Năm học 2023-2024 sắp bắt đầu. Đây cũng là năm thứ 3 thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở cấp THCS. Tuy nhiên, những bất cập khi triển khai các môn học tích hợp vẫn làm “nóng” dư luận.

Tại buổi làm việc của Đoàn giám sát của Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn thừa nhận việc triển khai môn tích hợp là "một thách thức lớn đang đặt ra”. Đồng thời, nêu ra 2 con đường cho các môn tích hợp: một là quay về như cũ thành các đơn môn; hai là vẫn kiên trì đổi mới...

Tuy nhiên, theo Chuyên gia giáo dục PGS.TS Chu Cẩm Thơ, khi chuẩn bị cho chương trình 2018, chúng ta đã tổ chức nhiều hội thảo và nghiên cứu cho thấy muốn tiệm cận thế giới và phát huy được năng lực của HS thì phải dạy học tích hợp theo cả 2 nghĩa: phương pháp dạy học tích hợp và nội dung dạy học tích hợp.

“Nếu chúng ta mong muốn thực hiện được đổi mới, phát triển nhân lực quốc gia sẵn sàng trong bối cảnh cách mạng công nghiệp, đáp ứng các yêu cầu thích nghi và giải quyết vấn đề thì không thể nào đi lại lối mòn cũ chỉ dạy môn học thiên về kiến thức. Chúng ta sẽ phải kiên trì đổi mới cả về phương pháp dạy học tích hợp và tích hợp cả nội dung dạy học”, PGS.TS Chu Cẩm Thơ bày tỏ quan điểm.

Điều kiện cho dạy học tích hợp chưa được đầu tư thỏa đáng

Tuy nhiên, PGS.TS Chu Cẩm Thơ thẳng thắn, thực hiện dạy học tích hợp theo chương trình mới nhưng các nhà trường chưa có đủ điều kiện dạy và học theo chương trình mới. Hầu hết các trường hiện nay vẫn chưa được trang bị điều kiện dạy học cho môn Khoa học tự nhiên.

"Tôi chứng kiến đồng nghiệp đi học hứng khởi với các chu trình đào tạo của ETEP, của các trường ĐH Sư phạm nhưng họ về không có điều kiện để giảng dạy trong thực tiễn”, bà Thơ chia sẻ.

Nhiều giáo viên được đào tạo nhưng lớp đào tạo mới chỉ khai vỡ. Còn đào tạo "thực chiến" vẫn hạn chế, thậm chí nhiều địa phương chưa thực hiện đào tạo thực chiến.

PGS.TS Chu Cẩm Thơ cho rằng, những điều kiện để triển khai dạy học tích hợp đã được vạch ra, những khó khăn cũng được nhìn nhận nhưng thực tế chưa được khắc phục và đầu tư thỏa đáng.

“Nếu nói nút thắt ở đâu thì đó là lời hứa chưa được thực hiện của các cấp chính quyền địa phương về quyết tâm thực hiện chương trình mới. Điều này không chỉ ở môn Khoa học tích hợp mà còn ở nhiều bộ môn khác”, bà Thơ thẳng thắn.

Thừa nhận có những khó khăn mang tính thời điểm như dịch Covid ảnh hưởng đến quá trình đào tạo giáo viên, khó khăn tài chính dẫn đến trì trệ khâu đầu tư, song PGS.TS Chu Cẩm Thơ nhấn mạnh đó không phải vấn đề căn cốt. “Vấn đề chính là chúng ta chưa thực hiện đầu tư đầy đủ nguồn lực con người và nguồn lực cơ sở vật chất”.

Nói thêm về điều kiện triển khai dạy tích hợp, bà Thơ đánh giá tài liệu mà các thầy cô dùng trong nhà trường hiện nay là SGK chưa thể hiện được yêu cầu về tích hợp.

Mong muốn từ lúc làm chương trình, tích hợp bao gồm cả phương pháp dạy học và nội dung dạy học. chúng ta đã hình dung HS được học thông qua các chủ đề, dự án học tập, các kiến thức môn học được nhuyễn vào với nhau để các em có điều kiện nhìn thấy tổng thể khoa học trong đời sống như thế nào.

Trao đổi về thực tiễn triển khai dạy tích hợp bậc THCS 2 năm học vừa qua, thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie Hà Nội cho rằng, dù chủ trương tích hợp nhưng từ người viết sách đến thẩm định, giáo viên dạy và HS học hoàn toàn như cũ.

“Về viết sách, nhóm Sử vẫn viết sử, Địa viết Địa, đến thẩm định nhóm thẩm định Lịch sử thì thẩm định Lịch sử, nhóm thẩm định Vật lý thì thẩm định Vật lý”.

Tại các trường THCS, trước đây 2 cuốn Sử và Địa độc lập thì bây giờ ghép vào một cuốn SGK nửa trước là Lịch sử, nửa sau là Địa lý, in bìa chung, có tên Lịch sử và Địa lý. Theo thầy Khang, đây là sự ghép môn học chứ không phải tích hợp.

Với môn Khoa học tự nhiên, theo hiệu trưởng Marie Curie Hà Nội cho biết, lớp 6-7 trộn theo kiểu “xôi đỗ”, các bài Lý, Hóa, Sinh không theo trật tự. Mỗi chương đều có nội dung riêng biệt của từng phân môn. Sang lớp 8, SGK Khoa học tự nhiên chia thành 3 phần rõ rệt: Hóa học, Vật lý, Sinh học.

Thực tế triển khai cho thấy, ở lớp 6-7 môn Khoa học tự nhiên rất khó xếp thời khóa biểu và phân công GV Lý dạy Lý, Hóa dạy Hóa, Sinh dạy Sinh. “Thời gian đầu, chúng tôi lúng túng, xếp thời khóa biểu và phân công giáo viên thay đổi theo từng tuần”.

Ông Khang cho biết, đến nay tất cả GV của trường đã được cấp chứng chỉ hoàn thành chương trình bồi dưỡng GV dạy môn Khoa học tự nhiên. Ở lớp 6-7 GV dạy cả 3 phân môn Lý, Hóa, Sinh. Tuy nhiên, hiệu trưởng Marie Curie nêu thực tế GV "gốc Lý" thì rất vất vả và thiếu tự tin khi phải dạy Hóa, Sinh và ngược lại.

Trong khi đó, dạy Khoa học tự nhiên với HS lớp 8 thì GV gốc Lý vẫn dạy Lý, Hóa dạy Hóa, Sinh dạy Sinh.

Chia sẻ về “số phận” của môn tích hợp, thầy Khang cho rằng, hiện nay chưa có lứa nào GV đào tạo chính quy tích hợp, thậm chí chưa tuyển sinh một lứa nào, lực lượng chủ yếu hiện day dạy 2 môn tích hợp THCS là các GV từ 25-45 tuổi. Nếu kiên trì để có đội ngũ GV phù hợp dạy tích hợp thì 20-30 năm nữa mới có lực lượng đào tạo chính quy thay thế lực lượng hiện tại. Lúc đó, thậm chí lại có cuộc đổi mới giáo dục nữa.

Do đó, quan điểm của thầy Khang là thực hiện quay trở về đơn môn. “Về hình thức có vẻ đổi mới thất bại nhưng về thực chất đã làm được gì đâu mà thất bại”, thầy Khang nói.

Không thể để mất quyết tâm đổi mới

Đồng cảm với những khó khăn về sắp xếp nhân lực dạy tích hợp, song PGS.TS Chu Cẩm Thơ cho rằng chúng ta không chỉ đợi chờ những giáo viên tốt nghiệp ở các trường sư phạm mới có năng lực dạy học tích hợp.

Bởi, kiến thức ở THCS không phải kiến thức quá chuyên ngành đến mức các thầy cô không thể thực hiện. Theo bà Thơ, thành công của các trường học khi dạy tích hợp cho thấy phải phân định lại mức độ các trường học tiến tới việc dạy tích hợp.

“Ví dụ, thay vì tất cả các giờ học đều phải dạy từng đơn môn thì sự quyết tâm của các nhà trường là mỗi kỳ học phải làm được một dự án học tập cho HS. Đây là điều trong tầm tay. Lúc đó, tổ chuyên môn hoàn toàn có thể xây dựng kịch bản dạy học để các thầy cô tiến hành. HS có thể học tập theo dự án, theo chủ đề của các bài học khớp lại với nhau một cách nhuyễn, ít nhất là 1- 2 lần/năm.

Chúng ta hoàn toàn có thể thiết kế được những đánh giá về tích hợp ở mỗi cuối kỳ và mỗi một năm học nếu tổ bộ môn hoạt động chuyên môn đầy đủ”, PGS.TS Chu Cẩm Thơ dẫn kinh nghiệm của những trường học đã triển khai được dạy tích hợp.

"Tôi thấy sự phấn khởi ở những nhà trường tích cực đổi mới, họ đã làm thành công dạy học tích cực bằng phương pháp từ trước khi có chương trình mới, và bây giờ họ tiến thêm một bước nữa đó là thực hiện chương trình bao gồm cả nội dung và phương pháp dạy học", bà Thơ nêu thực tế.

“Ít nhất phải đặt sự thay đổi từ phương pháp, sau đó thay đổi dần về nội dung và thay vì mức độ 100% thì đặt ra mức độ 20%, 30% và hơn thế nữa... Dự án học tập và đánh giá nội dung hoàn toàn có thể làm được trong phạm vi nhà trường”.

Bà Thơ cho rằng, các đơn vị biên soạn SGK, bồi dưỡng giáo viên cũng cần nhìn nhận trách nhiệm của mình trong sự thay đổi. SGK không thể “chốt” cứng qua từng năm, phải có sự phục vụ đối với yêu cầu của thực tiễn. Đối với các trường đào tạo sư phạm cần làm tốt hơn cam kết từ đào tạo ngắn hạn đến đào tạo dài hạn.

“Giáo viên từng học qua chương trình của ETEP, chương trình tích hợp đang chờ mong sự quyết tâm này để họ có đất dụng võ, nếu không họ sẽ mất niềm tin vào Khoa học giáo dục và niềm tin với nhân lực của chúng ta”.

Trước câu hỏi có nên "lối cũ ta về" với việc dạy học tích hợp, bà Thơ cho rằng dù điều kiện dạy học tích hợp chưa chín muồi nhưng chúng ta không thể để mất cơ hội của học sinh, không để mất quyết tâm đổi mới. "Tôi giữ nguyên quan điểm kiên trì đổi mới vì mục tiêu nguồn nhân lực của quốc gia".

Chúng ta không thể nghĩ mình không thể làm. Những trường thành công cho thấy mặt mạnh của đội ngũ và cũng nhìn thấy khoảng trống để bù lấp. "Tôi mong muốn các đồng nghiệp của tôi kiên trì để chúng ta có thể làm từng bước, nhìn thấy học sinh của mình thay đổi qua từng bài học. Chúng ta sẽ phải áp lực trở lại đơn vị quản lý, cơ quan chức năng để thực hiện đúng cam kết với nhân dân chứ không nên bỏ dở giữa chừng", PGS.TS Chu Cẩm Thơ nhấn mạnh./.