Thính giả Nguyễn Anh Thư ở Hà Nội muốn được tìm hiểu về ý nghĩa của cụm từ “cực đoan” sử dụng trong thời tiết. Chị không rõ có phải cụm từ này được dùng để chỉ những hiện tượng thời tiết gây hại cho con người hay không?

Theo PGS Bùi Công Quang thời tiết cực đoan là sự xuất hiện của một giá trị yếu tố thời tiết nào đó. Ví dụ như là mưa, nhiệt độ không khí, độ ẩm không khí... cao hơn hoặc thấp hơn một giá trị ngưỡng nào đó. Ví dụ quan trắc mưa ngày ở Hà Nội là 200mm, giá trị của mưa lên tới mức 250 mm một ngày thì mưa đó gọi là mưa cực đoan. Ở đây chính là sự xuất hiện trị số cao hơn trị số đã từng quan trắc, hoặc cao hơn một cái ngưỡng quy định nào đó. Nói nôm na, thì cực đoan có nghĩa là giá trị lớn quá hoặc giá trị nhỏ quá của một yếu tố thời tiết nào đó chưa từng xảy ra.

Giá trị cực đoan ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt của con người. Ví dụ nhiệt độ không khí trong ngày, thường ở mức 38, 39 độ là đã rất nóng, rất khó chịu rồi. Nhưng giá trị cực đoan thì nhiệt độ ngày có thể vượt lên 42, 43 độ. Với nhiệt đố này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống con người. Còn với miền núi nhiệt độ dưới 0 là có đóng băng, nhưng nếu như nhiệt độ xuống thấp dưới dưới âm 10 độ, thậm chí âm 15 độ thì đó chính là giá trị cực đoan, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của con người, cũng như là ảnh hưởng đến sản xuất…

Về khái niệm "nước cứng", PGS Bùi Công Quang giải thích đây là khái niệm được dùng để chỉ loại nước có chứa hàm lượng chất khoáng rất cao, cụ thể là I-on canxi và Magiê. Nước cứng thường xuất hiện ở nước ngầm, ở các vùng đá vôi hoặc đá phấn hoặc đá thạch cao. Loại nước này gây tác hại lớn đến sức khỏe con người. Sử dụng nước này có thể gây ra bệnh sỏi thận, bệnh tắc động mạch. Nó cũng ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt của con người vì có thể làm mất mùi vị khi nấu ăn, thịt, rau khó chín, làm giảm hiệu quả của thuốc, làm thay đổi hương vị của chè, làm tốn năng lượng khi đun nấu, tạo cặn bã bám trên mặt các trang thiết bị sinh hoạt... Trong sản xuất, nước cứng có độ cứng vượt quá giới hạn cho phép thì không thể sử dụng ở một số ngành công nghiệp.

Ngược lại với nước cứng, nước mềm lại là loại nước chứa hàm lượng khoáng chất hòa tan ít hơn rất nhiều so với nước cứng hoặc có thể không có các loại khoáng chất đó. Nước cứng qua quá trình xử lý sẽ trở thành nước mềm.

Thính giả Nguyễn Lan Anh ở Hải phòng muốn được phân biệt về cách sử dụng giữa cụm từ "thời tiết" và "khí hậu".

PGS Bùi Công Quang cho biết thời tiết là trạng thái của khí quyển trong một thời điểm nào đó tại một vị trí nào đó, chẳng hạn như về thời tiết của Hà Nội ngày nào đó… Còn khí hậu là nói về trị số trung bình, trạng thái trung bình trong nhiều năm khác nhau. Nhiều người nhầm lẫn khi sử dụng hai khái niệm này. Đơn cử như là khi người ta nói một đội bóng nào đó chuyển từ Sài Gòn ra Hà Nội để làm quen với khí hậu ở đây. Trường hợp này phải nói là làm quen với thời tiết mới đúng. Nói làm quen với khí hậu là sai.