giáo dục mở dưới góc độ thực hành; phân tích mối quan hệ giữa chuyển đổi số và giáo dục mở; chỉ ra những bất cập, những những khoảng cách giữa chính sách và thực tế triển khai, đồng thời, đề xuất các giải pháp phát triển giáo dục mở phục vụ nhu cầu học tập suốt đời của người dân và phát triển xã hội học tập ở Việt Nam.
Các nhà khoa học cũng làm rõ xu hướng phát triển EdTech và vai trò đối với giáo dục mở tại Việt Nam; ảnh hưởng của Trí tuệ Nhân tạo (AI) đối với xu hướng việc làm; các giải pháp liên kết giữa trường đại học, các cơ sở giáo dục thường xuyên, các tổ chức xã hội nghề nghiệp và doanh nghiệp để chuẩn bị cho người học những kỹ năng học tập suốt đời nhằm phát triển xã hội học tập.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc mong muốn các nhà khoa học tiếp tục đề xuất các giải pháp phát triển giáo dục mở, thúc đẩy xây dựng xã hội học tập.
Trong đó có việc xây dựng hệ thống giáo dục theo hướng mở, linh hoạt, có sự tham gia của các cơ sở giáo dục và các thiết chế ngoài nhà trường nhằm đa dạng hoá các mô hình đào tạo, chương trình giáo dục và phương thức học tập để phù hợp với mọi đối tượng người học, thúc đẩy học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập.
Triển khai các nền tảng chuyển đổi số phục vụ dạy, học, khảo thí trực tuyến; kết nối nền tảng dạy học trực tuyến với nền tảng quản trị nhà trường, tạo nên hệ sinh thái chuyển đổi số trong các cơ sở giáo dục, phát huy khả năng tự học, nghiên cứu độc lập của người học. Đồng thời, tổ chức các hình thức đào tạo, bồi dưỡng để phát triển, nâng cao năng lực số cho người dân.
Xây dựng và tổ chức các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ khuyến học, khuyến tài; khơi dậy nhiệt tình của đội ngũ giảng viên theo đuổi sự nghiệp giáo dục mở và chung tay xây dựng xã hội học tập. Tranh thủ tối đa các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế để phát triển tài nguyên giáo dục mở phục vụ nhu cầu học tập suốt đời của người dân.
Thứ trưởng cũng đề nghị các Viện nghiên cứu, các Trường đại học tăng cường liên kết, hình thành các nhóm nghiên cứu về giáo dục học nói chung và giáo dục mở nói riêng để thực hiện các nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phục vụ công tác quản lý, tổ chức các hoạt động cụ thể, hiệu quả trong các lĩnh vực liên quan đến giáo dục mở, xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời.
Ông Phúc đề nghị hai Trường Đại học Mở Hà Nội và Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh chủ động nghiên cứu phát triển học liệu mở và đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phục vụ học tập suốt đời.
Các đơn vị trực thuộc bộ, đặc biệt là Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường tiếp tục hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để các nhà khoa học phát triển các hướng nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng để phát triển giáo dục mở, từ xa và đảm bảo chất lượng trong các lĩnh vực liên quan đến giáo dục mở, xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời. Đồng thời, Vụ Giáo dục thường xuyên nghiên cứu, tham mưu chế độ tôn vinh các cơ sở giáo dục có đóng góp quan trọng trong xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam./.