Đến dự tọa đàm có đại diện đội ngũ giảng viên, lãnh đạo khoa Văn hóa-Du lịch, trường Đại học Thủ đô Hà Nội; Chủ nhiệm cùng các thành viên Câu lạc bộ Thức-Thiện-Tâm, Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người, đại diện Viện nghiên cứu và phát triển công nghệ chăm sóc sức khỏe cộng đồng, các doanh nghiệp trong lĩnh vực giáo dục đào tạo và y tế cùng các thầy cô giáo đang trực tiếp giảng dạy ở phổ thông.

Mở đầu buổi tọa đàm, nhà báo Hoàng Anh Sướng, người giữ vị trí dẫn dắt cuộc trao đổi đặt ra những vấn đề mang tính thời sự, đồng thời giống như chủ đề cho buổi tọa đàm. Lâu nay, chữ “Đạo” thường gắn với một tôn giáo, gắn với đời sống tâm linh. Tuy nhiên nhìn rộng ra, văn hóa chính là khái niệm được sử dụng thay thế cho Đạo trong đời sống hôm nay. Hay từ câu chuyện “chuyến bay giải cứu” với 45 án tù cho những người từng giữ vị trí quan trọng trong các cơ quan quan trọng nên cắt nghĩa ra sao? Tại sao ngày càng thêm chùa to đình lớn, người người nhà nhà đi cầu cúng nhưng xã hội vẫn thường xuyên chứng kiến những việc làm bất lương?

Bà Nguyễn Thanh Hương, đại diện Câu lạc bộ Thức Thiện Tâm chia sẻ mục tiêu tổ chức kết nối các cá nhân, đơn vị công tác trong lĩnh vực giáo dục nhằm cùng nhau nhận diện rõ những giá trị truyền thống cũng như chỉ rõ những sai lệch trong nhận thức dẫn tới thực hành chưa đúng trong việc thực hành tôn giáo tín ngưỡng.

Về phía khoa Văn hóa-Du lịch, trường Đại học Thủ đô Hà Nội, TS Nguyễn Thị Thanh Hòa, Giảng viên chuyên ngành Việt Nam học, Văn hóa học chia sẻ những thực tế sinh động của việc thực hành văn hóa tín ngưỡng tâm linh trong quá trình khảo cứu cũng như dẫn sinh viên đi thực tế tại các địa phương. Có thể ví dụ như khi học bộ môn “Cơ sở văn hóa Việt Nam”, sinh viên được trang bị những kiến thức cơ bản về văn hóa như ăn, mặc, ở đến những giá trị văn hóa tinh thần tang, ma, cưới hỏi và đặc biệt về tín ngưỡng dân gian như thờ cúng tổ tiên, tín ngưỡng thờ thành hoàng làng, tín ngưỡng thờ Mẫu... Tuy nhiên, trong thực tế, việc thực hành tín ngưỡng dân gian lại cực kì phong phú, đa sắc và đôi khi cần những lí giải của các nhà chuyên môn nhằm giúp các em phân định rõ những thành tố nào giữ vai trò cốt lõi, thành tố nào đã biến đổi theo nhu cầu của đời sống

“Khi dẫn sinh viên tới Phủ nhằm tìm hiểu cách bài trí từ hậu cung, trung đường, tiền đường tuân thủ theo nguyên tắc nào hay lễ vật dâng cúng ra sao, lời khấn thế nào? Điều này thực ra có thể tìm hiểu thông qua các tư liệu, các thông tin trên mạng xã hội. Tuy nhiên, thực tế lại có những điểm vô cùng đặc sắc, đa dạng như những lần đoàn giảng viên, sinh viên về một số làng ở huyện Kim Sơn khảo sát một số ngôi đền thì có nơi trong hậu cung, dân làng lại đặt tượng Phật, dưới tượng Phật lại thờ quan Công rồi đến đức thánh Trần. Các cụ cao niên của làng lý giải từ thời chiến tranh, các di tích trong làng gom tượng thờ lại để giữ gìn. Khi làng xây dựng lại thì cộng đồng cư dân vẫn muốn giữ lại để thờ bởi lòng tôn kính”, TS. Nguyễn Thị Thanh Hòa nêu dẫn chứng.

Tìm hiểu thực tế theo bà Hòa có vai trò quan trọng bởi khoa Văn hóa- Du lịch sẽ đào tạo ra những cán bộ ngành văn hóa, những hướng dẫn viên du lịch trong tương lai không xa. Chính các bạn sẽ tiếp nối, chuyển tải những giá trị văn hóa dân tộc, trong đó có văn hóa tín ngưỡng tới cộng đồng.

Nhà nghiên cứu văn hóa tâm linh Phan Oanh bằng các ví dụ, dẫn chứng đã giúp cho các thành viên tham gia buổi tọa đàm đem đến góc nhìn đa chiều quanh câu chuyện niềm tin tín ngưỡng tâm linh đến những thực hành mang nặng tính mê tín của ngày hôm nay. Căn cốt của hiện tượng này xuất phát từ việc cộng đồng thiếu đi hiểu biết hoặc hiểu sai mục đích của việc đến những nơi thờ tự như đình, chùa, miếu, phủ... Về cơ bản, nhiều người vẫn đến dâng lễ chỉ để cầu xin. Trong khi thực tế, việc tìm đến những không gian này thực ra lại là quá trình để học tập, sám hối và rèn lại mình. Từ việc hiểu sai dẫn tới thực hành sai đã tạo nên những chùa lớn, đình to, lễ vật khủng nhưng người đi lễ chưa gột bỏ được “tham, sân, si”, những yếu tố dẫn tới khổ đau như cách lý giải của Phật giáo. Và dù thuộc cộng đồng đa tôn giáo, có sự đan xen, pha trộn và học tập lẫn nhau giữa các niềm tin tín ngưỡng thì xuất phát điểm đến mục tiêu cơ bản vẫn hướng về sự thức tỉnh trong mỗi cá nhân.

Từ góc độ bản thân, nhà báo Hoàng Anh Sướng góp thêm một lời lý giải cho hiện tượng hỗn loạn trong thực hành thờ cúng tại các điểm văn hóa tâm linh. Đó chính là bởi sự đứt gãy trong quá trình trao truyền nhận thức cũng như thực hành các nghi lễ. Bản thân nhà báo Hoàng Anh Sướng, từ nhỏ đã được theo cha mẹ lên chùa, được thấy, được hiểu sâu sắc cách thức thực hành nghi lễ để rồi nối tiếp một cách tự nhiên.

Bà Lê Thị Thu Hương, Trưởng khoa Văn hoá - Du lịch, trường Đại học Thủ đô Hà Nội trong phần chia sẻ của mình muốn có thêm nhiều những buổi tọa đàm dành cho đội ngũ giáo viên, giảng viên và những người làm giáo dục.

“Tôi và có lẽ nhiều người trong khán phòng hôm nay chắc chắn sẽ cực kì tâm đắc với việc mỗi người cần tự tu thân mà nhà văn hóa tâm linh Phan Oanh chia sẻ. Bản thân chúng tôi ở vai trò người thầy càng phải tự trau dồi chuyên môn, rèn rũa ứng xử bởi chỉ có những người thầy tốt mới có nhiều học trò tốt”, bà Thu Hương khẳng định.

Cô giáo Trần Thị Mỹ An, Phó hiệu trưởng trường THCS Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội cũng chia sẻ về những áp lực giáo viên và học sinh hiện đang phải đối diện. Bản thân mỗi thầy cô cũng cần được lắng nghe, thấu hiểu để có những ứng xử đúng trong môi trường sư phạm, với đối tượng học sinh đang có nhiều biến đổi trong tâm sinh lí. Những buổi tọa đàm như hôm nay giúp cô và nhiều đồng nghiệp có thời gian lắng lại, thấu hiểu và điều chỉnh bản thân. Cô An mong muốn các nhà trường sẽ có được cơ hội tham gia những buổi tọa đàm như hôm nay.

Suốt một buổi sáng, tọa đàm còn nhận được ý kiến từ nhiều cá nhân, đại diện các nhà trường trong việc làm sao để chữ Đạo từ nhiều góc độ, trong nhiều bối cảnh từ đạo đức, đạo hiếu... đến các loại hình tôn giáo như đạo Phật, đạo Thiên chúa, đạo Mẫu...được hiểu và thực hành đúng.

Một số hình ảnh tại buổi tọa đàm: