Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội vừa có buổi làm việc với Trường ĐH Giao thông vận tải về đào tạo nguồn nhân lực đường sắt và thẩm tra dự án Luật đường sắt (sửa đổi). (Ngày 11/2/2025)

Báo cáo về tình hình hoạt động của trường, PGS.TS Nguyễn Văn Hùng - Hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải cho biết: Trường ĐH Giao thông Vận tải là cơ sở duy nhất đào tạo nhân lực và NCKH cho ngành đường sắt ở bậc ĐH, thạc sỹ và TS. Riêng lĩnh vực đường sắt có đội ngũ giảng viên chuyên gia gồm 79 thầy cô 60 là GS, PGS, TS tham gia giảng dạy các chuyên môn thuộc lĩnh vực đường sắt: kết cấu hạ tầng đường sắt, phương tiện đường sắt, điện khí hóa đường sắt, thông tin tín hiệu đường sắt, kinh tế đường sắt và khai thác vận tải đường sắt.

Trong 60 năm qua trường đã đào tạo hàng chục ngàn kỹ sư hàng ngàn thạc sỹ tiến sỹ tạo lên bộ khung về nguồn nhân lực chủ chốt cho các lĩnh vực của ngành đường sắt Việt Nam. Các dự án lớn đường sắt trong chiến tranh khôi phục tuyến đường sắt nối 2 miền Nam Bắc khi hòa bình lập lại đều có dấu ấn đậm nét của trường ĐH Giao thông Vận tải. Trường cũng chủ trì nhiều đề tài nghiên cứu chuyển giao công nghệ góp phần hiện đại hóa hạ tầng phương tiện đường sắt nhiều sản phẩm do các nhà khoa học của trường nghiên cứu đã ứng dụng thành công và được ứng dụng trên mọi cung đường hệ thống đường sắt của đất nước...

Trong giai đoạn dài khi nhân lực trong lĩnh vực đường sắt suy giảm, trường vẫn kiên trì phát triển đội ngũ giảng viên, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học cho ngành đường sắt. Nhà trường xác định việc duy trì đào tạo nhân lực cho hệ thống đường sắt quốc gia không chỉ là nhiệm vụ chuyên môn mà còn là trách nhiệm chính trị, trách nhiệm xã hội của mọi cơ sở đầu ngành trong lĩnh vực Giao thông Vận tải của đất nước.

Dù nhu cầu nhân lực phục vụ ngành đường sắt hiện đại là rất lớn nhưng sức hút của ngành với xã hội còn hạn chế. Phần lớn sinh viên theo học ngành này lựa chọn hình thức học văn bằng 2, tại chức hoặc ngắn hạn. Quy mô thí sinh chọn vào các chương trình đào tạo đường sắt chính quy chưa cao. Đầu tư của nhà nước cho đào tạo và phát triển khoa học công nghệ cho đường sắt còn thấp chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của ngành.

Qua kinh nghiệm 65 năm đào tạo lĩnh vực đường sắt đồng thời tham khảo kinh nghiệm từ các quốc gia có sự phát triển lĩnh vực đường sắt có công nghiệp đường sắt phát triển hiện đại, trước những yêu cầu mới làm chủ công nghệ lõi trong lĩnh vực đường sắt rất lớn, nhà trường có kiến nghị:

Xây dựng hệ thống đào tạo đường sắt ở Việt Nam thống nhất do nhà nước quản lý cần giao nhiệm vụ cho một đơn vị dẫn dắt xây dựng chương trình khung đào tạo và hệ thống liên thông tất cả các cấp đào tạo từ nghiệp vụ cao đẳng đến kỹ sư cử nhân, thạc sỹ và tiến sỹ... Trong hệ thống này trường ĐH, GTVT sẵn sàng hỗ trợ chia sẻ các chương trình đào tạo đã hoàn thiện với các cơ sở đào tạo khác có nhu cầu.

Bên cạnh đó, đầu tư trọng điểm xây dựng đội ngũ giảng viên, tăng thu nhập cho giảng viên, nhà khoa học trong nước tham gia học tập tại các quốc gia có ngành đường sắt phát triển và ngược lại các chuyên gia nhà khoa học nước ngoài nơi có ngành đường sắt phát triển đến làm việc giảng dạy tại Việt Nam. Thu hút sinh viên theo học ngành đường sắt cần có chính sách miễn học phí và đảm bảo đầu ra cho sinh viên.

Hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông Vận tải đề xuất cần cụ thể hóa Nghị quyết 57 cho phát triển ngành đường sắt thông qua cơ chế hợp tác, nhà nước đầu tư cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu thông qua các phòng nghiên cứu trọng điểm quốc gia với cơ chế cho phép nhập khẩu trực tiếp các thiết bị tiên tiến ở các nước phát triển. Nhà trường, các viện nghiên cứu tập trung nguồn lực con người tham gia tổ chức nghiên cứu làm chủ công nghệ lõi. Hợp tác với doanh nghiệp, ưu tiên ứng dụng sản phẩm công nghệ trong nội địa sản xuất để hoàn thiện và lan tỏa các công nghệ lõi đường sắt đến xã hội.

Trong tương quan sự hợp tác này, trường Đại học GTVT sẵn sàng đầu tư chia sẻ nguồn lực trí tuệ kinh nghiệm cơ sở vật chất của mình làm tốt nhiệm vụ Đảng nhà nước giao đồng thời chấp nhận rủi ro do cơ chế khoán, cần có hình thức phát triển các doanh nghiệp đường sắt thông qua cơ chế ưu đãi về thuế và tài chính dù nhu cầu nguồn nhân lực và làm chủ công nghệ lõi trong lĩnh vực đường sắt hiện đại rất lớn, nhưng so với các ngành kỹ thuật, kinh tế khác, sức hút của ngành này với xã hội còn hạn chế.

Ông Trần Thiện Cảnh, Cục trưởng Cục đường sắt Việt Nam cho biết: nhu cầu nguồn nhân lực cho lĩnh vực đường sắt tới đây là rất lớn. Thời gian tới dự kiến Bộ Giao thông vận tải sẽ tổ chức những khóa học bồi dưỡng ngắn hạn từ 2 đến 6 tháng, nhu cầu cần đào tạo 500 người.

Nhu cầu đào tạo cho lĩnh vực này cần 700 lượt đào tạo trong đó 20% đào tạo ở nước ngoài và 80% đào tạo trong nước. Nhiệm vụ cấp bách tập trung đào tạo trước năm 2028 để có nguồn lực phục vụ dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam, Hà Nội, Hải Phòng, Lào Cai, và giai đoạn 2029 -2025 tiếp tục đáp ứng sự phát triển đường sắt tương lai.

Cũng theo ông Cảnh, hiện nay Tổng công ty Đường sắt VN nhu cầu đào tạo quản lý vận hành cần 13.880 lượt đào tạo từ cơ bản đến chuyên sâu. Nhu cầu dự kiến 24-25 nghìn nhân sự có trình độ ĐH phục vụ lĩnh vực đường sắt. Dự kiến, ngân sách chi 80 triệu USD cho công tác đào tạo giảng dạy, nghiên cứu KH, đào tạo 100 thạc sỹ, TS trong đó có 10 TS được đào tạo ở nước ngoài, cung cấp 4000 suất học bổng đào tạo nhân lực đường sắt tốc độ cao.

Cơ hội việc làm cho sinh viên theo học ngành vận tải đường sắt

Việc chính phủ phê duyệt chủ trương Xây dựng đường sắt tốc độ cao đã nhận được sự ủng hộ, sự kỳ vọng cao của xã hội. Tuy nhiên ngoài việc tập trung nguồn lực để có kinh phí triển khai xây dựng hệ thống đường sắt tốc độc cao, vấn đề nguồn nhân lực vận hành hệ thống đường sắt hiện đại cũng là mối quan tâm của xã hội, bởi chả lẽ khi xây dựng cũng như quá trình quản lý vận hành hệ thống này, chúng ta phải đi thuê nhân công người nước ngoài?

Trao đổi tại buổi làm việc, PGS.TS Ngô Văn Minh – Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ (Trường ĐH Giao thông Vận tải) kiến nghị, miễn thuế thu nhập cá nhân khi các tổ chức/cá nhân thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ liên quan đến lĩnh vực đường sắt; đồng thời có chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng, có chuyên môn về công nghệ cao ứng dụng trong lĩnh vực đường sắt.

“Với học sinh, sinh viên khi học các chương trình đại học chuyên ngành liên quan đến đường sắt tốc độ cao và đường sắt đô thị được miễn 100% tiền học phí nếu đạt học lực giỏi, được giảm 50% học phí nếu đạt học lực khá” - PGS.TS Ngô Văn Minh đề xuất.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Sơn - Ủy viên thường trực UB KHCN và môi trường Quốc Hội cho rằng, trước nhu cầu lớn về nguồn nhân lực cho lĩnh vực đường sắt tốc độ cao cần có đề án riêng về đào tạo nhân lực cho lĩnh vực đặc thù này, cần có cơ chế đặt hàng đào tạo... Nếu không chúng ta không thể đáp ứng được nguồn lực và sẽ phải thuê nhân lực xây dựng, quản lý, vận hành hệ thống đường sắt tiên tiến, đường sắt tốc độ cao.

Ghi nhận những ý kiến của lãnh đạo nhà trường, của các giáo sư, đại diện Cục đường sắt Việt nam và đại diện Bộ Giao thông vận tải, ông Tạ Đình Thi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết: Luật Đường sắt (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội cho ý kiến vào tháng 5/2025 và dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025) của Quốc hội. Để đạt mục tiêu kỳ vọng lớn trong giai đoạn tới, Quốc hội đã thông qua chủ trương đầu tư, một số chính sách đặc thù đối với dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam; đường sắt đô thị tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội trong đó có những chính sách thiết thực nhằm đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ lĩnh vực đặc thù này.