Rufino Aybar sinh năm 1998, vừa tốt nghiệp thủ khoa ngành Luật quốc tế, Học viện Ngoại giao với GPA 3.72/4.0. Trước đó, chàng trai Tây Ban Nha sở hữu bảng thành tích “khủng” như Á quân vòng quốc gia cuộc thi Diễn án Trọng tài Đầu tư quốc tế 2021 và là thí sinh biện hộ xuất sắc trong trận chung kết; Vô địch vòng Quốc gia cuộc thi Diễn án Luật Nhân đạo quốc tế 2019; thành viên đội tuyển Việt Nam tham gia kỳ thi Diễn án Luật sở hữu trí tuệ cấp khu vực tổ chức tại Singapore tháng 3-2019...

Bên cạnh đó, Khối trưởng Khoa Luật quốc tế còn tham gia vào các dự án của Liên Hợp Quốc, tình nguyện viên tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới.

Rufino Aybar được cư dân mạng biết đến với tên “Tây cột điện”, một Tiktoker có hơn 2,4 triệu người theo dõi.

“Hỏi nhanh, đáp gọn”

- Nếu tự nhận xét bản thân bằng 3 từ?

Rufino Aybar: Chắc là tích cực, trách nhiệm và tình cảm.

- Sở trường của bạn là...?

Rufino Aybar: Sở trường của mình là lắng nghe chia sẻ và động viên bất cứ ai đang gặp chuyện buồn để giúp cho họ vui lên và tích cực hơn.

- Còn sở đoản?

Rufino Aybar: Sở đoản của mình là khó tập trung vào một việc gì đó quá lâu

- Sau học tập và làm Tiktok thì thú vui của bạn là...?

Rufino Aybar: Ui, nhiều lắm, đọc sách, làm bánh, chơi tenis, chơi bóng bàn cùng bố, đi coffee, xem phim với bạn bè....

- Thần tượng của bạn là ai?

Rufino Aybar: Mỗi một lĩnh vực mình có một thần tượng khác nhau nhưng nếu một và chỉ một thì là Nelson Mandela vì với mình ông như một tượng đài về sự tự do và bình đẳng.

Nghe chia sẻ của Rufino Aybar tại đây:

Nỗ lực từng tí một để trở thành thủ khoa

Cảm ơn bạn Rufino Aybar đã dành thời gian cho VOV!

Phóng viên: Nhận được bằng khen thủ khoa của Học viện ngoại giao cảm xúc của bạn thế nào? Khoảnh khắc nào khiến bạn xúc động nhất khi tốt nghiệp với thành tích xuất sắc?

Rufino Aybar: Cảm xúc của mình khi nhận được bằng khen thủ khoa khó tả lắm. Đó là sự kết hợp giữa hạnh phúc và khó tin nhưng nhìn chung lại cả hành trình cảm xúc lớn nhất là tự hào vì những gì làm được.

Còn đỉnh điểm của sự xúc động là lúc mình gọi điện cho bố, khoe bằng khen và thấy bố rơi nước mắt vì quá xúc động. Bố nói với mình là “bố rất tự hào về con”, lúc đó mình nhận ra mình đã hoàn thành tốt trách nhiệm của một người con trong gia đình, ít nhất là một người con trong độ tuổi đi học là học tập thật tốt để làm bố mẹ hài lòng, tự hào.

Phóng viên: Từng đáp trả cực “khét” " trước câu hỏi “Tại sao lại học ở Việt Nam trong khi có thể đi Mỹ hoặc châu Âu?" nhưng sự thực thì việc trở thành sinh viên ngành Luật quốc tế, Học viện Ngoại giao với Rufino chắc hẳn xuất phát từ ước mơ, hay một cơ duyên nào đó chăng?

Rufino Aybar: Có thể nói Học viện Ngoại giao với mình như một ước mơ từ bé. Do tính chất công việc của bố mình ngày xưa mà mình có mối quan hệ rất gần gũi với những ông bà đại sứ. Mình thường xuyên được gặp họ và được nghe họ kể những câu chuyện thú vị về ngành ngoại giao, những câu chuyện thực sự truyền cảm hứng cho mình. Trong những câu chuyện ấy mình được biết phần lớn những đại sứ đều tốt nghiệp ngành Luật quốc tế. Điều đó làm mình tò mò và muốn về nhà nghiên cứu sâu hơn về nó.

Sau khi nghiên cứu mình cảm thấy kiến thức ngành luật quốc tế thực sự có ý nghĩa cao cả, nó như một công cụ bảo vệ hòa bình thế giới. Mình nghĩ bất cứ công việc nào cũng có khía cạnh pháp lý, nếu có kiến thức về ngành này thì chắc chắn sẽ có lợi cho mình nhiều. Đó là lý do tại sao mình theo học ngành Luật quốc tế ở Học viện Ngoại giao.

Phóng viên: Trước khi được biết đến là thủ khoa của Học viện Ngoại Giao, chúng tôi cũng rất tò mò về hành trình học tập của bạn ở Việt Nam?

Rufino Aybar: Trước khi học ở Học viện Ngoại giao mình cũng học cấp 1, cấp 2, cấp 3 ở Việt Nam. Cấp 1 mình học ở Trường tiểu học Hoàng Diệu, cấp 2 học ở Trường THCS Chu Văn An và cấp 3 mình học THPT Phan Đình Phùng. Khi mới đến Việt Nam bố mình rất thích cách giáo dục của các trường Việt Nam. Bố mình cảm giác trường Việt Nam giúp cho học sinh Việt Nam quy củ và nề nếp hơn các trường quốc tế nên đã quyết định cho 2 chị em học các trường Việt Nam từ bé.

Phóng viên: Trở thành thủ khoa không phải là chuyện dễ dàng. Bí quyết nào để có thể trở thành thủ khoa Luật quốc tế sau 4 năm ĐH?

Rufino Aybar: Mình nghĩ điều quan trọng nhất để trở thành thủ khoa là bản thân mình phải thực sự muốn đạt được danh hiệu này, chỉ khi mình thực sự mình muốn cái gì mình mới cố gắng giành lấy được.

Khi đề ra được mục tiêu lớn như vậy thì phải xây dựng chiến lược phù hợp với mình. Với cá nhân mình thì chiến lược đơn giản là nỗ lực hết mình từng ngày, từng môn, từng bài tập, từng kỳ thi, từng tí một để có thể biến ước mơ thành sự thật thôi.

Phóng viên: Được biết, bạn thành thạo 3 thứ tiếng là Tiếng Anh, tiếng Việt và tiếng Tây Ban Nha, Rufino có thể chia sẻ kinh nghiệm học ngoại ngữ của mình?

Rufino Aybar: Thực ra cả 3 thứ tiếng do mình cải thiện mỗi ngày, luyện tập, trau dồi liên tục. Ví dụ trong mọi hoàn cảnh mình cố gắng giao tiếp và tranh luận bằng ít nhất 2 thứ tiếng. Điều đó cũng giúp cho tinh thần học ngoại ngữ của mình tăng cao.

Kinh nghiệm của mình đúc kết chia sẻ với mọi người đó là, không bao giờ lơ là những thứ căn bản, luôn cố gắng dành thời gian luyện tập lại những gì đã học thì mới nhớ lâu được. Quan trọng hơn cả mình muốn khuyên mọi người đó là chúng ta phải coi việc học ngoại ngữ như một quá trình cải thiện bản thân chứ không phải bị áp lực điểm số hay sự đánh giá của người khác. Mình nghĩ rằng chúng ta bắt đầu học ngôn ngữ không phải tiếng mẹ đẻ của mình là một việc đáng trân trọng nên việc mình mắc lỗi sai là chuyện hoàn toàn bình thường nên không có gì phải e ngại cả.

"Cháu không phải là Tây đâu"

Phóng viên: Biệt danh “Tây cột điện” xuất phát từ đâu? Có những kỷ niệm nào gắn liền với biệt danh này mà bạn có thể chia sẻ?

Rufino Aybar: Ôi cái tên Tây cột điện, không đâu xa chính là chị gái Andrea đặt cho mình, nó cũng không có ý nghĩa sâu xa gì đâu, đơn giản là mình cao gần 2m nên chị ví mình như cái cột điện. Như cái tên Tây balo cũng là chị An đặt cho mình qua những video cà khịa nhau trên Tiktok. Lúc đầu mình cũng thường đáp trả chị An lúc chị gọi mình là Tây cột điện, nhưng bây giờ mình cũng quá quen với việc cả nước gọi mình như thế, thậm chí có những người chả biết tên thật của mình là gì, biết mỗi tên Tây cột điện.

Phóng viên: Thành thạo tiếng Việt nhưng ngoại hình thì rất “Tây”. Sống ở Việt Nam có bao giờ bạn rơi vào những tình huống bị hiểu lầm?

Rufino Aybar: Ôi dồi ôi, có nhiều tình huống lắm nhưng mình nghĩ không phải là hiểu lầm mà hài hước thì đúng hơn. Đó là những lần mình đi chợ, các cô bán hàng nói với mình giá cắt cổ, lúc đấy mình mở miệng ra bảo “Cô ơiiii! Cháu không phải là Tây đâu, cháu có cái mặt Tây như thế này thôi chứ cháu là người Việt đấy. Xong các cô “Úi xời ơi, xin lỗi, xin lỗi, tưởng Tây!”

Phóng viên: Không chỉ được biết đến là thủ khoa của Học viện Ngoại Giao, bạn còn là một Tiktoker có hàng triệu người theo dõi. Các thầy cô nhận xét bạn là người hiền lành nhưng tôi thấy bạn trên mạng rất “mặn”, thậm chí có phần “đanh đá”. Đâu mới là cá tính thật của bạn?

Rufino Aybar: Mình nghĩ cả hai. Thực ra, ngoài đời tính chủ đạo của mình hiền lành nhưng khi đi chơi với bạn bè mình là một người đùa rất là nhiều, bạn bè hay đánh giá mình là người hài hước. Cũng vì thế mình nhận ra cái khía cạnh "mặn mà" của mình luôn đem lại tiếng cười cho mọi người nên thỉnh thoảng mình muốn bộc lộ nó trên Tiktok để mang lại sự giải trí cho người xem.

Khi có khiếu nghệ thuật nhưng lại học luật quá đỉnh

Phóng viên: Tốt nghiệp chuyên ngành Luật quốc tế nhưng bây giờ bạn đang là Tiktoker nổi tiếng mạng xã hội. Bạn có kế hoạch theo đuổi con đường nào trong tương lai? Nếu tưởng tượng về 10 năm nữa, Rufino muốn mình là ai, trở thành người như thế nào?

Rufino Aybar: Thực sự đây là câu hỏi mình đã nghĩ rất nhiều vì mình cân nhắc kỹ cả 2 con đường. Một bên là con đường học thức và một bên là con đường nghệ thuật, bản thân mình luôn ấp ủ giấc mơ làm diễn viên từ bé và bây giờ mình cũng muốn học thêm MC, diễn xuất sâu hơn để đi theo nó. Nhất là khi mình đang có nền tảng Tiktok với số lượng các bạn ủng hộ như thế.

Tuy nhiên việc mình là đứa luôn ưu tiên việc học cộng với việc mình được danh hiệu thủ khoa càng làm cho mình cân nhắc con đường học thức của mình trong tương lai. Bình thường mình vẫn là một người hay lên mục tiêu và kiên định. Nhưng với quyết định lớn nhất cuộc đời mình, mình vẫn chưa muốn quyết định vội mà muốn thử sức cả 2 lĩnh vực để có sự lựa chọn sáng suốt nhất và xác định được sứ mệnh của mình.

Nếu tưởng tượng về 10 năm nữa mình chỉ mong có những đóng góp cho xã hội và quan trọng hơn là thấy được bản thân mình hạnh phúc là vui rồi.

Phóng viên: Ở Việt Nam, gia đình bạn thường đón Tết như thế nào? Kỷ niệm đáng nhớ nhất trong dịp Tết của Rufino ở Việt Nam?

Rufino Aybar: Thực ra gia đình mình đã ở Việt Nam được cũng gần 20 năm rồi nên cũng coi trọng dịp Tết như bao người Việt Nam khác, năm nào cả nhà cũng tụ tập ăn Tết theo đúng phong cách Việt Nam. Năm nay cả nhà cũng lo lắng vì dịch diễn biến phức tạp, tuy nhiên mình vẫn lạc quan và tin vào khả năng chống dịch của Việt Nam. Mặc dù dịch quay lại đoạn gần Tết này có khó khăn nhất định nhưng mình nghĩ Tết là lúc mình tận hưởng thời gian với những người thân yêu của mình nên dù có được ra ngoài du xuân hay không thì chúng mình vẫn hoàn toàn có được một cái Tết ấm no và hạnh phúc cho riêng mình.

Kỷ niệm tết thì vô vàn, quá nhiều, nhưng kỷ niệm nhớ nhất vẫn là năm mình được mời xông nhà. Năm đó mình được mời về quê bạn thân mình ở Quảng Bình. Không hiểu sao rất được săn đón. Bạn mình bảo thường xông nhà thì người ta sẽ xem tuổi chủ nhà trước, xem ai có tuổi phù hợp để xông nhà nhưng bạn bè, hàng xóm của bạn ấy thấy mình là Tây nên người ta không quan tâm đến tuổi của mình, ai cũng nhờ mình xông nhà. Thành ra đêm giao thừa vui ơi là vui, xông nhà đến 2-3h sáng, ai cũng vui vẻ đón tiếp mình vào nhà.

Cảm ơn bạn, chúc bạn và gia đình năm mới bình an!

Ảnh: NVCC