Trong kho tàng dân gian có rất nhiều câu đố dựa theo lối nói lái, chẳng hạn như “Bằng cha, bằng chả, bằng chà, con nít nghe nói sợ đà thất kinh”, rồi câu “Khoang đầu, khoang cổ, khoang lai/ Bò là bò liệt đố ai biết gì?”, hay câu “Cái gì hình dáng vuông vuông, nắm cho nó chặt kẻo buông nó phình./Cây chi hình dáng xinh xinh, hễ cà thì nhột cùng mình người ta”... TS Đỗ Anh Vũ giải thích về những câu đố này.

TS Đỗ Anh Vũ giải thích trong câu “bằng cha, bằng chả bằng chà” thì hai cụm từ “bằng cha, bằng chả” chỉ có nhiệm vụ lấy đà để dẫn vào cụm từ quan trọng nhất là “bằng chà”. Và ở đây “bằng chà” nói lái sẽ thành “bà chằng”. Một nhân vật thường được người xưa đem ra để dọa trẻ con, giống như ông ba bị. Do vậy vế sau mới có câu là “con nít nghe nói sợ đà thất kinh” là vậy. Theo TS Đỗ Anh Vũ lối nói lái ở đây là theo nguyên tắc đảo phần vần của 2 âm tiết, “bằng chà” nói lái thành “bà chằng”.

Câu “Cái gì hình dáng vuông vuông, nắm cho nó chặt kẻo buông nó phình?”/ “Cây chi hình dáng xinh xinh hễ cà thì nhột cùng mình người ta” cũng là một câu đố theo lối nói lái rất khó luận.

Theo TS Đỗ Anh Vũ, “Cái gì hình dáng vuông vuông, nắm cho nó chặt kẻo buông nó phình” là cách chơi chữ khá là thú vị, hai từ ẩn ý nói lái không gần nhau, mà cách nhau một âm tiết. Và hai từ quan trọng ở đây chính là buông, phình nói lái là bình phuông.

Theo TS Đỗ Anh Vũ thông thường các đơn vị nói lái gồm hai từ gần nhau để người ta dễ nhận biết, nhưng ở đây hai từ bị cách nhau tạo ra một độ khó, khi người giải đố phát hiện ra thì sẽ càng thấy thú vị.

Từ "phuông" rất gần âm với chữ phong, và là cách đọc chệch của phong. Cho nên ở đây buông phình là nói lái của bình phong. Bình phong là một bức vách che ngăn trong nhà, để tạo ra sự kín đáo, riêng biệt, hoặc là có thể là mang tính chất trang trí. Trong các ngôi nhà xưa của người Việt hay thường có bức bình phong.

Còn về vế đố thứ hai “Cây chi hình dáng xinh xinh, hễ cà thì nhột cùng mình người ta”, hai từ khóa quan trọng để tạo ra cách nói lái là cà, nhột. Và chúng cũng không ở liền nhau, mà bị ngăn cách bởi chữ thì để tạo ra một độ khó nhất định.

Cà, nhột nói lái chính là cột nhà – cây cột nhà. TS Đỗ Anh Vũ phân tích thêm là khi thấy cà, nhột nhiều người sẽ nghĩ là bị cù nên nhột, nhưng khi tĩnh tâm lại sẽ thấy đây chính là câu nói lái về cây cột nhà. Và ở đây câu “Cây chi hình dáng xinh xinh”, chỉ là để đưa đẩy, bởi vì dân gian thường hay nói đủ một cặp lục bát để cho có vần, có điệu nhịp nhàng, và để hướng đến từ khóa quan trọng nằm ở vị trí sau, chính là từ cà, nhột nói lái thành cột nhà.

Thính giả Nguyễn Văn Minh ở Hà Nội thấy thắc mắc về câu đố “Khoang đầu, khoang cổ, khoang lai./ Bò la bò liệt đố ai biết gì?, anh Minh thấy câu này có vẻ như nói về một con vật gì đó, tuy nhiên cụm từ “bò la bò liệt” thì lại rất khó hiểu.

TS Đỗ Anh Vũ cho biết trong câu trên thì cụm từ “khoang đầu, khoảng cổ” chỉ là những từ để dẫn dắt. Và đây là câu đố về một loại cây rất quen thuộc với nhà nông. TS phân tích, khi đọc câu này lên: “khoang đầu, khoang cổ, khoang lai, bò la bò liệt đố ai biết gì?” ai cũng liên tưởng đến một con vật nào đó vì có đầu, có cổ... nhưng khi đọc đến chữ khoang lai, thì sẽ phát hiện ra nghệ thuật ẩn ý chơi chữ nằm ở đây, tức là khoang lai có thể nói lái là khoai lang. Và điều này phù hợp với câu ở phía sau “bò la, bò liệt..”, và ở đây chính là tả về cái dây khoai lang bò trên mặt đất!