Sớm nay, trong khuôn viên trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, trước cửa tượng Đài “cán bộ sinh viên xếp bút nghiên lên đường nhập ngũ" thấp thoáng bóng dáng của những cựu sinh viên trong quân phục bộ đội, trên ve áo và trên ngực lấp lánh phù hiệu và huân huy chương. Ngay sau khi nhập ngũ, ông Lương Đại Dũng - sinh viên K14 khoa vô tuyến điện được bổ sung vào chiến trường Nam Lào, làm nhiệm vụ đánh B52 ở trung đoàn Tên Lửa. Sau hơn 1 năm ông được điều ra Hải Phòng, tiếp tục đánh B52 năm 1971-1972 lại được điều về Hà Nội tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ trên không.

Luôn tự hào là sinh viên Bách khoa, dù khi ra quân ông Dũng chuyển sang học viện kỹ thuật quân sự. Ông xúc động kể lại: Ngày 26/8/2020, kỷ niệm 50 năm ngày nhập ngũ, Đại học Bách Khoa HN đã tổ chức một chương trình hoành tráng “Bách Khoa một thời hoa lửa” vừa tôn vinh, vừa tri ân những người thầy, những sinh viên của trường đã có những đóng góp to lớn làm nên thành công của cuộc chiến đấu chống Mỹ cứu nước.

Ông Vũ Xuân Giáp, nhập ngũ 26/8/1970, cựu sinh viên K14 khoa Vô tuyến điện Đại học Bách Khoa Hà Nội nhập ngũ vào chiến trường B2 rồi chuyển qua đơn vị phòng không không quân ở Hải Phòng sau đó đầu quân cho chiến trường Quảng Trị chiến đấu ở đây tới ngày đất nước hoàn toàn giải phóng mới trở về học tiếp cùng các thế hệ K19 ĐH BK HN. Ông kể về những năm tháng tham gia quân ngũ bằng niềm tự hào. Tinh thần Bách khoa theo những người lính đi khắp các mặt trận, chính vì đã qua bom đan, được trải nghiệm nên khi ra quân trở lại giảng đường các anh càng nỗ lực học tập hơn.

Ông Đặng Minh Thành rưng rưng nhớ lại cái ngày 26 tháng 8 năm 1970, ông là 1 trong số hơn 500 tân binh là sinh viên ĐH BKHN nhập ngũ. Trong số 500 sinh viên nhập ngũ năm 1970 có 40 sinh viên khoa Vô tuyến và khoa Động lực. Những người được nhập ngũ cảm thấy rất tự hào và kiêu hãnh, những người không được đi phải ở lại tâm trạng rất buồn. Ông Thành vào bộ binh 320, sau đấy đánh ở chiến trường Nam Lào rồi vào chiến trường Tây Nguyên, đánh xuống Sài Gòn giải phóng miền Nam cho tới ngày 30 tháng 4 năm 1975.

Ra quân, ông Thành về trường học tiếp và công tác ở Trung tâm kiểm định chất lượng cho tới lúc nghỉ hưu. Những năm tháng chiến tranh vào sinh ra tử với ông Thành lại là những ngày tháng vô cùng đáng quý, ông nhớ như in những vùng đất mà ông và đồng đội đã đi qua, nhớ những người bạn học vừa là đồng chí đã ngã xuống không trở về … Vì vậy những tháng ngày này, khi đã nghỉ hưu ông dành thời gian tham gia các hoạt động tri ân đền ơn đáp nghĩa ở mọi vùng miền của Tổ quốc từ Hà Nội đến Vinh, từ sài Gòn đến Đắk Tô - Tân Cảnh và điểm dùng chân cuối cùng vẫn là trường ĐH BK Hà Nội hôm nay với những người bạn học của mình, những người năm 1970 đã cùng ông viết thư tình nguyện nhập ngũ.

Ở trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, những thầy giáo mặc áo lính không hiếm. Sau chiến tranh hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, nhiều người trở về giảng đường tiếp tục học tập, giảng dạy nghiên cứu. Họ là tấm gương sáng về nghị lực và trí tuệ của “người Bách khoa". PGSTS Nguyễn Nhật Trinh, Chủ tịch Hội cựu chiến binh trường Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết: Trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước và trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc Đại học Bách Khoa đã có gần 3000 cán bộ và sinh viên lên đường, nghe theo tiếng gọi Tổ quốc vì sự nghiệp đấu tranh thống nhất nước nhà và bảo vệ Tổ quốc vì nền độc lập tự do của dân tộc và vì cuộc sống ấm no hạnh phúc của nhân dân Việt Nam. Trong cuộc chiến tranh vĩ đại đó của dân tộc, gần một nửa các anh đã hi sinh nơi chiến trường và rất nhiều anh trở về là thương binh bệnh binh, tiếp tục học tập và đóng góp xây dựng phát triển trường Đại học Bách Khoa. Trong số các cựu sinh viên trở về Bách Khoa hiện nay có 4 giáo sư và 30 phó giáo sư, trên 50 tiến sĩ, đó là lực lượng khoa học đóng góp cho việc đào tạo nhân lực cho Tổ quốc.

Các thế hệ thầy trò Đại học Bách Khoa Hà Nội tự hào về anh hùng liệt sỹ Bùi Ngọc Dương - người dũng cảm hy sinh trong chiến trận Khe Sanh - Đường 9. Trong cuộc chiến bảo vệ thủ đô năm 1972, với chiến dịch Điện Biên Phủ trên không 12 ngày đêm, anh hùng liệt sỹ thiếu tá Vũ Xuân Thiều cựu sinh viên ĐHBKHN đã dũng cảm lao thẳng chiếc MIG-21 vào pháo đài bay B52 khi chúng gây tội ác ở thủ đô Hà Nội... Không chỉ đóng góp sức người, các công trình khoa học của sinh viên Đại học Bách Khoa như các nghiên cứu khoa học phá thuỷ lôi của Mỹ phong toả ở miền Bắc Việt Nam, công trình đèn rù giúp vận tải được người, vũ khí và lương thực để chi viện cho miền Nam và nhiều công trình khoa học khác nữa… Trí tuệ và con người Bách Khoa là một phần không nhỏ làm nên chiến thắng hào hùng của dân tộc Việt Nam.

Còn những người lính trở về giảng đường dạy học và nghiên cứu thì một lần nữa khẳng định khí chất của “người lính cụ Hồ" trên mặt trận khoa học và giáo dục. Nói như lời PGS.TS Nguyễn Nhật Trinh - Chủ tịch hội CCB Trường ĐH Bách khoa Hà Nội: "Cựu chiến binh của trường Đại học Bách Khoa đã tích cực học tập, nghiên cứu trở thành những thầy giáo trên bục giảng, những thầy giáo quân hàm xanh. Các anh tham gia rất nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước, cấp bộ, cấp trường, có rất nhiều anh có bằng phát minh sáng chế đăng ký ở trong nước và quốc tế. Các anh là tấm gương cho thế hệ sinh viên học tập và noi theo.”

Hôm nay nhân kỷ niệm ngày thương binh liệt sỹ 27/7, những chàng sinh viên Bách khoa mặc áo lính ấy lại về mái trường xưa yêu dấu để tưởng nhớ những người thầy, người bạn không có may mắn được trở về …Cùng hát khúc quân hành với những người lính ấy có cả những thầy giáo trẻ và những bạn sinh viên …