Sáng 4/11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Trần Quốc Tuấn, Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh kiến nghị cần có biện pháp giải quyết xử lý dứt điểm những vụ việc tiêu cực xảy ra trong nhiều năm qua tại trường học gây bức xúc trong dư luận như tình trạng bạo lực học đường, xâm hại trẻ em, lạm thu đầu năm học ảnh hưởng lớn đến tâm lý, sự lo lắng của phụ huynh.

Ông Tuấn đặc biệt lo ngại trước tình trạng học sinh sử dụng thuốc lá điện tử. Theo số liệu điều tra từ cơ quan chức năng, từ đầu năm 2024 có 14% học sinh từng sử dụng thử thuốc lá điện tử; 1,8% học sinh sử dụng thuốc lá nung nóng, trong số đó có trên 50% sử dụng thường xuyên.

Bên cạnh đó, báo cáo của Bộ Y tế cho thấy, năm 2023 Việt Nam ghi nhận hơn 1.200 người nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, trong đó có nhiều trẻ vị thành niên.

Tình hình sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh từ 13-17 tuổi đã tăng hơn 3 lần, từ 2,6 % năm 2019 lên 8,1 % năm 2023.

"Số liệu này đã phản ánh sự nguy hại về sức khỏe học đường, làm suy kiệt sức khỏe và băng hoại sức trẻ. Điều đáng báo động là trong số những người bị suy kiệt ấy có khá nhiều học sinh - những mầm non tương lai của đất nước", đại biểu Trần Quốc Tuấn lo ngại.

Từ thực tế này, đại biểu Trần Quốc Tuấn kiến nghị Chính phủ cần có biện pháp quyết liệt hơn trong kiểm tra, giám sát, có chế tài xử phạt nặng những trường hợp vi phạm kinh doanh thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng, đặc biệt là mua bán thuốc lá điện tử trên nền tảng mạng xã hội.

Kiến nghị giảm chỉ tiêu phân luồng sau THCS

Bàn về tình hình lao động, việc làm 9 tháng đầu năm 2024, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Mạnh đánh giá, tình hình lao động, việc làm đã có nhiều chuyển biến tích cực khi số lao động có việc làm là 51,4 triệu người tăng 212 nghìn người.

Thu nhập bình quân của người lao động tăng 519 nghìn đồng. Tỷ lệ lao động Việt Nam có bằng cấp, chứng chỉ đạt 28,1% tăng 1,3 % so với cùng kỳ năm trước.

Tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm xã hội tăng 3,46%, tham gia bảo hiểm thất nghiệp tăng 2,66%. Đặc biệt lần đầu tiên trong vài năm gần đây, tốc độ tăng năng suất lao động đạt 5,56% vượt chỉ tiêu đề ra.

Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Văn Mạnh, tình hình lao động, việc làm năm 2024 còn nhiều bất cập, hạn chế, chất lượng lao động chưa cao. Trong tổng số 69% lao động qua đào tạo thì chỉ có trên 28% được đào tạo có văn bằng, chứng chỉ, còn trên 70% lao động chưa qua đào tạo từ sơ cấp trở lên và chưa có văn bằng chứng chỉ.

Ngoài ra, tỷ lệ lao động thất nghiệp còn cao. Tính chung 9 tháng đầu năm 2024 cả nước có khoảng trên 1 triệu người thất nghiệp trong độ tuổi lao động. Tỉ lệ thất nghiệp của thanh niên từ 15-24 tuổi là 7,92 % (tăng 0,29%). Cả nước có khoảng 1,4 triệu thanh niên không có việc làm, không tham gia học tập, đào tạo. So với tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động thì tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên luôn cao gấp 3 lần.

Liên quan đến công tác định hướng nghề nghiệp, phân luồng học sinh theo quyết định 522 của Thủ tướng Chính phủ, đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đánh giá chưa đạt mục tiêu đề ra là có ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THCS và 45% học sinh tốt nghiệp THPT đi học nghề.

"Thực tiễn cho thấy việc phân luồng 40% học sinh THCS đi học nghề và 60% tiếp tục học THPT công lập tạo ra áp lực rất lớn cho các kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 hàng năm", đại biểu Nguyễn Văn Mạnh nói.

Cũng theo phân tích của đại biểu Nguyễn Văn Mạnh, mỗi năm có khoảng trên 15% học sinh tốt nghiệp THCS bỏ học, trực tiếp đi lao động và không có việc làm ổn định. Chất lượng đào tạo nghề đối với học sinh tốt nghiệp THCS còn thấp và tỷ lệ có việc làm không cao.

Chỉ tiêu phân luồng 45% học sinh tốt nghiệp THPT đi học nghề cũng không đạt mục tiêu đề ra vì phần lớn học đều mong muốn theo học trường đại học nhất định và ít đi học nghề.

Để giải quyết thực trạng này, bên cạnh tăng cường thông tin tuyên truyền về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, hỗ trợ đào tạo việc làm cho thanh niên; đẩy mạnh đào tạo nghề đáp ứng với nhu cầu của xã hội gắn đào tạo nghề với nhu cầu việc làm của doanh nghiệp, đại biểu Nguyễn Văn Mạnh kiến nghị Chính phủ tổ chức sơ kết đánh giá việc thực hiện Quyết định 522 và có giải pháp phân luồng triệt để 45% học sinh tốt nghiệp THPT đi đào tạo nghề.

"Bởi sau khi tốt nghiệp THPT các em có sự toàn diện về thể chất, chương trình giáo dục phổ thông, hoàn thiện về tư duy nhận thức khi đó việc tham gia đào tạo nghề sẽ góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, cải thiện chất lượng và năng suất lao động", đại biểu Nguyễn Văn Mạnh phân tích.

Đồng thời, đại biểu Nguyễn Văn Mạnh cũng kiến nghị giảm tỷ lệ phân luồng sau THCS đi học nghề thay vì mục tiêu 40% như hiện nay. Điều này nhằm tạo điều kiện cho các em được bình đẳng về quyền được giáo dục, học tập trong nhà trường để phát triển toàn diện tư duy thể chất để tránh gây áp lực cho xã hội, giảm tệ nạn xã hội do các em gây ra do không được giáo dục đầy đủ trong môi trường sư phạm.

Cũng liên quan đến công tác đào tạo nghề, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi - Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi, sau sáp nhập các trung tâm dạy nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp công lập cấp huyện tồn tại những bất cập, hạn chế liên quan đến vị trí pháp lý, cơ chế quản lý...

Cụ thể, hiện nay việc xác định vị trí pháp lý và quản lý nhà nước đối với các trung tâm này chưa rõ ràng do sự tồn tại song song của hai thông tư cùng quy định về tổ chức và hoạt động. Đó là Thông tư liên tịch số 39 và Thông tư số 01 năm 2023 của Bộ GD-ĐT. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến các khó khăn, vướng mắc…

Đại biểu cho biết, theo quy định của Thông tư liên tịch số 39, các trung tâm này là đơn vị sự nghiệp công lập cấp huyện, không thuộc hệ thống giáo dục quốc dân nên chỉ bó hẹp trong khuôn khổ biên chế đơn vị sự nghiệp tỉnh giao cho Ủy ban nhân dân cấp huyện. Đồng thời do thông thuộc hệ thống giáo dục nên không được thụ hưởng các chính sách đầu tư của ngành giáo dục…

Còn Thông tư số 01 năm 2023 của Bộ GD-ĐT lại xác định vị trí pháp lý của các trung tâm này thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Quy định này cơ bản giải quyết được khó khăn, vướng mắc về vị trí pháp lý và tổ chức hoạt động của các trung tâm.

“Tuy nhiên, hiện nay các địa phương chưa triển khai thực hiện được Thông tư này. Việc Thông tư liên tịch số 39 chưa được bãi bỏ hoặc công bố hết hiệu lực đã dẫn đến các khó khăn chưa được tháo gỡ”, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi cho biết.

Trong thời gian tới, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi đề nghị Bộ LĐ-TB&XH, Bộ GD-ĐT, Bộ Nội vụ phối hợp rà soát, bãi bỏ và công bố hết hiệu lực Thông tư liên tịch số 39. Bên cạnh đó, đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi, bổ sung Thông tư số 01 quy định cụ thể về vị trí pháp lý đối với các trung tâm này theo hướng xác định trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục thường xuyên là cơ sở giáo dục thường xuyên thuộc hệ thống giáo dục quốc dân trực thuộc Sở GD-ĐT, để tháo gỡ những khó khăn về biên chế, chế độ chính sách cho các trung tâm và phù hợp với quy định của Luật giáo dục.

Nghiên cứu sinh tiến sĩ cần được coi là nguồn lực của sáng tạo

Phát biểu thảo luận, Đại biểu Vương Quốc Thắng – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam dành sự quan tâm đến việc thúc đẩy nguồn lực để giáo dục đại học trở thành trụ cột trong phát triển KTXH đất nước

Theo đại biểu Vương Quốc Thắng, nghiên cứu sinh tiến sĩ và học viên cao học năm học 2023-2014 của cả nước chỉ đạt 47,16% và xấp xỉ 57% so với chỉ tiêu được duyệt. Số liệu này cho thấy sự kém hấp dẫn của đào tạo sau đại học.

Bài báo khoa học được công bố trên các ấn phẩm SCOPUS đến tháng 7/2024 của 67 cơ sở giáo dục đại học đã chiếm tới xấp xỉ 84,5% tổng số bài báo của cả nước. Khối giáo dục đại học chiếm khoảng 1/3 tổng số cán bộ nghiên cứu tương đương toàn thời gian với 3/4 số cán bộ nghiên cứu có trình độ tiến sĩ, nhưng kinh phí nghiên cứu phát triển chi cho khối đại học chỉ chiếm 6,75% tổng kính phí nghiên cứu phát triển quốc gia.

Đại biểu nêu rõ, số liệu này cho thấy ngân sách nhà nước dành cho khoa học, công nghệ ở khối đại học là chưa tương xứng với quy mô, năng lực và tiềm năng của đội ngũ này.

Trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, theo đánh giá của đại biểu Vương Quốc Thắng vai trò của đại học là vô cùng quan trọng.

Vì thế, cần nhanh chóng tháo gỡ các vướng mắc, thúc đẩy mọi nguồn lực nhằm biến đại học trở thành trụ cột trong phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Trong thời gian tới, đại biểu Vương Quốc Thắng cho rằng việc đầu tư cho khoa học công nghệ từ nguồn ngân sách nhà nước cần ưu tiên tối đa cho khu vực tập trung đội ngũ cán bộ nghiên cứu tương đương toàn thời gian nơi sản sinh ra đội ngũ trí thức và sản phẩm sáng tạo phục vụ cho đất nước.

"Đầu tư này cần dựa trên quan điểm đầu tư để phát triển nguồn lực, bao gồm nguồn lực con người và nguồn lực sản phẩm sáng tạo. Nghiên cứu sinh tiến sĩ cần được coi là nguồn lực của sáng tạo, cần được phân luồng từ đào tạo bậc đại học, có cơ chế hỗ trợ chăm sóc từ nguồn ngân sách, nhằm thúc đẩy quá trình tiếp thu tinh hoa công nghệ thế giới và sáng tạo công nghệ phục vụ công nghiệp và đời sống", đại biểu Vương Quốc Thắng kiến nghị.

Bên cạnh đó, ông Thắng cũng đề xuất xây dựng các cơ chế thuận lợi để thu hút nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước phục vụ cho nghiên cứu khoa học và đào tạo nhân lực chất lượng cao; xây dựng các cơ chế, chính sách thúc đẩy nguồn thu bền vững ngoài học phí cho các cơ sở giáo dục đại học, giảm dần sự phụ thuộc vào học phí…

"Xây dựng cơ chế thu hút nhân tài là các tiến sĩ và các nhà khoa học được đào tạo từ các đại học danh tiếng trên thế giới thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển tham gia giảng dạy và nghiên cứu sâu tại các cơ sở giáo dục đại học, các viện nghiên cứu. Đồng thời xây dựng cơ chế thúc đẩy thực chất hoạt động hợp tác quốc tế về đào tạo, nghiên cứu khoa học tại các cơ sở giáo dục đại học với các đại học hàng đầu khu vực và thế giới", đại biểu Vương Quốc Thắng nói.