Sáng nay 14/7, TAND TP. Hà Nội mở phiên sơ thẩm xét xử vụ án lộ đề môn Sinh học Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021.
Theo cáo trạng của Viện kiểm sát (VKS), hai bị cáo Bùi Văn Sâm, 74 tuổi và bà Phạm Thị My, 60 tuổi, cùng là cựu giáo viên Khoa Sinh học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và cùng đóng vai trò Tổ trưởng, Tổ phó xây dựng ngân hàng câu hỏi, ra đề thi môn Sinh học, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021.
Trong quá trình xây dựng ngân hàng câu hỏi đề thi, bà My 3 lần mang các tài liệu ra khỏi khu vực quy định, gồm các bảng thống kê số lượng câu hỏi mới được biên soạn. Bà chỉnh sửa, hoàn thiện trên máy tính ở nhà, rồi in đưa ông Sâm.
Nhận các tài liệu trên, ông Sâm chỉnh sửa trực tiếp trên bản in, trao đổi để bà My ghi chép lại, đưa về nhà chỉnh sửa, hoàn thiện. Họ sau đó đưa nội dung câu hỏi này vào ngân hàng câu hỏi trong các đợt xây dựng ngân hàng câu hỏi tiếp theo.
Biết được quy luật rút câu hỏi của phần mềm quản lý của Bộ GD-ĐT, hai người thống nhất sắp xếp câu hỏi do mình biên soạn, biên tập vào các vị trí "ngắm sẵn" với mục đích để khi được chọn thì các câu hỏi này sẽ cùng một tổ hợp. Sau đó khi tham gia Hội đồng ra đề thi, họ sẽ chọn các tổ hợp câu hỏi này để làm đề thi chính thức, cáo trạng nêu.
Cùng quá trình đó, hai bị can dùng các câu hỏi đã được đưa vào ngân hàng câu hỏi thi để ôn thi cho 8 học sinh lớp 12 "có mối quan hệ họ hàng, quen biết" muốn xét tuyển Đại học khối B.
"Không được ai nhắc nhở là cấm người làm câu hỏi đề thi đi dạy con cháu mình"
Tại phiên tòa, bị cáo Bùi Văn Sâm cho biết, quá trình ra đề thi tốt nghiệp THPT năm 2021 trải qua 5 đợt (mỗi đợt 5-7 ngày). Những thành viên khu vực Hà Nội được phép về nhà còn những thành viên địa phương ở tại khách sạn.
Quá trình xét hỏi, bị cáo Sâm thừa nhận sử dụng tài liệu về dạy cho 4 thí sinh có quan hệ họ hàng. “Tài liệu ôn tập này là những câu hỏi khó mà tôi nghĩ ra và có nằm trong ngân hàng câu hỏi”, ông Sâm khai.
Chủ tọa hỏi bị cáo Sâm trong quá trình giảng dạy có đưa tài liệu nào cho học sinh không? Sau một lúc quanh co, ông Sâm thừa nhận có chuyển cho học sinh tập tài liệu được photo từ tập tài liệu được bị cáo My đưa. Tài liệu photo này có những câu hỏi mà hai bị cáo My và Sâm sáng tạo, xây dựng ngân hàng câu hỏi đề thi.
Trước câu hỏi, vì sao bị cáo lại chuyển tài liệu ôn tập này cho học sinh, bị cáo Sâm nói: “Bị cáo nghĩ mình là bác, là ông trẻ nếu giúp được cho các cháu thì giúp tận tâm. Bản thân cũng không nắm được tính nghiêm trọng vấn đề và cũng không ai nhắc nhở là cấm người làm câu hỏi đi dạy cho con cháu mình”.
Trong quá trình dạy cho một số học sinh thuộc diện “con cháu”, ông Sâm khai không nhận bất kỳ một đồng thù lao nào ngoài một hộp sâm được phụ huynh biếu.
Cuối phần xét hỏi, ông Sâm khóc và cảm thấy xấu hổ trước hành vi của mình: “Sự việc xảy ra với bị cáo là một bài học xương máu. Bị cáo rất đau khổ, ân hận bởi trước đến nay chưa mắc sai lầm nào, là một giáo viên già nhiều năm cống hiến, được học sinh, phụ huynh tin yêu. Nên bị thế này cảm thấy rất đau khổ”.
"Chỉ in ý tưởng nội dung mang về nhà chứ không phải là câu hỏi đề thi"
Trái với sự thành khẩn của bị cáo Bùi Văn Sâm, bị cáo Phạm Thị My, cựu giảng viên trường Đại học sư phạm Hà Nội lại quanh co cho rằng, cách diễn đạt trong bản cáo trạng của VKS thì mọi hành vi của bị cáo đều nhằm mục đích dùng các câu hỏi này để ôn thi cho học sinh.
Tại đợt 1 và 2 của quá trình xây dựng ngân hàng đề thi môn Sinh học, bà My khai có mang 1 tờ giấy A4 ghi lại ý tưởng về câu hỏi đề thi được nảy sinh quá trình làm việc với bị cáo Sâm. Bị cáo không mang bảng thống kê số lượng câu hỏi cũng như bất cứ tài liệu gì liên quan đến quá trình soạn câu hỏi về nhà.
“Bị cáo khẳng định tất cả các câu hỏi có trong 3 tập tài liệu mà bị cáo chuyển cho bị cáo Sâm hoàn toàn là ý tưởng của bị cáo. Những câu hỏi này được hai người thiết kế ở nhà, không có bất cứ một câu hỏi nào được mang từ nơi làm việc về nhà để chỉnh sửa. Những câu hỏi của bị cáo được bị cáo tự đánh máy còn đối với những câu hỏi của bị cáo Sâm thì bị cáo Sâm gọi đến nhà chép và nhờ về đánh máy. Đánh máy xong thì bị cáo giữ một bản còn một bản giao cho bị cáo Sâm để về chỉnh sửa”, bị cáo Phạm Thị My khai.
Tuy nhiên bị cáo Phạm Thị My thừa nhận do được giao nhiều nhiệm vụ trong quá trình xây dựng ngân hàng câu hỏi và không có nhiều thời gian thiết kế câu hỏi nên có in một vài ý tưởng được đánh dấu, đóng khung trong SGK để mang về nhà nghiên cứu chứ không phải là những câu hỏi cụ thể và đây là một sai sót do bị cáo suy nghĩ đơn giản.
Tại phiên tòa, Chủ tọa Nguyễn Đình Tiến khẳng định, dù ý tưởng chỉ sơ khai và được ghi ra giấy nhưng theo quy định của phát luật về bảo mật đề thi thì bất cứ một tài liệu nào cũng không được đưa ra khỏi khu vực.
Liên quan đến cáo buộc các bị cáo dùng các câu hỏi đã được đưa vào ngân hàng câu hỏi thi để ôn thi cho 8 học sinh lớp 12 "có mối quan hệ họ hàng, quen biết", bà My cũng phủ nhận điều này.
Bị cáo Phạm Thị My nói không sử dụng các tập tài liệu chuyển cho bị cáo Sâm để dạy cho học sinh: “Bị cáo chỉ sử dụng những đề thi năm trước được Bộ GD-ĐT công bố và những đề được bị cáo biên soạn trong quá trình đi dạy để ôn luyện cho học sinh. Việc biên soạn câu hỏi nằm trong chương trình sách giáo khoa nên cũng không tránh khỏi sự trùng lặp về nội dung”.
Bà My cũng khai nhận, trong số 4 học sinh được bị cáo hỗ trợ giảng dạy, ôn tập có một em là con của một cán bộ thuộc Bộ GD-ĐT. Trong quá trình ôn tập cho học sinh, bị cáo có chuyển một số tập tài liệu cho học sinh này ôn tập.
Tại phiên tòa, bà Y. và cháu N., thừa nhận năm 2021, bị cáo Phạm Thị My có nhận giảng dạy, kèm cặp cháu N. ôn thi môn Sinh học. Đồng thời có nhận tập tài liệu ôn tập của bà My. Tuy nhiên cả bà Y. và cháu N. đều không nhớ nội dung tài liệu có trùng với đề thi chính thức của Bộ hay không.
Hội đồng xét xử giải thích, dù vô tình hay hữu ý, bà My với trách nhiệm tổ phó xây dựng ngân hàng câu hỏi thi, những câu hỏi đã đưa vào đề, không được phép mang giảng dạy.
Tại phần luận tội, đại diện VKS đánh giá thái độ của bà Phạm Thị My còn quanh co, chưa thành khẩn, do đó đề nghị mức án 15-18 tháng tù và ông Bùi Văn Sâm một năm cải tạo không giam giữ, do có tình tiết thành khẩn, tuổi cao.