Thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2025 về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2021-2025; Quyết định số 4910/QĐ-UBND ngày 08/12/2022 của UBND Thành phố Hà Nội về việc phê duyệt Đề án “Bồi dưỡng kiến thức Hà Nội học cho giáo viên phổ thông trên địa bàn Thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Trường Đại học Thủ Đô Hà Nội đã và đang phối hợp cùng với Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội triển khai các công việc liên quan đến Đề án.

Năm 2024, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội cùng với Sở GD&ĐT Hà Nội được sự giúp đỡ của các chuyên gia, các nhà khoa học đã và đang tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức Hà Nội học cho các đối tượng của Đề án bao gồm cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên phổ thông ở các cấp học (THPT, THCS và Tiểu học) nhằm trang bị thêm cho các thầy cô giáo phổ thông những kiến thức cơ bản nhất về Hà Nội trên các lĩnh vực như: Địa lý, dân cư và tính cách người Hà Nội; Lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất ngàn năm văn hiến; Các giá trị văn hóa của Hà Nội; Quy hoạch Thủ đô Hà Nội hiện tại và tương lai...

Sáng 22/7, 3 lớp bồi dưỡng kiến thức Hà Nội học cho giáo viên và cán bộ quản lý được triển khai tại các điểm: huyện Thường Tín, huyện Ứng Hòa và tại cơ sở 1 của Trường ĐH Thủ đô Hà Nội.

Tại cơ sở 4 của trường ĐH Thủ Đô Hà Nội (Thị trấn Thường Tín), GS.TS NGND Nguyễn Quang Ngọc đã chủ trì ngày giảng đầu tiên của khóa đào tạo kiến thức và kỹ năng giảng dạy môn Hà Nội học khẳng định: Đào tạo Hà Nội học là việc hết sức cần thiết để phát huy nguồn lực con người trong quá trình Xây dựng Thủ đô Hà Nội văn hiến, văn minh, hiện đại.

Từ rất sớm, Hà Nội có chủ trương từng bước xây dựng ngành Hà Nội học đưa giáo dục Hà Nội học vào Chương trình Giáo dục phổ thông. Trường ĐH Thủ đô Hà Nội được Thành ủy giao nhiệm vụ đứng ra xây dựng chương trình đào tạo về Hà Nội học và phối hợp với Sở GD-ĐT Hà Nội tổ chức ttriển khai đào tạo lớp bồi dưỡng về Hà Nội học trong ĐH Thủ đô Hà Nội.

GS.TS Nguyễn Quang Ngọc đánh giá rất cao quyết tâm của Trường ĐH Thủ đô Hà Nội trong quá trình thực hiện chủ trương của Thành phố. Theo GS, chỉ trong một thời gian ngắn, trường ĐH Thủ đô Hà Nội đã kết hợp với Sở GD-ĐT mở được hơn 30 lớp bồi dưỡng Hà Nội học ở khắp địa bàn của TP Hà Nội và đã tiến hành đào tạo cho 6200 học viên học về các nội dung cơ bản và cốt lõi của Hà Nội học cũng như phương pháp tổ chức và quản lý ngành học này. Bên cạnh đó, ĐH Thủ đô Hà Nội còn tổ chức được khá nhiều Hội nghị, Hội thảo bàn về các hoạt động cụ thể.

GS Nguyễn Quang Ngọc cho rằng: “Với cách tổ chức này trong năm 2024-2025 chúng ta đã thực hiện được đầy đủ chủ trương của thành ủy và đặc biệt là kế hoạch của Thành phố Hà Nội, triển khai hoàn thành xây dựng chương trình đào tạo về Hà Nội học cho các trường phổ thông. Và như vậy khi xây dựng xong chương trình đào tạo thí điểm thì chỉ 1 vài năm tới chúng ta hoàn thành đưa môn Giáo dục địa phương Hà Nội thành môn Hà nội học đích thực.”

TS Lê Thị Thu Hương – Trưởng Khoa Văn hóa du lịch - Trường ĐH Thủ đô Hà Nội chia sẻ với các đồng nghiệp của mình: Với sứ mệnh là những cỗ máy cái truyền bá kiến thức cho các thế hệ trẻ của Thủ đô, các nhà giáo của Hà Nội không thể không hiểu biết sâu sắc về vùng đất và con người trên mảnh đất luôn có vị thế là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội hàng đầu của đất nước, là kinh đô của các triều đại phong kiến, là thủ đô - trái tim của cả nước.

Sự hiểu biết về vùng đất, con người nơi đây và phổ biến, tuyên truyền kiến thức đó cho các thế hệ nhằm phục vụ trực tiếp cho các chiến lược phát triển của Thủ đô và đất nước đó chính là đích mà môn Hà Nội học hướng đến để bồi dưỡng cho các thầy cô giáo ở các cấp học trên địa bàn Thủ đô Hà Nội. Với những kiến thức về Hà Nội được bổ sung, hy vọng trước mắt sẽ giúp đội ngũ giáo viên ở các cấp học đang dạy môn Giáo dục địa phương thành phố Hà Nội sẽ bớt đi những khó khăn khi mà chưa có giáo viên được đào tạo dạy môn học này.

"Để học sinh thủ đô hiểu Hà Nội, yêu Hà Nội và có trách nhiệm với chính mảnh đất các em được sinh ra và lớn lên thì nhiệm vụ của các thầy cô giáo trực tiếp giảng dạy nội dung địa phương Hà Nội là rất nặng nề nhưng cũng vô cùng vinh dự. Các thầy các cô phải thấu hiểu, yêu Hà Nội mới lan tỏa tình yêu đó đến với học trò. Chúng tôi hy vọng rằng, qua đợt bồi dưỡng này các chuyên gia sẽ chia sẻ cùng các thầy, các cô là học viên trong lớp những kiến thức bổ ích về Thủ đô của chúng ta."- TS Lê Thị Thu Hương kỳ vọng.

Điều đáng nói là các thầy cô giáo tham gia các lớp bồi dưỡng về Hà Nội học một cách rất hứng thú và đầy trách nhiệm. Cô giáo Phạm Thị Phượng giáo viên dạy môn văn ở trường THCS Văn Bình, huyện Thường Tín chia sẻ : “Tôi cũng như các bạn giáo viên trong huyện háo hức đến xem môn giáo dục địa phương lần đầu tiên triển khai bồi dưỡng cho tất cả giáo viên. Đây là môn chúng tôi thấy rất khó nên chúng tôi muốn nghe các thầy giảng giải, đưa ra phương pháp dạy thế nào để áp dụng dạy cho các con dễ hiểu, phù hợp để tạo ra những giờ học linh hoạt, hay, hứng thú.."

Cũng theo cô Phượng, môn giáo dục địa phương nên được kết hợp với các môn khác để học sinh có tâm thế hứng thú nhất là trong thời đại văn minh như hiện nay, sự kết hợp mở rộng kiến thức sẽ giúp các em học sinh tiếp thu thêm được nhiều kiến thức.

Chỉ thị 30 của Thành ủy Hà Nội, ngày 17 tháng 2 năm 2024 đã nhấn mạnh "Cần khẩn trương đưa môn Hà Nội học vào giảng dạy tại các trường ở Hà Nội". Việc bồi dưỡng kiến thức Hà Nội học trong năm 2024 hy vọng sẽ thực hiện được một phần nhiệm vụ mà Thành ủy Hà Nội đặt ra, sẽ là bước chuyển giao, là sự chuẩn bị sẵn sàng đón nhận môn Hà Nội học vào giảng dạy ở các trường phổ thông thay thế môn Giáo dục địa phương thành phố Hà Nội hiện nay.