Có một cô giáo chưa từng một lần dạy ở vùng cao nhưng có một tình yêu đặc biệt với học sinh ở huyện miền núi Mai Sơn, Sơn La. Cô là Đinh Thị Minh Huệ, giáo viên Trường Tiểu học Kim Đồng, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội.

Những năm qua, cô giáo Minh Huệ đã cùng nhóm học sinh cũ của mình miệt mài đi tới những bản vùng cao để xây điểm trường cho trẻ em miền núi. Khi những điểm trường được xây dựng kiên cố, ước mơ về một lớp học khang trang của các em đã trở thành hiện thực.

Huổi Dương và Bản Sản là những bản đặc biệt khó khăn của tỉnh Sơn La, nơi đây có gần 30 em học sinh tuổi mầm non không có lớp học, thường phải theo cha mẹ lên rẫy. Ngay khi biết thông tin, cô Đinh Thị Minh Huệ cùng nhóm học sinh cũ đã quyết định xây dựng điểm trường Trung Thành - Mầm non Nà Bó. Bác Lò Văn Long, Trưởng bản Trung Thành không giấu được niềm vui chia sẻ: “Có điểm trường mới mọi người bà con nhân dân mừng lắm, các cháu mừng lắm, việc học đỡ vất vả hơn, trên này đi lại không còn khó khăn nữa, có đường bê tông rồi. Cô Huệ yêu các cháu học sinh vùng cao nhiều lắm, bà con nhân dân rất nhớ cô”

Việc làm ý nghĩa của cô Huệ đã lan tỏa tình yêu thương và sự ấm áp đến tất cả mọi người dân ở Nà Bó. Chung tay cùng cô Huệ xây điểm trường cho các cháu, gia đình bác Lò Văn Long đã hiến tặng hơn 1 nghìn m2 đất và góp ngày công lao động, đổ bê tông để đẩy nhanh tiến độ thi công.

Có lớp học mới, có phòng ở kiên cố, các học sinh vùng cao không còn phải lo lắng những ngày mưa to hay mùa đông rét buốt. Cô trò được dạy và học trong điều kiện tốt hơn là cảm nhận của cô giáo Tú Anh, Hiệu trưởng trường Nà Bó, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La.

Lớp học lắp ghép đã hiện ra trước sự mong mỏi của bao người. Sắp tới ngày khánh thành, cô Huệ lại quyên góp quần áo cũ, đồ chơi, thảm đệm, gom từng bộ sách giáo khoa cũ, ba lô, cặp sách... cho lớp học mới hoàn thiện hơn. Cô Tú Anh, Hiệu trưởng trường Nà Bó tâm sự: “Có một điều làm chúng tôi và các bậc phụ huynh nhớ nhất là sự yêu thương vô bờ bến của cô Huệ. Cô lan tỏa sự yêu thương tới tất cả mọi người ở vùng cao mặc dù đi đường xa, hàng mấy trăm km, trời mưa gió cô cùng nhóm học trò đi bộ xắn quần cao lên nhưng vẫn luôn nở nụ cười thân thiện”.

Điểm trường hoàn thành, các bạn nhỏ mầm non bản người Thái được đến trường vui chơi, học tập, được múa hát...là niềm hạnh phúc rất lớn của những người làm nghề giáo như cô Huệ. Ngoài xây dựng điểm trường, các bạn học sinh cũ của cô giáo Minh Huệ năm nay còn mua áo đồng phục mùa đông cho các em nhỏ học bán trú ở vùng cao. “Em mong rằng qua hoạt động này, các em học sinh không chỉ có lớp học, mái trường mới mà còn có tấm áo mới ấm áp trong mùa đông” - Cao Hưng, học sinh cũ của cô Minh Huệ tự hào khi nói về hoạt động này.

Tính đến nay, cô Minh Huệ cùng nhóm học sinh cũ đã xây dựng khoảng 7 điểm trường ở các bản miền núi xa xôi của tỉnh Sơn La, mang đến niềm vui, nụ cười cho trẻ thơ miền núi. “Mình rất hạnh phúc khi những việc làm của mình có thể lan tỏa tới từng con học sinh, từng phụ huynh. Mình nhớ những kỷ niệm với bà cụ người Thái khóc suốt buổi khánh thành bảo là từng này tuổi rồi bà mới thấy được một lớp học đẹp thế này giữa bản, rồi hình ảnh những đứa trẻ mùa đông đi chân đất, nhưng mùa hè mặc 1 cái áo len thật đẹp đến dự khánh thành lớp học. Những điều đó tới giờ này khi nhắc lại mình thực sự xúc động” – cô Minh Huệ tâm sự.

Hành trình gắn bó với những học trò vùng cao của cô giáo Đinh Thị Minh Huệ luôn nhận được sự ủng hộ của nhiều cá nhân, tổ chức, trong đó có Nhà giáo ưu tú Dương Lệ Nga ở tỉnh Thái Bình. Cô Nga đã đồng hành cùng cô Huệ thực hiện nhiều chương trình như tặng áo ấm, tặng sách nhằm phát triển văn hóa đọc cho học sinh vùng cao. Cô Nga chia sẻ: “Ấn tượng nhất ở cô Huệ là ánh mắt nụ cười, cô Huệ là con người rất yêu trẻ, một cô giáo tuyệt vời. Cô luôn tâm nhiệm gieo yêu thương sẽ gặt được tình yêu và sự sẻ chia, cho đi là còn mãi”.

“Một ánh lửa sẻ chia là một ánh lửa lan tỏa. Đôi môi có hé mở mới thu được nụ cười. Bàn tay có mở rộng trao ban, tâm hồn mới ngập tràn vui sướng” là chia sẻ của cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Ánh, giáo viên trường Tiểu học Kim Đồng khi nhắc về người đồng nghiệp của mình. Tấm lòng vì trẻ thơ vùng cao và nỗi khát khao cháy bỏng mong muốn mang lại cho các con cuộc sống đầy đủ, hạnh phúc hơn của cô Huệ đã mang lại nguồn cảm hứng cho rất nhiều đồng nghiệp như cô Ngọc Ánh.

Việc vẽ tranh, gom sách cũ... đi bán lấy tiền ủng hộ trẻ em miền núi do các học sinh cũ của cô Huệ thực hiện đều nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các phụ huynh học sinh. Một hoạt động ý nghĩa mà cô Minh Huệ và các học trò hăng say tham gia nữa là nuôi lợn nhựa, góp quỹ tình thương hỗ trợ tiền ăn trưa, đồ dùng bán trú cho các em học sinh ở huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai. Chị Nguyễn Cẩm Linh, phụ huynh học sinh rất thích thú khi hoạt động này giúp các con biết thông cảm, sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn hơn mình: “Việc nuôi lợn nhựa của học sinh nhằm gây quỹ tình thương là một hoạt động rất ý nghĩa, không chỉ giúp các bạn nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, còn dạy cho các con học sinh trường Tiểu học Kim Đồng biết yêu thương và sẻ chia”.

Con đường nào để đem đến một tương lai tươi đẹp hơn cho trẻ em vùng cao là niềm trăn trở không chỉ của riêng cô giáo Đinh Thị Minh Huệ. Thế nên không ngại khó, chẳng ngại khổ, cô Minh Huệ vẫn luôn hướng về và dành nhiều sự yêu thương, quan tâm, chăm lo cho học sinh nghèo ở miền núi Sơn La như bài thơ được cô sáng tác một dịp gần đây:

Cánh cửa cuộc đời đã mở rộng thênh thang

Giữa những bon chen chọn cho mình lẽ sống

Tự tại, an nhiên, bình yên, khoảng lặng

Làm người chèo đò đưa khách qua sông

Trở về mái trường xưa tháng sáu biết hay không?

Con ve buồn cất tiếng dài than thở

Đám học trò xưa đã quên hay còn nhớ

Hè chia xa, bóng nắng cũng ngẩn ngơ ...

Từ những yêu thương và sự sẻ chia, cô giáo Minh Huệ đã vượt qua những khó khăn, vất vả...để mang niềm vui đến cho trẻ em vùng cao. Những lớp học mới khang trang, tiện nghi dần dần được hoàn thành giúp các thầy cô, các em học sinh yên tâm học tập, vui chơi chính là động lực tiếp thêm sức mạnh để cô giáo Minh Huệ tiếp tục chặng đường xây thêm những điểm trường mới cho các em./.