Ngành giáo dục không thể tự quyết biên chế giáo viên

Trong bối cảnh là năm học 2021-2022 ngành giáo dục vượt khó do ảnh hưởng của đại dịch, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá đánh giá cao nỗ lực của toàn ngành giáo dục khi vẫn duy trì được thứ hạng quốc tế, tiếp tục lộ trình đổi mới căn bản toàn diện giáo dục.

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022 và triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023, Phó Thủ tướng chia sẻ với khó khăn của các địa phương khi thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, đặc biệt thiếu giáo viên trong năm học tới. Dù vậy, ông cho rằng, có những vấn đề cần phải thông cảm với ngành giáo dục vì ngay cả trường lớp, biên chế, lương, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cũng không có thẩm quyền quyết định.

Ông Đam nhìn nhận, một dân tộc hiếu học và quan tâm thế hệ mai sau yêu cầu ở giáo dục rất cao nhưng giáo dục hay bất kỳ ngành nào cũng phải gắn với điều kiện, trình độ phát triển kinh tế của đất nước. Giáo dục được xã hội quan tâm là may mắn nhưng cũng là áp lực.

“Ai cũng quan tâm đến giáo dục, ai cũng có thực tiễn giáo dục nên ai cũng tưởng chừng mình là chuyên gia giáo dục, ý kiến mình không được theo hoàn toàn là rất bức xúc”.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, cần phải rà soát lại, chủ động đề xuất cơ chế học phí, thực hiện “tự chủ” để tỉ lệ trường thích hợp ở những vị trí địa bàn thích hợp có thể lo lương cho giáo viên, từ đó giảm biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước, lấy biên chế đấy cho các vùng nông thôn làm sao cho đủ giáo viên gắn với trường lớp để học sinh học 2 buổi/ngày, tạo điều kiện thuận lợi để sĩ số học sinh không thể 60 học sinh/lớp.

Phó Thủ tướng yêu cầu phải ứng dụng công nghệ để nắm thật chắc nguồn lực của ngành về giáo viên và cơ sở vật chất gắn với thông tin dân số từng địa bàn để toàn ngành và từng địa phương chủ động đảm bảo đủ lớp, đủ trường, đủ giáo viên.

Đề cập đến vấn đề dân chủ trường học, Phó Thủ tướng nêu ví dụ một trường phổ thông muốn tuyển giáo viên, mà tập thể giáo viên hoặc đại diện giáo viên của trường đó có tiếng nói quyết định hơn của chủ tịch quận, của hiệu trưởng thì mới là dân chủ.

“Nếu một trường muốn tuyển giáo viên thì tiếng nói quyết định, có tầm ảnh hưởng nhất là của ai? Nếu chưa phải của tập thể giáo viên hay đại diện tập thể giáo viên thì chưa dân chủ. Đó mới là nguyên nhân từ lâu dẫn đến thừa thiếu cục bộ giáo viên”.

Có những vấn đề “đau” cũng phải nói

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, ngành giáo dục cũng cần nhìn thẳng vào bất cập yếu kém do chủ quan của chính mình.

“Ví dụ chúng ta không tự chủ được biên chế, trường lớp nhưng chuyên môn về giáo dục, chương trình, SGK, Bộ GD&ĐT phải làm. Mô hình quản trị các trường đại học, trường phổ thông, Bộ phải đề xuất, thuyết phục xã hội cùng làm.

Ông khẳng định, có những vấn đề "đau" cũng phải nói. “Tại sao chúng ta cứ loay hoay chuyện thi cử, kiểm tra, dạy thêm học thêm, sách tham khảo vì rất đơn giản chúng ta chưa thực sự trung thực trong giáo dục. Tại sao chúng ta cứ phải khổ sở câu chuyện tuyển sinh ĐH nhiều năm nay dù giờ đã nhẹ đi nhiều. Tại sao không như các nước phát triển là phần lớn vào trường ĐH tự do vì họ trung thực, khách quan, học không được thì các GS đánh giá và lưu ban chuyển ra ngoài. Còn mình tại sao không được như vậy?. Bản chất vấn đề chúng ta chưa trung thực”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thẳng thắn.

Phó Thủ tướng cho rằng, Bộ GD&ĐT cần rà soát nghiêm túc tất cả những vấn đề liên quan tiêu chuẩn, chuẩn quốc gia gắn với tiêu chí thi đua khen thưởng sao cho thực chất, tránh tình trạng một số nơi nói là trường chuẩn, đất rộng nhưng lớp học nhếch nhác, kết quả học tập không tốt trong khi đó có những trường làm tốt nhưng đất đai không đủ, không đạt chuẩn ảnh hưởng tiêu chuẩn thi đua.

Phó Thủ tướng đề nghị cần tiếp tục rà soát thực chất các quy định dạy thêm, học thêm, kiểm tra, cho điểm, sách tham khảo... tránh tình trạng học sinh phải "tự nguyện" xin để được học thêm, xin để được tổ chức học thêm, xin được đóng góp cào bằng, biến tướng.

Ngành giáo dục đã trải qua một năm vượt khó do đại dịch, học trực tuyến không thể bằng học trực tiếp. Đồng thời có nhiều hệ lụy về sức khỏe của học sinh. Tuy nhiên, dịch COVID-19 đã thúc đẩy ngành giáo dục thích nghi với việc học trực tuyến, học qua truyền hình, chuyển đổi số và xây dựng được kho học liệu số. Phó Thủ tướng đề nghị khi đi học bình thường, ngành giáo dục tiếp tục củng cố thúc đẩy học liệu số, như cách bổ trợ lâu dài cho việc học.

Liên quan đến câu chuyện tuyển sinh vào các trường văn hóa, nghệ thuật ở Hà Nội và một số địa phương, Phó Thủ tướng khẳng định điều này liên quan trực tiếp tới tổ chức học văn hóa tại các trường nghề, vướng ở đâu thì gỡ nhưng phải chỉ đạo cho tuyển sinh bình thường.

Phó Thủ tướng yêu cầu khẩn trương đôn đốc Bộ Tài chính trình Chính phủ sớm các văn bản cần thiết, thực hiện chủ trương dùng ngân sách cho học sinh mượn SGK và cố gắng làm ngay trong năm nay./.