Hội thảo "Đào tạo nguồn nhân lực Văn hóa Hà Nội phục vụ Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại" vừa diễn ra ngày 22 tháng 11 tại trường ĐH Thủ đô Hà Nội tập trung nêu bật những thách thức và đề ra những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực văn hóa ở các lĩnh vực: quản lý và bảo tồn di sản văn hoá Thủ đô, giáo dục, du lịch và kinh tế của Thủ đô…

Đây là một trong những hoạt động trong chuỗi sự kiện hòa cùng không khí sôi nổi của Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023 đang diễn ra ở nhiều quận huyện của Thủ đô Hà Nội từ ngày 17 đến hết ngày 26/11/2023; cùng chuỗi hoạt động kỷ niệm 78 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 65 về Bảo tồn di sản Văn hóa (23-11-1945 / 23-11-2023) và kỷ niệm 18 năm ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23-11-2005 / 23-11-2023".

Hội thảo đã nhận được tổng cộng 18 bài viết, tham luận, trong đó, số bài viết của nhà khoa học, giảng viên trong và ngoài trường ĐH Thủ Đô Hà Nội, cùng nhiều ý kiến góp ý đầy trách nhiệm của các chuyên gia, các cán bộ quản lý các đơn vị văn hóa, báo chí, truyền thông.

Các bài viết, các tham luận đều tập trung làm rõ các nội dung chính mà chủ đề hội thảo “Đào tạo nguồn nhân nhân lực văn hoá Hà Nội phục vụ xây dựng Thủ đô Văn hiến – Văn minh – Hiện đại” đề cập. Đó là những vấn đề như: Những vấn đề chung của việc đào tạo và nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực văn hóa trên thế giới, Việt Nam nói chung và ở Hà Nội nói riêng; Cơ sở lý luận và định hướng đào tạo nguồn nhân lực văn hóa để đáp ứng nhu cầu xã hội nói chung, Thủ đô Hà Nội nói riêng; Thực trạng về yêu cầu nguồn nhân lực văn hóa, nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực văn hóa cũng như thực trạng đào tạo nguồn nhân lực văn hóa hiện nay; Các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực văn hóa ở các lĩnh vực: quản lý và bảo tồn di sản văn hoá Thủ đô, giáo dục, du lịch và kinh tế của Thủ đô…

Các bài viết đã phân tích rõ vị thế của Thăng Long - Hà Nội với yếu tố hội tụ và lan tỏa, đã tạo nên các thành tố của cụm từ " Văn hiến - Văn minh - Hiện đại "ở mảnh đất chắt lọc những giá trị tinh hoa của cả dân tộc. Nói đến Hà Nội "Văn hiến "thì các bài viết đã toát nên nội hàm phải gồm hai thành tố cơ bản là Văn hóa và con người hào kiệt của vùng đất này trải qua nhiều thế hệ. Trong đó vai trò của con người là chủ thể kiến tạo làm nên nền Văn hiến Thăng Long - Hà Nội.

Từ cái cốt lõi ấy, mục tiêu của Hội thảo được xác định cụ thể: làm rõ cơ sở lý luận và định hướng đào tạo nguồn nhân lực văn hóa để đáp ứng nhu cầu xã hội nói chung, Thủ đô Hà Nội nói riêng; tìm hiểu nhu cầu của Hà Nội về nguồn nhân lực văn hóa, thực trạng về nguồn nhân lực văn hoá trong lĩnh vực quản lý và bảo tồn di sản văn hoá Thủ đô trong bối cảnh hiện nay. Trên cơ sở đó luận bàn sâu về vấn đề đào tạo nguồn nhân lực văn hoá phục vụ xây dựng Thủ đô Văn hiến – Văn minh – Hiện đại.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến phát biểu đã tập trung vào vấn đề xây dựng môi trường văn hóa, xây dựng nguồn lực và phát triển công nghệ số. TS Nguyễn Văn Lưu, nguyên vụ trưởng vụ Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh ý chính trong tham luận của mình: “cần tập trung vào 3 khái niệm liên quan đến môi trường văn hóa, mỗi hoạt động đều phải đặt trong một môi trường nhất định chứ không thể thoát ly khỏi môi trường được. Thứ hai là thoát ly khỏi cơ cấu và đặc điểm của môi trường văn hóa du lịch. Thứ ba là tiêu chí đánh giá môi trường văn hóa du lịch.”

Văn minh của Hà Nội được nhìn trong hình thế động, trải qua các giai đoạn lịch sử và khái niệm người Hà Nội văn minh phải nhìn dưới mọi góc độ, nó đòi hỏi phải có nguồn lực con người học tập suốt đời để xây dựng Thủ đô thông minh, sáng tạo. Khi nói đến Hà Nội hiện đại ngày nay là phải nói đến việc bắt nhịp với cuộc cách mạng 4.0, rút ngắn khoảng cách, tận dụng thời cơ và hạn chế những tác động tiêu cực trong một Hà Nội hiện đại. Nhà báo Lại Bá Hà, Báo Hà Nội Mới nói: “Vấn đề đào tạo nguồn nhân lực như thế nào để phục vụ được cho các hoạt động trong câu chuyện chúng ta đang bàn thì vấn đề hội thảo của trường đặt ra hôm nay rất đúng mục tiêu. Nếu chúng ta làm tốt cho Thủ đô sẽ phục vụ tốt cho sự phát triển chung. So với yêu cầu thì hiện nay chúng ta chưa đáp ứng được, trong khi tiềm năng rất lớn. Công tác đào tạo cán cộ văn hóa từ các cơ sở đến quận huyện còn bất cập. Nguồn cán bộ chất lượng cao còn thiếu, nhất là nguồn tham gia sáng tạo văn hóa rất là thiếu”.

TS Đinh Thị Kim Thương, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội chia sẻ: “Chương trình chuyển đổi số của Hà Nội năm 2021 trong đó xác định 3 trụ cột chính là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số và đưa ra 5 giải pháp để chuyển đổi nhận thức, phát triển hạ tầng nền tảng số , thông tin giữ liệu chuyển tải số an toàn an ninh mạng; Đặc biệt nhấn mạnh cuối cùng là đào tạo, phát triển nguồn nhân lực là đúng chủ đề của chúng ta hôm nay. Vấn đề đặt ra với ngành du lịch Hà Nội là gì, chính là đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số.”

Nói đến Hà Nội hiện đại phải nói đến kinh tế tri thức. Muốn có kinh tế trí thức phải có con người có tri thức và vận dụng tri thức đó đóng góp vào quá trình hiện đại hóa Thủ đô. Các ý kiến đều đồng thuận cho rằng nguồn lực văn hóa là số 1 quyết định đến phát triển Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại. PGS.TS Lê Thị Bích Hồng, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa Văn nghệ Ban Tuyên giáo TƯ nêu: “Ở đây các đại biểu, các nhà khoa học đã nói rất nhiều về đặt văn hóa ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội.v.v… Tôi trở lại với việc xây dựng văn hóa, con người. Có thể nói, trường Đại học Thủ đô của chúng ta đã có một nguồn lực rất lớn, một trung tâm kinh tế chính trị, văn hóa của cả nước. Hà Nội hội tụ tất cả những giá trị văn hóa, luôn luôn tiếp nhận, lưu truyền cái gì là tinh hoa nhất. Chương trình 06 tôi thấy rất hay, đặt ra vấn đề xây dựng nguồn nhân lực trong đó nhấn mạnh yếu tố con người.

Những ý kiến tham luận và góp ý tại hội thảo đã được TS Đỗ Hồng Cường, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐ Trường đánh giá cao và kết luận: “Hội thảo đi đến thống nhất một số vấn đề cơ bản:

Thứ nhất đào tạo nguồn nhân lực văn hóa tại trường Đại học thủ đô Hà Nội phục vụ thủ đô văn minh, hiện đại là hết sức cần thiết, phù hợp với định hướng của Đảng, nhà nước, Thành ủy, UBND Hà Nội, đặc biệt là Nghị quyết 15 của Bộ chính trị.

Thứ hai là đào tạo nguồn nhân lực văn hóa của trường Đại học Thủ đô Hà Nội, một trường công lập, một trường đị học công lập duy nhất của thành phố, cung cấp nguồn nhân lực trực tiếp cho Hà Nội, cho thủ đô, vì vậy cần có sự kết hợp giữa các đơn vị sử dụng lao động, các cơ quan quản lý chuyên môn để phù hợp với nhu cầu của thị trường Hà Nội.

Thứ ba là các giải pháp định hướng cho sinh viên, cần tăng cường kiến thức chuyên môn, hiểu biết về Hà Nội, phải làm sao cho sinh viên có tình yêu nghề, đạo đức nghề nghiệp và một tình yêu Hà Nội”./.