Ở Việt Nam, với truyền thống nhân ái, ngay từ thời phong kiến người khuyết tật đã nhận được sự chăm sóc cưu mang của cộng đồng. Và trong thời kỳ chiến tranh, cuối những năm 1960, lãnh đạo Đảng, nhà nước đã quyết định cử một số thầy cô giáo sang Liên Xô đào tạo về giáo dục đặc biệt. Năm 1974 trở về nước, nhóm chuyên gia này đã trở thành những cánh chim đầu đàn của giáo dục đặc biệt Việt Nam nhằm thực hiện 2 mục tiêu lớn là nghiên cứu và đào tạo phát triển nguồn nhân lực cho giáo dục đặc biệt.

Những mô hình giáo dục chuyên biệt rồi giáo dục hòa nhập đã mở ra cho trẻ khuyết tật cơ hội học tập. Một số trường ĐH sư phạm đã có khoa Giáo dục đặc biệt đào tạo đội ngũ giáo viên dạy trẻ khuyết tật. Việc học của trẻ khuyết tật ở các mô hình đã trở nên chuyên nghiệp và hiệu quả. Nhờ đó nhiều người khuyết tật đã vượt lên số phận, chiếm lĩnh tri thức làm chủ cuộc sống. Xã hội càng phát triển, khoa học công nghệ đổi mới không ngừng, cơ hội, điều kiện học tập của người khuyết tật càng được cải thiện. Với những chính sách ngày càng thiết thực hơn, người khuyết tật Việt Nam đã và đang thực sự làm chủ cuộc đời mình và có những đóng góp bình đẳng cho xã hội. PV VOV2 đã có cuộc phỏng vấn PGS.TS Nguyễn Đức Minh – Phó Viện trưởng Viện KHGD Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Giáo dục đặc biệt Quốc gia nhân kỷ niệm 45 năm thành lập Trung tâm Giáo dục đặc biệt Quốc gia.

PV: Thưa TS Nguyễn Đức Minh, ông nhìn nhận như thế nào về con đường 45 năm qua của giáo dục đặc biệt?

TS Nguyễn Đức Minh: 45 năm phát triển giáo dục đặc biệt ở Việt Nam, một chặng đường không dài. Tuy nhiên, từ lúc chúng ta mới có một số cơ sở giáo dục chuyên biệt mà Pháp xây dựng từ ngày xưa đến bây giờ chúng ta đã có một hệ thống các cơ sở giáo dục cho người khuyết tật rộng khắp trên toàn quốc. Nhất là chúng ta đã mở rộng từ giáo dục chuyên biệt, các trường dành riêng cho người khuyết tật cho đến khi triển khai mô hình mới đó là giáo dục hoà nhập cho người khuyết tật. Người khuyết tật học cùng tất cả mọi người ở trong cơ sở giáo dục quốc dân. Từ giai đoạn chúng ta chỉ nghĩ đến xoá mù chữ cho người khuyết tật cho đến bây giờ đã xây dựng hệ thống rộng khắp và theo chiều sâu. Người khuyết tật hiện tại có rất nhiều người đã học lên bậc ĐH và sau ĐH. Nên cũng có thể nói, đó là một chặng đường rất dài.

PV: Trong thời gian tới, theo ông cần phải có những sự thay đổi như thế nào về mặt chính sách để càng ngày có nhiều người khuyết tật tiếp cận với giáo dục và học ở những bậc học cao hơn?

TS Nguyễn Đức Minh: Ngày trước khi đi học người ta phải đến cơ sở giáo dục mới học được. Tuy nhiên đến ngày nay ta ngồi bất cứ đầu cũng tham gia được những chương trình, tiếp cận được những vấn đề khoa học của khắp nơi trên thế giới chứ không phải chỉ ở Việt Nam. Trong giáo dục nhất là giáo dục cho người khuyết tật, chúng ta cần phải giúp người khuyết tật có cơ hội tiếp cận với khoa học công nghệ, để họ có thể tham gia học tập ở bất cứ địa điểm nào, thời gian nào khi họ có thể.

Điều thứ hai mà chúng ta thấy là người khuyết tật gặp những khó khăn nhất định. Ví dụ như người khiếm thị thì không thể học chữ phổ thông được nên bắt buộc phải học chữ nổi. Hoặc là người khiếm thính thì không thể nghe để tiếp nhận thông tin được nên phải dùng ký hiệu. Tuy nhiên nếu như chúng ta biết sử dụng KHCN như ngày nay thì chúng ta có thể chuyển rất nhanh từ kênh chữ viết sang kênh nói để người khiếm thị có thể nghe được, chuyển từ kênh nói sang kênh ngôn ngữ ký hiệu để người khiếm thính có thể hiểu được. Và ngược lại, chúng ta sẽ thấy rằng người khuyết tật dễ dàng tham gia học tập hơn và việc trao đổi thông tin giữa người khuyết tật và mọi người trong cộng đồng sẽ dễ dàng hơn. Đây cũng là cơ hội giúp họ nhanh chóng hơn trong hoà nhập cộng đồng và sống tự lập để cống hiến, bảo đảm đời sống của mình. Tối thiểu nhất trong giai đoạn ngày nay chúng ta cố gắng tập trung nguồn lực để có thể hỗ trợ họ tiếp cận với giao dục, với KHCN. Tôi nghĩ rằng, khi người khuyết tật có thể tận dụng được những cơ hội phát triển khoa học công nghệ để họ học phấn đấu tự vươn lên và tự khẳng định mình thì đấy là những tấm gương rất tốt để thúc đẩy cho cả một cộng đồng xã hội, phấn đấu để học tập và môi trường XH như vậy sẽ tạo điều kiện cho mọi cá nhân và cũng là môi trường rất nhân văn cho tất cả mọi người.

PV: Thưa ông, nói đến giáo dục thì chúng ta không thể không nói đến đội ngũ nhà giáo. Vậy ông nhìn nhận như thế nào về sự phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng của đội ngũ nhà giáo trong lĩnh vực dạy trẻ khuyết tật?

TS Nguyễn Đức Minh: Trong giáo dục đặc biệt những năm vừa rồi thì bộ Giáo dục và Đào tạo đã có rất nhiều chính sách để nâng cao đội ngũ giáo viên. Tuy nhiên, đội ngũ này còn thiếu hụt rất nhiều. Những người được đào tạo một cách chính quy và ở những cơ sở giáo dục có truyền thống về hỗ trợ giáo dục cho người khuyết tật thì vẫn rất ít. Điều thứ hai là, chúng ta đang triển khai hoà nhập, tuy nhiên trong chương trình đào tạo giáo viên ra giảng dạy ở các trường phổ thông thì mảng về giáo dục đặc biệt, giáo dục hoà nhập chúng ta chưa chú trọng một cách rõ ràng. Hơn nữa, học sinh khuyết tật không chỉ có một dạng để học những trường hoà nhập mà học sinh khuyết tật với các dạng khác nhau thay đổi liên tục nên đôi khi giáo viên không thể chạy theo những nhu cầu bắt buộc như vậy. Tôi nghĩ rằng chúng ta cần có chính sách rõ ràng hơn, chiến lược và đầu tư cụ thể, bài bản và luôn luôn chuẩn bị sẵn nguồn lực và phân phối nguồn lực một cách hợp lý cho giáo dục đặc biệt.

PV: Xin cảm ơn ông !