Chiều 14/8, phát biểu tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo giám sát chuyên đề về “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, Chính phủ chỉ đạo và Bộ GD-ĐT đang điều chỉnh thông tư 25 về lựa chọn sách giáo khoa (SGK); cải thiện việc kiểm soát quá trình biên soạn, thử nghiệm sách, chất lượng của việc thẩm định sách, việc hướng dẫn giáo viên cũng đã và đang được điều chỉnh dần.

Các hoạt động xuất bản và phát hành SGK của NXB Giáo dục Việt Nam đã và đang được điều chỉnh mạnh trong vài năm trở lại đây, theo hướng tăng chất lượng sản phẩm, giảm giá thành sách và tăng các biện pháp hỗ trợ học sinh. Đặc biệt là lưu ý giảm giá thành, giảm tỷ lệ chiết khấu, chi phí phát hành…

Liên quan đến kiến nghị của Đoàn giám sát: “nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương về việc giao Bộ GD-ĐT chuẩn bị nội dung một bộ sách giáo khoa của Nhà nước”… Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề nghị Đoàn giám sát và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cân nhắc điều này. Đồng thời kiến nghị bỏ nội dung này khỏi nội dung Nghị quyết.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, vẫn đang còn tồn tại những quan điểm khác nhau về bản chất và vai trò của SGK trong hoạt động dạy và học theo chương trình mới. Nhà nước (Bộ GD-ĐT) nắm và trông coi chương trình thống nhất toàn quốc, đó là nội dung lõi của giáo dục, là pháp lệnh, còn SGK là học liệu, là công cụ, là cái hỗ trợ giáo viên để chuyển tải chương trình, thực hiện các yêu cầu môn học.

"Chương trình là duy nhất, thống nhất, học liệu là đa dạng và linh hoạt, vậy có cần một bộ SGK - tức một bộ học liệu của nhà nước hay không? Trong số hàng trăm bài giảng trên truyền hình, giáo viên đã dạy theo chương trình với sự chuẩn bị riêng, không theo bất cứ bộ SGK nào. Vậy có cần Quốc hội phải thông qua việc giao Bộ GD-ĐT chuẩn bị nội dung cho một bộ học liệu hay không?", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đặt vấn đề.

Cũng theo ông Sơn, Bộ GD-ĐT đang ra sức hướng dẫn, điều chỉnh, yêu cầu giáo viên thay đổi quan niệm về SGK, thay đổi cách mà giáo viên sử dụng SGK và coi đó là trọng tâm của đổi mới phương pháp dạy học. Việc này không chỉ ảnh hưởng lớn tới chủ trương xã hội hóa trong việc biên soạn và phát hành SGK, mà còn hệ trọng hơn nó có thể tác động tới tinh thần đổi mới mà toàn ngành đang hướng tới về mặt phương pháp.

Ông Sơn phân tích: Nếu lo lắng về an toàn an ninh SGK thì điều này cũng không thành vấn đề, vì NXB Giáo dục Việt Nam, doanh nghiệp 100% vốn nhà nước đang nắm bản quyền 2 bộ SGK. SGK cho các lớp 5-9-12 là những bộ sách cuối cùng cũng đã soạn xong và đang thẩm định… điều này cũng rất khác với nội dung Nghị quyết số 122 năm 2020 cho phép Bộ GD-ĐT Chỉ tổ chức biên soạn khi không có tổ chức và cá nhân nào biên soạn. Hiện nay tất cả các môn học còn lại đều đã có một số sách được các tập thể và cá nhân biên soạn, vậy việc tổ chức chuẩn bị nội dung một bộ sách không giải quyết được mấy vấn đề.

"Hiện nay đang giữa chặng đường, những khó khăn vướng vấp ban đầu là khó tránh khỏi, nhưng nó đang được khắc phục và cải thiện và ngày càng tốt thêm. Vấn đề lớn lúc này là tiến hành đổi mới theo chiều sâu, đổi mới phương pháp dạy, học, kiểm tra đánh giá, gia tăng chiều chất lượng của đổi mới, tăng cường các điều kiện cho đổi mới thành công, cố gắng ổn định chính sách cho tới hết chu kỳ đổi mới, sau năm 2025 khi có những sản phẩm đầu ra thực sự của chương trình mới rồi tính tới những điều chỉnh chính sách lớn nếu có", ông Sơn nói.

Người đứng đầu ngành Giáo dục kiến nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, ngoài Nghị quyết giám sát chuyên đề này, nên có nghị quyết riêng để thúc đẩy đổi mới giáo dục, cần có nhất lúc này là một Nghị quyết giao cho Bộ GD-ĐT chuẩn bị và trình Chính phủ, trình Quốc hội các phương án tăng cường các điều kiện đảm bảo cho đổi mới giáo dục, đặc biệt và quan trọng nhất làm sao cho đủ giáo viên, làm sao thu nhập đủ để giáo viên thực sự sống bằng nghề, thấy được động viên và tiếp tục phấn đấu đổi mới và tự đổi mới, hết lòng vì học trò, gánh vác tốt và yên tâm với công việc nặng nhọc nhiều áp lực.

Trước đó, tại báo cáo giám sát chuyên đề về “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”, Đoàn giám sát kiến nghị Chính phủ: “Nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị nội dung một bộ sách giáo khoa của Nhà nước, đồng thời khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn sách giáo khoa. Việc in, phát hành, cung ứng sách giáo khoa thực hiện theo cơ chế xã hội hóa. Nghiên cứu, xem xét cơ chế, chính sách miễn tiền bản quyền đối với việc xuất bản bộ sách giáo khoa do Nhà nước là chủ sở hữu quyền tác giả.”