Tọa đàm “Chọn trường cho con: Một khởi đầu đúng, cả hành trình an tâm” do trường THPT Trí Đức (Hà Nội) tổ chức đã giải đáp nhiều băn khoăn, thắc mắc của phụ huynh, học sinh trước thềm kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2025-2026.
Buổi tọa đàm có sự tham gia của 2 diễn giả: PGS.TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội); ThS Chu Thị Hiên, Hiệu trưởng Trường THPT Trí Đức.
THPT là giai đoạn nhân cách hình thành lần thứ hai
Chia sẻ tại buổi tọa đàm, PGS.TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, sau giai đoạn hình thành nhân cách lần thứ nhất ở độ 6 tuổi, giai đoạn học sinh bước vào bậc THPT là giai đoạn hình thành nhân cách lần thứ hai. Không gian và mối quan hệ của trẻ không còn bó hẹp trong gia đình mà mở rộng ra thế giới bên ngoài.
Vì vậy, theo PGS.TS Trần Thành Nam, giai đoạn này việc lựa chọn môi trường giáo dục tốt là nền tảng giúp học sinh có thể khai phá bản thân, hình thành các năng lực cũng như định hướng nghề nghiệp tương lai...

"Đây cũng là lý do mà việc lựa chọn trường học phù hợp ở bậc THPT là vấn đề đau đầu của phụ huynh. Đặc biệt trong bối cảnh hệ thống các trường THPT công lập chưa đáp ứng đủ nhu cầu thì phụ huynh phải lựa chọn mô hình nhà trường thực sự phù hợp cho con em mình", PGS.TS Trần Thành Nam nói.
Đồng tình với quan điểm của PGS.TS Trần Thành Nam, ThS Chu Thị Hiên, Hiệu trưởng Trường THPT Trí Đức cho biết, thiết kế chương trình giáo dục phổ thông 2018 của Bộ GD-ĐT, THPT là giai đoạn định hướng nghề nghiệp. Trong các mùa tuyển sinh vào lớp 10 THPT, điều phụ huynh băn khoăn, lo lắng nhất là môi trường giáo dục như thế nào?
"Vì trong độ tuổi này học sinh thường muốn chứng minh khả năng của bản thân nhưng chưa được định hướng rõ ràng, suy nghĩ chưa thực sự chín chắn nên dễ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài. Do vậy môi trường giáo dục rất quan trọng để giúp học sinh có định hướng rõ ràng, cụ thể, đúng đắn theo đúng mục tiêu nghề nghiệp của mình sắp tới", ThS Chu Thị Hiên chia sẻ.
3 tiêu chí lựa chọn trường THPT
Đề cập đến các tiêu chí lựa chọn trường THPT sau khi tốt nghiệp THCS, PGS.TS Trần Thành Nam gợi mở 3 tiêu chí.
Năm học 2024-2025, Hà Nội có khoảng 127.000 học sinh tốt nghiệp THCS, giảm gần 6.000 so với năm ngoái. Tổng chỉ tiêu vào các trường công lập là 79.000. Tỉ lệ học sinh đỗ là hơn 62%, tăng so với mức 60-61% của các năm trước.
Thứ nhất, cần căn cứ vào mục tiêu, triết lý giáo dục của trường. Theo quan điểm PGS.TS Trần Thành Nam, triết lý giáo dục quan trọng hơn cơ sở vật chất của một ngôi trường và việc cụ thể hóa triết lý giáo dục đó vào chương trình giáo dục của nhà trường như thế nào?
Thứ hai, văn hóa trường học. Đó là mối quan hệ thầy trò, mối quan hệ giữa học sinh với học sinh. Trong mối quan hệ thầy-trò, giáo viên không chỉ là người cung cấp tri thức mà phải là người đồng hành, định hướng, truyền cảm hứng, thậm chí thầy cô như người bạn thân thiết với học trò.
Thứ ba, chương trình giáo dục của nhà trường. Từ chương trình khung của Bộ GD-ĐT, chương trình giáo dục của nhà trường hướng đến số đông học sinh hay cá thể hóa cho từng nhóm học sinh?
Để đánh giá chất lượng một ngôi trường, ngoài chương trình, đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất đã được kiểm định thì thương hiệu, danh tiếng và thứ hạng nhà trường là một kênh thông tin mà phụ huynh có thể tham khảo.
Ngoài ra, các chỉ số về thành tích như tỉ lệ học sinh tốt nghiệp THPT, tỉ lệ học sinh trúng tuyển vào các trường đại học danh tiếng cũng là chỉ số mà phụ huynh cân nhắc.
Tuy nhiên, theo PGS.TS Trần Thành Nam những tiêu chí mang tính định lượng có thể dễ nhìn thấy nhưng không phải tất cả. "Con cái của chúng ta có thể có đầy đủ thành tích nhưng vẫn thiếu điều gì đó của một công dân thế kỷ 21, một người có sự nghiệp bền vững. Giá trị đó phụ thuộc vào nhận thức của bố mẹ", PGS.TS Trần Thành Nam đặt vấn đề.

Là chuyên gia tâm lý, PGS.TS Trần Thành Nam không đặt vấn đề đúng-sai nếu bố mẹ cho rằng thành công của con cái liên quan đến thành tích, vị trí, kiếm được nhiều tiền... nhưng nếu theo đuổi tiêu chí này có thể không phù hợp với một số ngôi trường.
Ông Thành Nam cho biết, một số ngôi trường hiện nay hướng đến giá trị hạnh phúc. Và việc theo đuổi mục tiêu thành tích hay con cái được hạnh phúc phụ thuộc vào quyết định của mỗi người từ đó cân nhắc các tiêu chí (trọng số) để chọn trường.
"Tôi rất thích câu nói 'thiên tài bắt đầu từ niềm vui' nên tôi đồng tình chủ trương của ngành giáo dục trong những năm qua là xây dựng trường học hạnh phúc", PGS.TS Trần Thành Nam chia sẻ quan điểm.

Với đặc thù mô hình trường nội trú, theo ThS.Chu Thị Hiên, trường THPT Trí Đức theo đuổi mục tiêu xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện. Để giúp học sinh đạt được mục tiêu, nhà trường và phụ huynh cùng đồng hành trong suốt quá trình giáo dục.
"Nhà trường tổ chức cho cả học sinh và phụ huynh được trực tiếp trải nghiệm môi trường giáo dục tại trường. Cùng với những câu chuyện thực tế, trường có phân tích để phụ huynh, học sinh hiểu là khi vào học, học sinh cần có những mục tiêu gì cho tương lai, cả mục tiêu ngắn hạn, dài hạn, cần ưu tiên mục tiêu nào trước, cần làm gì, làm như thế nào để thực hiện mục tiêu", ThS.Chu Thị Hiên chia sẻ.