Buổi làm việc do Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Thành Phong và Giám đốc ĐHQG Hà Nội Lê Quân đồng chủ trì.

Trước đó, năm 2013 lần đầu tiên, ĐHQG Hà Nội và Ban Kinh tế Trung ương đã ký kết Quy chế phối hợp. Các nội dung hợp tác tập trung vào việc thực hiện nghiên cứu tư vấn góp ý dự thảo chính sách kinh tế - xã hội quan trọng của đất nước; nghiên cứu lý luận và chính sách liên quan đến các vấn đề hội nhập khu vực và quốc tế, các vấn đề mới mang tính thời đại hoặc toàn cầu.

Tiếp đó, ngày 22/08/2019, ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TP. Hồ Chí Minh đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Ban Kinh tế Trung ương. Sự kiện này tiếp tục khẳng định vai trò tư vấn chính sách của hai đại học hàng đầu để phát huy nguồn lực, thế mạnh của ba cơ quan trong hợp tác nghiên cứu, đề xuất các chủ trương, chính sách lớn phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội đất nước.

Theo đó, ba cơ quan sẽ hợp tác trong nghiên cứu khoa học phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội đất nước, tập trung vào một số nội dung, đó là Xây dựng các mô hình phát triển kinh tế - xã hội và kinh doanh mới trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4, mô hình hệ sinh thái đổi mới, sáng tạo và mô hình tăng trưởng kinh tế; Dự báo phát triển kinh tế - xã hội; Giải quyết các mối quan hệ lớn trong quá trình đổi mới đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; Phát triển và liên kết vùng; liên kết ngành, cụm ngành, đặc biệt là cụm liên kết đổi mới sáng tạo; Nghiên cứu trong lĩnh vực chuyển đổi số quốc gia, xây dựng và phát triển nền kinh tế số.

Phát biểu tại buổi làm việc ngày 19/10, GS.TS Lê Quân (Giám đốc ĐHQG Hà Nội) nhấn mạnh, trong thời gian vừa qua, ĐHQG Hà Nội có nhiều đột phá trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, đặc biệt là tiềm lực khoa học công nghệ và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của ĐHQGHN với tỷ lệ giảng viên/sinh viên tiệm cận tiêu chí của đại học nghiên cứu.

Bên cạnh đó, thứ hạng của ĐHQG Hà Nội trong các bảng xếp hạng uy tín như QS, THE liên tục gia tăng theo từng năm. Nhiều lĩnh vực của ĐHQG Hà Nội được các tổ chức xếp hạng đại học thế giới đánh giá với các tiêu chí nghiêm ngặt.

Với vị thế là trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học đa ngành, đa lĩnh vực hàng đầu Việt Nam, ĐHQG Hà Nội đã tham gia đóng góp trong việc tham mưu, tư vấn chính sách cho Chính phủ, các bộ ngành và địa phương.

Giám đốc ĐHQG Hà Nội Lê Quân mong muốn tiếp tục nhận được sự phối hợp, đặt hàng các nhiệm vụ khoa học từ Ban Kinh tế Trung ương, đặc biệt là nhiệm vụ khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19. Ngoài ra, ĐHQG Hà Nội sẵn sàng hỗ trợ cùng Ban Kinh tế Trung ương trong việc xây dựng Bộ cơ sở dữ liệu về chính sách xã hội.

Tại buổi làm việc, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Thành Phong đánh giá cao hiệu quả hoạt động hợp tác giữa hai cơ quan, kể từ khi Quy chế phối hợp năm 2013 được ký kết đến nay. Qua đó giúp cho Ban Kinh tế Trung ương đưa ra những tham mưu, đề xuất hợp lý, khả thi trong phát triển kinh tế - xã hội cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Nhiều đề án do Ban Kinh tế Trung ương tham mưu được Ban Chấp hành Trung ương Đảng đánh giá cao, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của các nhà khoa học và chuyên gia của Trường ĐH Kinh tế và một số đơn vị thành viên, trực thuộc ĐHQG Hà Nội.

Trong khuôn khổ buổi làm việc, Ban Kinh tế Trung ương và ĐHQG Hà Nội thống nhất tiếp tục hợp tác trong nghiên cứu khoa học phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội đất nước: Nghiên cứu các mô hình kinh tế mới trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Mô hình hệ sinh thái đổi mới, sáng tạo… và mô hình tăng trưởng kinh tế.

ĐHQG Hà Nội mong muốn Ban Kinh tế Trung ương ủng hộ, hỗ trợ và tạo điều kiện đề xuất và triển khai Chương trình Khoa học và Công nghệ phục vụ thu hút đầu tư, phát triển kinh tế xã hội vùng ven biển Việt Nam và giai đoạn 2 Chương trình Khoa học và Công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc. Hai đơn vị cũng sẽ phối hợp trong nghiên cứu, đề xuất, xây dựng các đề án, báo cáo thuộc lĩnh vực kinh tế - xã hội.