Theo thống kê từ Vụ Giáo dục Đại học, đến 17h00 ngày 20/8/2022 (thời điểm hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT tự động khóa chức năng đăng ký xét tuyển), đã có 616.522 thí sinh nhập nguyện vọng trên tổng số 941.759 thí sinh có ý định đăng ký xét tuyển trước khi thi tốt nghiệp THPT.
Đến thời điểm 20h30 ngày 20/8/2022, sau khi đã xử lý đầy đủ các lệnh đăng ký nguyện vọng của thí sinh đang chờ vào thời điểm 17h00, hệ thống cũng không ghi nhận sự gia tăng nào của việc thí sinh tiếp tục vào Hệ thống để đăng ký xét tuyển bổ sung. Thí sinh tiến hành đăng ký nguyện vọng xét tuyển thuận lợi, trong suốt quá trình không gặp khó khăn, không có hiện tượng nghẽn mạng cho tới phút cuối cùng của thời hạn đăng ký.
Như vậy, có trên 325.000 thí sinh đã quyết định không nhập nguyện vọng lên Hệ thống (chiếm 34,6% trên tổng số thí sinh có mong muốn lựa chọn đăng ký xét tuyển trước khi thi tốt nghiệp THPT).
Dư luận có 2 chiều ý kiến trước con số này. Một bên cho rằng số liệu trên là bình thường, có thể do nhiều thí sinh đã chọn hướng đi khác, đi du học… thay vì học đại học trong nước, có thể do kết quả thi tốt nghiệp THPT không đủ cao để tham gia xét tuyển, không đủ điểm sàn của nhiều trường…
Tuy nhiên, một số ý kiến lại cho rằng con số trên 325.000 thí sinh (tương đương khoảng 1/3 số thí sinh đăng ký xét tuyển) không nhập nguyện vọng lên hệ thống là bất thường, đáng quan ngại.
Trao đổi với báo chí về vấn đề trên, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT khẳng định, thực tế, việc có 325.000 thí sinh không nhập nguyện vọng là số liệu bình thường, không thể hiện điều gì đáng quan ngại.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy phân tích, mọi năm, khi đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, thí sinh phải cùng lúc đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào các trường đại học (sau đó có thể điều chỉnh thông tin đăng ký nguyện vọng xét tuyển trong thời gian quy định) và nộp lệ phí xét tuyển ngay. Do đó, thí sinh sẽ có xu hướng và tâm lý “cứ đăng ký trước, đăng ký thật nhiều nguyện vọng” vì cho rằng đây là cơ hội trúng tuyển, sau đó mới dần điều chỉnh.
Tuy nhiên, tới năm 2022, khi đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, thí sinh chưa phải đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học mà chỉ cần tích vào một ô trên phiếu đăng ký dự thi với nội dung “có ý định đăng ký xét tuyển đại học hay không”. Đa số các em sẽ tích vào ô này vì không gây ảnh hưởng gì, sau này mới là thời điểm quyết định đăng ký nguyện vọng thực sự. Tới khi có điểm thi tốt nghiệp THPT, thí sinh mới thực sự đăng ký nguyện vọng xét tuyển cụ thể và nộp lệ phí.
Vào năm 2020, số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển trên hệ thống là 642.270, năm 2021 số lượng là 794.739. Như vậy, số thí sinh đăng ký xét tuyển năm 2022 có giảm, nhưng thể hiện con số thực chất, thực lực của thí sinh có khả năng cạnh tranh xét tuyển vào đại học, thực sự mong muốn vào học đại học.
“Khi nhận kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT rồi, các em sẽ biết bản thân đang ở đâu, biết được năng lực, thực lực đạt được của mình như thế nào. Nhiều thí sinh khi có kết quả điểm không cao, nhận thức thấy rằng không đủ khả năng cạnh tranh khi xét tuyển đại học, do vậy đã không đăng ký nữa. Nhiều em khác đã có kết quả và quyết định đi du học, v.v.
Và điều này cũng giảm được công sức, giảm được việc thí sinh nộp lệ phí xét tuyển không cần thiết, tính trên toàn hệ thống là một sự tiết kiệm xã hội lớn. Bởi vậy, việc năm nay có khá nhiều thí sinh không nhập nguyện vọng xét tuyển trên Hệ thống là chuyện bình thường”, PGS Thủy giải thích.
Bên cạnh đó, theo bà Thủy, có một số lượng lớn thí sinh đi du học năm 2022 nên cũng không đăng ký xét tuyển. Trước đó, các năm 2020 và 2021, nhiều thí sinh bỏ lỡ việc đi du học do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Năm nay, ngay khi có điểm thi tốt nghiệp THPT, rất nhiều thí sinh đã bắt đầu hành trình đi du học ở khắp nơi trên thế giới. Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục phân tích số liệu về điểm thi tốt nghiệp THPT, phân tích theo vùng miền… đối với số lượng 325.000 thí sinh không đăng ký xét tuyển kể trên để có các điều chỉnh chính sách tương ứng, phù hợp trong những năm tới.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT nhấn mạnh thêm, nếu nhìn vào năng lực đào tạo hiện nay của hệ thống, tức là số lượng chỉ tiêu mà các trường đại học đã công bố thì con số 616.522 thí sinh nhập nguyện vọng đăng ký xét tuyển là hợp lý.
Bởi hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam hiện không đủ dung lượng để đào tạo cho tất cả trên 940.000 thí sinh nếu cùng đăng ký xét tuyển. Thực tế, năm 2020, số lượng nhập học chính quy theo tất cả phương thức xét tuyển là 441.913 thí sinh. Đến năm 2021, con số này tăng lên thành 501.455 thí sinh, là số liệu nhập học đại học cao nhất từ trước đến nay.
Trước đó, một chuyên gia về tuyển sinh đại học nhấn mạnh: “Hai năm vừa qua là thời gian tốt nhất cho tuyển sinh trong nước khi thí sinh khó có thể có cơ hội đi du học nước ngoài, nhất là trong đại dịch diễn biến phức tạp. Như vậy nếu năm nay tổng số nhập học chính quy có tăng, ví dụ tăng thành 550.000 thì vẫn còn gần 70.000 em không đỗ đại học. Bởi vậy, việc những thí sinh khó có cơ hội trúng tuyển không đăng ký, không nhập nguyện vọng nữa cũng là điều hợp lý, cho thấy xã hội đã nhận thức được về việc đánh giá năng lực của mình có thể cạnh tranh được hay không”.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cho rằng, từ các số liệu trên, cần nhìn nhận về vấn đề cấp thiết phải gia tăng đầu tư các nguồn lực cho giáo dục đại học; đầu tư phát triển năng lực đội ngũ, cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng… để mở rộng quy mô đào tạo mà vẫn đảm bảo và ngày càng nâng cao chất lượng.
“Hiện nay, nguồn nhân lực chất lượng cao trình độ cao của Việt Nam đang rất thiếu để có thể đáp ứng sự phát triển kinh tế - xã hội, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số, kinh tế số, kinh tế xanh,… Không có đội ngũ đào tạo trình độ cao thì không thể đáp ứng được các yêu cầu cấp bách đặt ra, nhất là trong bối cảnh tốc độ phát triển khoa học công nghệ mạnh mẽ trên toàn cầu. Tuy nhiên, đầu tư cho giáo dục đại học hiện còn đang rất thiếu, nguồn cung từ phía các trường đại học trong hệ thống là chưa đủ cao để đáp ứng nhu cầu của xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế của đất nước”, PGS Thủy chia sẻ.
Với một số ý kiến cho rằng con số trên 325.000 thí sinh không nhập nguyện vọng lên hệ thống chính là “tỷ lệ ảo” lớn, sẽ gây khó khăn cho các trường trong công tác tuyển sinh, PGS Thủy nêu ý kiến: “Đây không phải tỷ lệ ảo, mà chính là việc giúp giảm số “thí sinh ảo” trong hệ thống khi triển khai công tác tuyển sinh”.
PGS Thủy nhấn manh, con số 616.522 thí sinh nhập nguyện vọng phần lớn đã là những người muốn học đại học, có đủ năng lực để học đại học. Việc hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GDĐT chạy lọc ảo trên những thí sinh này giúp chúng ta “giảm ảo” rất nhiều, bởi nếu giữ cả những thí sinh không muốn học/khó có khả năng đỗ sẽ càng làm rối các con số và khiến các trường càng khó xác định đúng được số lượng thí sinh có khả năng nhập học./.