Ngày 9/9, Ban cán sự đảng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 6/6/2014 của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao.

Theo báo cáo của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH), sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW, công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về đào tạo nhân lực có tay nghề cao đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Các bậc trình độ đào tạo giáo dục nghề nghiệp được hình thành theo hướng mở, liên thông, phù hợp với hệ thống giáo dục nghề nghiệp các nước trên thế giới; hình thành mạng lưới trường cao đẳng chất lượng cao, tiếp cận trình độ khu vực và quốc tế.

Đáng chú ý, số lượng tuyển sinh giai đoạn 2014-2023 đạt 21,238 triệu người, trong đó trình độ cao đẳng đạt 1,716 triệu người (chiếm 8,1%), trình độ trung cấp đạt 2,4 triệu người (chiếm 11,6%).

Quy mô đào tạo tăng góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ của cả nước năm 2023 đạt 27,6%.

Riêng đối với 45 trường được lựa chọn ưu tiên đầu tư để thành trường chất lượng cao, giai đoạn 2015 - 2023 tuyển sinh trên 1,6 triệu người.

Các ngành, nghề có kết quả tuyển sinh cao tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực ngành, nghề phổ biến, có nhu cầu sử dụng lao động cao trong xã hội như: kỹ thuật công nghệ, công nghệ thông tin; du lịch, dịch vụ, nhà hàng, khách sạn... Trong những năm gần đây, các ngành nghề mới, đào tạo xanh cũng được nhiều cơ sở Giáo dục nghề nghiệp quan tâm, chuyển hướng đào tạo…

Bên cạnh những ngành, nghề tuyển sinh tốt, còn có những ngành, nghề khó tuyển sinh tập trung ở những lĩnh vực ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, như: khai khoáng, mỏ, hầm lò; xử lý chất thải, môi trường....

Áp dụng mô hình "đào tạo kép" đào tạo nhân lực có tay nghề cao

Theo ông Đỗ Văn Giang, Phó Vụ trưởng vụ Đào tạo chính quy, Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH), thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp đã chủ động trong việc xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo theo năng lực thực hiện, dựa trên cơ sở nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động.

"Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp xây dựng chương trình đào tạo dựa trên tiêu chuẩn kỹ năng nghề, bảo đảm tính khoa học, hiện đại, hệ thống, thực tiễn, linh hoạt, đáp ứng sự thay đổi của thị trường lao động; bảo đảm việc liên thông giữa các trình độ giáo dục nghề nghiệp với các trình độ đào tạo khác trong hệ thống giáo dục quốc dân", ông Đỗ Văn Giang cho biết.

Cũng theo ông Giang, các cơ quan chuyên môn đã xây dựng và ban hành 300 bộ khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp trình độ trung cấp, cao đẳng cho 300 nghề để các trường tự chủ làm căn cứ xây dựng, điều chỉnh, ban hành chương trình đào tạo của trường đạt chuẩn đầu ra theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam.

Nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã chủ động đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng phát huy tính chủ động, sáng tạo, vận dụng kiến thức kỹ năng của người học vào thực hành.

"Một số trường đã nghiên cứu và áp dụng mô hình "đào tạo kép" phối hợp chặt chẽ giữa đào tạo tại trường và đào tạo tại doanh nghiệp. Trong đó, học sinh, sinh viên học thực hành tại trường 6 - 7 tháng và học tại doanh nghiệp 3 - 4 tháng", ông Đỗ Văn Giang cho biết.

Mặc dù đạt được nhiều kết quả quan trọng trong đào tạo nhân lực có tay nghề cao, tuy nhiên vẫn tồn tại những khó khăn, hạn chế như nhận thức về đào tạo nhân lực có tay nghề cao ở một số cấp ủy đảng và chính quyền địa phương chưa thống nhất và đầy đủ; Công tác tuyên truyền các mô hình và cá nhân điển hình chưa được chú trọng; công tác dự báo nguồn nhân lực chưa được thực hiện tốt.

Ngoài ra, trình độ học vấn của lực lượng lao động qua đào tạo ở Việt Nam thấp, chủ yếu là trung học cơ sở (67%); năng suất lao động thấp hơn nhiều nước trong khu vực. Trình độ đào tạo sơ cấp, dưới 3 tháng còn chiếm tỷ lệ cao (75%). Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo ở nước ta còn thấp hơn so với các nước phát triển...

Đào tạo nhân lực tay nghề cao theo tiêu chuẩn quốc tế

Tại hội nghị, TS. Phạm Vũ Quốc Bình - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất 6 nhóm giải pháp quan trọng, trong đó cần tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự quản lý nhà nước của các cấp chính quyền; Hoàn thiện hệ thống chính sách, mạng lưới Giáo dục nghề nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực tay nghề cao...

"Quy hoạch mạng lưới cơ sở Giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, bảo đảm quy mô, cơ cấu, hợp lý về ngành, nghề, trình độ đào tạo, vùng miền, chuẩn hóa, hiện đại hóa, có phân tầng chất lượng. Phát triển một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện chức năng đào tạo thực hành chất lượng cao quốc gia, vùng", TS. Phạm Vũ Quốc Bình nhấn mạnh.

Cũng theo ông Bình, trong các nhiệm vụ giải pháp sắp tới cần xây dựng thông tin, dữ liệu nhu cầu và dự báo nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao; Đẩy nhanh chuyển đổi số tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục nghề nghiệp; Gắn kết với doanh nghiệp, thị trường lao động và việc làm bền vững; Giám sát, đánh giá chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Ông Bình lưu ý, cần phải tăng cường các chương trình chất lượng cao, trong đó chương trình đào tạo phải có sự gắt kết chặt chẽ với thực tiễn của doanh nghiệp, chú trọng đào tạo kỹ năng, thực hành, kỹ năng số, ngoại ngữ... xây dựng được các chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế...

"Chúng tôi khuyến khích 3 loại hình chương trình. Chương trình thứ nhất, đào tạo liên kết với nước ngoài và cấp các văn bằng, chứng chỉ theo tiêu chuẩn của Việt Nam ở nước ngoài. Chương trình thứ hai là nhập hoặc nói cách khác là chuyển giao chương trình của nước ngoài và thực hiện. Chương trình thứ ba là chúng ta biến chương trình nước ngoài vào một chương trình mà chúng tôi gọi là chất lượng cao đại trà. Cả 3 hướng này chúng ta cần nhanh chóng triển khai phù hợp với điều kiện của Việt Nam", ông Bình nói.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh đánh giá, trong 10 năm qua, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức nghiên cứu, quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW đã được thực hiện đồng bộ từ Trung ương đến địa phương.

Đồng thời, công tác học tập, quán triệt và tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ đảng viên ở các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân đã được triển khai khá đồng bộ với sự tham gia và phối hợp của nhiều cấp, nhiều ngành.

"Trong 10 năm qua công tác đào tạo nghề đạt được nhiều kết quả quan trọng, trong đó, hệ thống chính sách được đẩy mạnh với 123 văn bản được ban hành; tuyển sinh tăng 12% so với giai đoạn trước đó; quy hoạch mạng lưới được ổn định, đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo được ưu tiên, trình độ ngày được nâng cao; việc đổi mới chương trình được đồng bộ...", Thứ trưởng Lê Văn Thanh đánh giá.

Thứ trưởng nhấn mạnh, thời gian vừa qua, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 04/5/2023 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;

Kết luận số 91-KL/TW ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế;

Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 10/7/2024 về đổi mới đào tạo nghề cho lao động nông thôn đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Ban cán sự đảng Bộ LĐ-TB&XH đề xuất Ban Bí thư quan tâm chỉ đạo thực hiện hiệu quả các Chỉ thị và kết luận nêu trên, không ban hành Chỉ thị mới trong thời gian này.

Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW và ý kiến phát biểu của các đại biểu tham dự hội nghị theo khẳng định của Thứ trưởng Lê Văn Thanh sẽ là cơ sở quan trọng để Ban cán sự đảng Bộ LĐ-TB&XH tiếp tục hoàn thiện các chính sách và giải pháp trong thời gian tới.