Theo Thông tin từ Sở GD&ĐT Bắc Ninh, đến thời điểm này, toàn tỉnh phát hiện 14 học sinh, giáo viên mắc COVID-19, qua truy vết, điều tra dịch tễ, đến nay ít nhất 511 học sinh, giáo viên là F1 đang phải cách ly tập trung.

Giáo viên đi cách ly - hãy xem như chuyến công tác dài ngày

Vẫn những câu điểm danh, những lời nhắc nhở quen thuộc, tiếng cô Nguyễn Thị Hương – giáo viên môn Vật Lý trường THPT Thuận Thành 1, Bắc Ninh vẫn vang lên trên laptop, điện thoại của học sinh. Nhưng lần này, cô giáo không ở lớp, cũng không ở nhà mà ở điểm cách ly tập trung Trường Mầm non Hoài Thượng (Thuận Thành, Bắc Ninh).

Thuộc diện F1 vào khu cách ly từ hôm 10-5, cô Hương cho biết, ban đầu cũng cảm thấy rất hoang mang và lo lắng vì “bỏ học sinh đi đúng thời điểm cuối năm học", lại còn lo sức khỏe nhỡ chuyển xuống F0 thì có thể xảy ra nhiều tình huống. Tuy nhiên, sau lần đầu xét nghiệm âm tính, cô Hương đã phần nào yên tâm hơn.

“Qua tin nhắn, mạng xã hội, học sinh và phụ huynh liên tục hỏi thăm, sức khỏe cô thế nào, cô đang cách ly ở đâu, cô vào Zoom đi, nếu chưa học được thì cô trò nói chuyện”…, những lời động viên tình cảm của học trò giúp cô Hương vui vẻ hơn.

Cô Hương động viên 2 con ở nhà, một cháu học lớp 10, một lớp 4 "các con hãy xem đây như là một chuyến đi công tác dài ngày của mẹ". Thế nhưng trong thâm tâm cô giáo, chuyến đi này khác hơn với đầy lo lắng và sự chờ đợi.

Tận dụng mọi cách để không dừng dạy học

Thời khóa biểu đã lên sẵn, để đảm bảo dạy online cho 1-2 lớp mỗi ngày, cô Hương mượn tạm trường mầm non Hoài Thượng bàn ghế để kê làm góc dạy online. Việc bố trí được một góc dạy khó khăn vì tất cả các phòng đều được trưng dụng cho người đến cách ly. Tuy nhiên, khó nhất là việc đảm bảo đường truyền dạy học trực tuyến.

Mạng ở đây rất yếu, không dùng dạy học được, "mình dùng 4G đăng ký 2 gói rồi, mỗi ngày được 4-5 GB cũng không đủ để dạy, phải mua thêm gói lẻ để dạy học, vẫn cảm thấy không đủ”- cô Hương kể.

Tại khu cách ly, cô Hương được xếp ở cùng 5 bạn học sinh lớp 11 của Trường THPT Thuận Thành 1 nên việc dạy học của cô cũng thoái mái hơn.

Thầy Nguyễn Hữu Sơn, giáo viên môn Toán, Trường THPT Thuận Thành 1 khi biết mình thuộc diện phải đi cách ly, ngoài những vật dụng cá nhân cần thiết thì điện thoại, laptop, ipad và bộ phát wifi là những thứ đầu tiên thầy sắp vào hành lý mang theo.

May mắn là thầy đã lượm được 1 tấm bảng trong khu cách ly, cùng những vật dụng mang theo để bố trí thành 1 góc dạy học riêng. Một thuận lợi là có thiết bị được Sở GD&ĐT cấp, gần giống máy chiếu, chiếu hắt lên trang giấy kết hợp máy tính, giống live-stream. Do đó việc dạy trực tuyến diễn ra bình thường, tuy đôi lúc mạng vẫn chập chờn…

Thầy Sơn tâm sự, vào trong này buồn lắm, ngày cũng dài hơn bình thường. Khu vực cách ly tuy gần nhà nhưng từ khi Thuận Thành phong tỏa thôn với thôn, gia đình cũng không thể tiếp tế các đồ dùng cần thiết nếu cần. Nhớ nhất là em bé hơn 18 tháng tuổi ở nhà. Đã là F1, thầy Sơn xác định sẽ phải cách ly dài ngày, thậm chí là có thể kéo dài thời gian cách ly nếu có ca F1 chuyển thành F0. Do vậy, ngoài dạy online, thầy Sơn cũng chủ động soạn trước các chuyên đề cho năm học tới.

Học sinh lớp 12 vẫn tiếp tục ôn thi trong khu cách ly

Theo thầy Lê Nho San, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Thuận Thành 1, trường hiện có 37 giáo viên và hơn 200 HS phải cách ly, trong đó có 5 học sinh lớp 12. Mặc dù nhiều giáo viên lớp 12 thuộc diện cách ly nhưng hầu hết 100% các thầy cô đều chủ động dạy trực tuyến tại khu cách ly để hoàn thành chương trình trước ngày 22/5. Đến ngày 24/5, học sinh lớp 12 tiếp tục ôn tập theo thời khóa biểu đã lên sẵn.

Với những học sinh thuộc diện F1, trước khi vào khu cách ly, nhà trường thông báo cho cac em chuẩn bị tài liệu, máy tính để học online. Nhà trường vẫn tổ chức khảo sát khối 12 theo các đợt vào ngày thứ 7 và Chủ nhật, nhiều em thuộc diện cách ly đều được thầy cô gửi bài kiểm tra khảo sát, gửi tài liệu ôn tập…”, thầy San cho biết.

Nằm trên địa bàn huyện Thuận Thành, Trường THPT Kinh Bắc cũng đang có nhiều học sinh và giáo viên thuộc diện cách ly. Thầy hiệu trưởng Nguyễn Văn Thảo cho biết, trường hiện có 79 học sinh lớp 12 và 6 GV thuộc diện F1. Để đảm bảo kiến thức thi tốt nghiệp sắp tới, giáo viên vẫn dạy trực tuyến và hướng dẫn HS ôn tập theo đề cương và ngân hàng đề sẵn có.

Thế nhưng, thời gian đến ngày thi tốt nghiệp không còn nhiều khiến thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Thảo không khỏi lo lắng. Không phải khu cách ly nào cũng có điều kiện về mạng tốt để học trực tuyến. "Học sinh học trực tiếp trên lớp đã khó giờ cách ly buộc các cháu phải tự học nhiều hơn nên càng khó hơn"- Thầy Thảo chia sẻ.

Nhiều học sinh lớp 12 của trường đang thuộc diện F1, cách ly đủ 21 ngày, hết ngày 31-5 về thì các em vẫn phải cách ly theo dõi tiếp tại nhà. Chỉ còn nửa tháng để chuẩn bị e rất khó đầy đủ kiến thức thi tốt nghiệp, trong khi đó chưa biết tình hình dịch bệnh như thế nào”, thầy Thảo băn khoăn.

Huy động quỹ giúp học sinh cách ly

Theo thầy Lê Nho San, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Thuận Thành 1, bên cạnh việc thường xuyên thăm hỏi, động viên giáo viên và học sinh trong các khu cách ly, nhà trường còn lập quỹ huy động đóng góp từ các giáo viên, phụ huynh, các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm với số tiền 200 triệu đồng. Số tiền này sẽ giúp các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn chi trả chi phí trong khu cách ly.

Mỗi ngày trong khu cách ly, nhà nước hỗ trợ 40 nghìn đồng, các em đóng 80 nghìn đồng. Với số tiền này thì nhà trường sẽ chuyển cho các cháu, trước mắt là ưu tiên những bạn khó khăn, sau đó quỹ còn thì những bạn trong diện cách ly nhà trường sẽ chia sẻ để động viên các em yên tâm học tập tốt”, thầy San cho biết.

Nghe chương trình tại đây: