Hưng Yên có 16.384 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT 2024 (531 thí sinh tự do) tại 33 điểm thi. Tỉnh bố trí 710 phòng thi, điều động 2.479 cán bộ giáo viên tham gia công tác coi thi.

Ông Đỗ Tiến Hùng, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hưng Yên cho biết, sở đã tham mưu Ban chỉ đạo tỉnh thành lập 7 tổ kiểm tra. Qua kiểm tra cho thấy, các điểm thi đã phối hợp với công an, y tế, điện lực và chính quyền địa phương xây dựng phương án đảm bảo an ninh, an toàn tại các điểm thi; chuẩn bị đủ phương tiện, trang thiết bị phòng chống cháy nổ, đề phòng mất điện, mưa bão, vệ sinh an toàn thực phẩm, y tế, điện nước cho các tình huống bất thường khác để đảm bảo an ninh, an toàn tại các điểm thi.

Điện lực Hưng Yên đã rà soát tất cả các trạm biến áp, đường dây phụ tải ở tất cả điểm thi, phân công tổ ứng trực ở khu vực gần điểm thi. Tất cả điểm thi đều chuẩn bị máy phát điện dự phòng cho sự cố mất điện. Ngoài ra, đề phòng mưa gió bão lụt, chúng tôi cũng lên phương án đưa đón với sự hỗ trợ của lực lượng thanh niên tình nguyện.

Với tinh thần “không để một thí sinh nào vì điều kiện khó khăn mà không thể dự thi”, Hưng Yên cũng có kế hoạch hỗ trợ về phương tiện, kinh phí, điều kiện cần thiết. Thanh niên tình nguyện đã vào cuộc hỗ trợ nước uống, sữa, bố trí nơi nghỉ trưa với những thí sinh ở xa để đảm bảo các em tham dự đầy đủ các buổi thi. “Tất cả 33 điểm thi đã sẵn sàng đón thí sinh đến dự thi”, ông Hùng nói.

Bộ GD-ĐT lập đoàn kiểm tra thi đóng tại địa phương

Bộ GD-ĐT thành lập đoàn kiểm tra công tác coi thi THPT trên địa bàn tỉnh Hưng Yên gồm 95 cán bộ giảng viên của 2 trường ĐH Thủy lợi và ĐH Hàng Hải Việt Nam bắt đầu làm việc từ ngày 25/6.

PGS.TS Nguyễn Cảnh Thái, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Thủy lợi – Trưởng đoàn kiểm tra cho biết, năm nay ĐH Thủy lợi cử 50 cán bộ, giảng viên tham gia đoàn công tác.

Để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ thành công, nhà trường quán triệt đối với cán bộ giảng viên tham gia công tác kiểm tra thi phải thực hiện nghiêm túc, đúng quy chế, quy định của Bộ GD-ĐT. Thực hiện đầy đủ tất cả các bước trong quy trình. Các cán bộ giảng viên đoàn công tác thực hiện đúng vị trí, nhiệm vụ được phân công, có mặt đúng thời điểm để kịp thời xử lý những tình huống có thể xảy ra.

“Nhà trường nhấn mạnh 3 điểm cần tránh: không được lơ là mất cảnh giác, không được tự tiện xử lý tình huống bất thường. Trong trường hợp cần thiết phải được báo cáo về Ban chỉ đạo, lãnh đạo đoàn để phối hợp với sở GD-ĐT cũng như điểm thi nhằm xử lý phù hợp. Không được gây ra căng thẳng trong các điểm mà cán bộ của trường thực hiện nhiệm vụ”, PGS.TS Nguyễn Cảnh Thái khẳng định.

Trước đó, nhà trường đã thông báo đến tất cả đơn vị, các khoa trong trường, ưu tiên cán bộ giảng viên các khoa. Thông báo quy định tiêu chuẩn cán bộ đi làm công tác kiểm tra phải nắm vững chuyên môn nghiệp vụ. Đồng thời đáp ứng đủ các tiêu chuẩn tại Công văn số 1932/BGDĐT-Ttra ngày 26/4/2024 của Bộ GD-ĐT về Hướng dẫn Thanh tra kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Cụ thể là giảng viên cơ hữu, Có trình độ chuyên môn phù hợp với yêu cầu và nhiệm vụ của thanh tra giáo dục; được đánh giá, xếp loại ở mức độ hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong năm, không đang trong thời gian kỷ luật, yêu cầu về điều kiện không có người thân dự thi và đang làm nhiệm vụ thi tại điểm thi nơi làm nhiệm vụ và các quy định khác.

Về chuyên môn, nhà trường đã tổ chức tập huấn quy chế thi, nghiệp vụ thanh tra kiểm tra thi. Giảng viên khi được đánh giá đạt yêu cầu bài tập huấn mới được lựa chọn chính thức.

Bộ GD-ĐT thành lập 63 đoàn kiểm tra công tác coi thi của Bộ tại 63 Sở Giáo dục và Đào tạo, Hội đồng thi với gần 8.000 cán bộ, giảng viên cơ hữu các trường ĐH tham gia; thành lập 63 đoàn kiểm tra công tác chấm thi với tổng số 264 cán bộ chính thức tham gia đoàn./.