Sáng nay (25/10), Hội thảo quốc gia Phát triển kinh tế số bền vững đã được tổ chức tại Trường ĐH Mở Hà Nội. Hội thảo có sự tham gia của hơn 200 nhà khoa học từ các trường đại học, viện nghiên cứu trong lĩnh vực kinh tế - công nghệ trên cả nước.

Cân bằng phát triển kinh tế số và tăng trưởng bền vững

Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số, Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định chuyển đổi số là phương thức mới có tính đột phá rút ngắn quá trình Công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước, góp phần phát triển kinh tế bền vững nói chung và kinh tế xanh nói riêng.

Kinh tế số là hoạt động kinh tế trên môi trường mạng, rút ngắn quá trình triển khai các mô hình kinh tế cũ. Chuyển đổi số và kinh tế số giúp hạn chế sử dụng các nguồn nhiên liệu hóa thạch như xăng dầu, than đá... góp phần giảm phát thải khí nhà kính. Chuyển đổi số và kinh tế số dựa trên tư liệu sản xuất mới là dữ liệu. Dữ liệu không mất đi như tài nguyên thiên nhiên mà còn sinh ra trong quá trình hoạt động, làm cho thiết bị trở nên thông minh hơn và giúp đỡ con người nhiều hơn.

Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông được Chính phủ giao nhiệm vụ thúc đẩy kinh tế số trên cả nước. Thời gian qua, Bộ đã triển khai và trình Chính phủ ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật. Đặc biệt là trình Quốc hội ban hành Luật giao dịch điện tử (sửa đổi).

Luật giao dịch điện tử có hiệu lực thi hành từ 1/7/2024. Hiện, Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ ngành liên quan đang soạn thảo nghị định hướng dẫn Luật và các thông tư để sớm đưa Luật giao dịch điện tử (sửa đổi) vào hiện thực, thúc đẩy kinh tế số phát triển bền vững.

Theo ông Trần Minh Tuấn, tốc độ phát triển kinh tế số của Việt Nam hiện nay gấp 3 lần tốc độ phát triển GDP. Tốc độ phát triển kinh tế số như vậy sẽ kéo tốc độ phát triển GDP cao hơn.

Mặc dù kinh tế số không gây hại nhiều cho môi trường nhưng ông Tuấn khẳng định bản chất của kinh tế số vẫn là sử dụng nhiều năng lượng. Các trung tâm dữ liệu ở các nước phát triển thế giới hiện nay tiêu thụ 2-3% tổng năng lượng quốc gia. Trong khi đó, Việt Nam đang tiêu xài gần 1% năng lượng điện quốc gia. Vỏ carton của hệ thống thương mại điện tử cũng gây rác thải không cần thiết. Thời gian tới Bộ Thông tin truyền thông, Bộ Công thương và các bộ liên quan sẽ có hướng dẫn các nhà thương mại điện tử sử dụng vật liệu đóng gói thân thiện môi trường.

Từ thực tế đó, ông Tuấn mong muốn, các nhà khoa học sẽ đóng góp ý kiến cho cơ quan chức năng và doanh nghiệp tại Hội thảo để đẩy mạnh ưu điểm và khắc phục hạn chế của nền kinh tế số.

5 giải pháp thúc đẩy thương mại điện tử bền vững

Thương mại điện tử được xem là lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số. Tuy nhiên, môi trường kinh doanh hiện nay có nhiều yếu tố khó lường, chẳng hạn đại dịch Covid-19 đã khiến hàng loạt doanh nghiệp phá sản, tình hình chiến tranh,địa chính trị thế giới cùng với xu hướng vũ khí hóa chính sách kinh tế, lạm dụng cấm vận, phá giá tiền tệ... Nhu cầu thị thường suy giảm, các doanh nghiệp truyền thống ngày càng thu hẹp vì lệ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Điều này đòi hỏi cần có phương pháp kinh doanh mới, kênh bán hàng mới, quy trình kinh doanh mới, các mô hình thương mại điện tử mới để tối đa hóa năng suất lao động.

Trao đổi tại Hội thảo, ông Nguyễn Bình Minh, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội thương mại điện tử -VECOM cho rằng, các doanh nghiệp đang đối mặt với những rào cản trong quá trình chuyển đổi số như: thiếu kỹ năng và nhân lực (17%), Thiếu nền tảng công nghệ thông tin cho chuyển đổi số (16,7%), thiếu tư duy kỹ thuật số, các thách thức về văn hóa trong doanh nghiệp (15,7%), thiếu năng lực kết nối vận chuyển, thiếu nguyên liệu và nguồn lực sản xuất kinh doanh, thiếu niềm tin của khách hàng, trải nghiệm khách hàng hạn chế.

Trong khi người tiêu dùng chuyển đổi số nhanh, cộng đồng người tiêu dùng trực tuyến tăng nhanh thì nhiều doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ vai trò chuyển đổi số trong cuộc Cách mạng 4.0. Trình độ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo còn thấp...

Ông Nguyễn Bình Minh đưa ra 5 giải pháp kinh doanh thương mại điện tử bền vững bao gồm: Kinh doanh thương mại điện tử có trách nhiệm, hàng hóa có chất lượng và có truy xuất nguồn gốc, bảo vệ môi trường; Đào tạo kiến thức thương mại điện tử bền vững cho các doanh nghiệp; Phối hợp nhiều công cụ số, phát triển các nền tảng kinh doanh số; Đẩy mạnh chuyển đổi số các địa phương, thu hẹp khoảng cách giữa các khu vực; Hoàn thiện hành lang pháp lý về thương mại điện tử, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Bên cạnh những yếu tố thuận lợi và cơ hội, Việt Nam hiện đang đối mặt với nhiều rào cản trong quá trình phát triển kinh tế số, đặc biệt là vấn đề phát triển bền vững - bao gồm phát triển đồng đều cả về kinh tế, xã hội và đảm bảo về môi trường.

PGS.TS Nguyễn Thị Nhung, Hiệu trưởng Trường ĐH Mở Hà Nội cho rằng, Hội thảo không chỉ dừng lại ở việc chia sẻ, trao đổi học thuật, kết nối hợp tác mà là còn góp phần xác định những vấn đề, góp phần đưa ra giải pháp hiệu quả để nhanh chóng áp dụng vào thực tế. Qua đó, tạo hành lang thúc đẩy gắn kết, hợp tác trong các hoạt động chuyên môn sắp tới. Đồng thời, lan tỏa tri thức, kiến thức mới, tạo động lực học tập, nghiên cứu khoa học cho học viên, sinh viên của Trường Đại học Mở Hà Nội và các trường bạn.

"Hội thảo hôm nay sẽ tiếp nối cho giai đoạn mới của Nhà trường trong việc phát triển mạnh mẽ hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ phục vụ cộng đồng, đặc biệt phát triển kinh tế số bền vững theo các mục tiêu của Chương trình chuyển đổi số quốc gia nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị và khả năng cạnh tranh nhưng vẫn đảm bảo các yêu cầu của phát triển bền vững", PGS.TS Nguyễn Thị Nhung khẳng định./.