Bối rối vì phải thay đổi lớp học thêm

Trước Tết, lớp học thêm môn Văn của Ngọc Trâm, học sinh lớp 12 ở Hà Nội bất ngờ khi cô giáo thông báo dừng học trực tiếp. 15 học sinh của lớp này vừa là học sinh của cô, vừa là học sinh trường khác chuyển học sang online. "Cô nói thời gian này tạm thời học trực tuyến để đợi cô ký hợp đồng với trung tâm", Ngọc Trâm kể.

Việc chuyển sang học online ảnh hưởng không nhỏ tới kế hoạch học tập của Trâm khi chỉ còn 4 tháng nữa là thi tốt nghiệp. "Kế hoạch ôn thi của em phụ thuộc phần lớn vào học thêm".

Ngoài giờ học trên lớp, Ngọc Trâm học thêm hết cả tuần, trống mỗi Chủ Nhật. Với các môn Toán, Lý dù thầy cô chưa có thông báo gì song Trâm lo lắng vì em học thêm chủ yếu tại nhà giáo viên. "Em đã quen học với giáo viên đó rồi. Bây giờ mà thầy cô không dạy nữa thì sẽ rất khó để tìm giáo viên phù hợp hơn", Trâm nói.

Chị Minh Nguyệt ở Phương Mai, Đống Đa, Hà Nội cũng hốt hoảng khi nghe các giáo viên thông báo dừng việc dạy thêm từ ngày 14/2. Con gái chị năm nay thi vào lớp 10. Trước đó cháu có 3 buổi chiều học thêm ở trường và phần lớn học thêm ở nhà các thầy cô. Các giáo viên này đều dạy con gái chị Nguyệt trên lớp. Chị Minh Nguyệt nói việc này thuận tiện vì con đã quen cách dạy, thầy cô cũng nắm rõ điểm mạnh – điểm yếu của con để ôn luyện. Khi không được học thêm giáo viên của mình, chị Nguyệt tính tìm trung tâm dạy thêm nhưng cảm thấy không yên tâm. Còn kèm con học lại là phương án bất khả thi của chị và gia đình.

TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng cho rằng việc dạy thêm, học thêm bấy lâu nay đang làm xói mòn khả năng tự học của học sinh. Điều này trái với quy luật phát triển. Hiện nay cha mẹ và bản thân học sinh chưa tin vào mình, chưa đi theo con đường tự học. Vì vậy, các nhà trường phải hướng dẫn học sinh cách tự học. Đây cũng là mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

“Phải quan niệm Thông tư 29 là phép thử để buộc các trường phải thay đổi”, thầy Tùng Lâm khẳng định nhưng cũng nhìn nhận thực tế bấy lâu nay các trường chưa chuẩn bị tích cực để học sinh biết cách tự học. Trong khi việc thay đổi cần cả quá trình.

Thông tư 29 đã đưa ra những chủ trương khoa học, nhân văn, nhằm giải quyết những hiện tượng tiêu cực của “căn bệnh” dạy thêm, học thêm vốn tồn tại kinh niên. Dù vậy, giữa mục tiêu lý tưởng và thực tế đang có những rào cản nhất định.

Hiện nay, chúng ta đang nặng học vì bằng cấp, bảng điểm, học để chọn trường lớp, phục vụ những mục tiêu trước mắt. Điều này biến “cuộc chiến” với dạy thêm, học thêm không có hồi kết vì đây là nhu cầu thực tế. Hơn nữa, tình trạng thiếu trường lớp, chất lượng trường lớp không đồng đều tạo ra tình trạng chạy đua để vào được trường tốt hơn.

Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng cho rằng các sở GD-ĐT phải chỉ đạo sát hơn, yêu cầu giáo viên phải giúp đỡ HS học sinh biết cách tự học chứ không phải lấy thời gian học thêm làm chính. Các trường có thể hướng dẫn học sinh dạy nhau, học sinh giỏi biết cách tự học rồi thì hướng dẫn cho những bạn yếu hơn.

Băn khoăn nguồn chi trả cho giáo viên dạy thêm trong nhà trường

Cô Nguyễn Bội Quỳnh, hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức cho biết, lâu nay nhà trường không tổ chức dạy thêm. Việc phụ đạo cho học sinh yếu kém hoàn toàn miễn phí. Kinh phí chi trả cho giáo viên theo quy chế chi tiêu nội bộ bằng ngân sách nhà nước. Với các giáo viên dạy thêm ngoài nhà trường, Việt Đức cũng đã tổ chức họp để quán triệt về Thông tư 29.

"Tôi đã thông báo tới tất cả các thầy cô nội dung của thông tư, các thầy cô cũng nắm rõ được quy định hướng dẫn, không được dạy thêm thế nào, nếu muốn dạy thêm thì phải có những quy định gì. Tới đây, trong cuộc họp của Hội đồng sư phạm tôi một lần nữa nói rõ hơn về nội dung này", cô Quỳnh chia sẻ.

Theo Thông tư 29, dạy thêm trong nhà trường chỉ thực hiện với ba nhóm học sinh: có kết quả chưa đạt ở một môn bất kỳ trong học kỳ liền kề; được chọn bồi dưỡng học sinh giỏi; học sinh cuối cấp. Việc dạy thêm này hoàn toàn miễn phí. Ủng hộ chủ trương của Thông tư 29, thầy Hà Quang Vinh, hiệu trưởng Trường THPT Đức Hợp, Hưng Yên cho biết nhà trường chuyển việc dạy thêm vào các buổi chiều sang dạy 3 nhóm học sinh theo quy định của thông tư.

Nhà trường cũng yêu cầu thầy cô dạy khối 12 sẽ đảm bảo tốt nhất kiến thức nền tảng các buổi học chính khóa buổi sáng. Ngoài ra, thầy cô hướng dẫn phương pháp tự học tại nhà, nhà trường cố gắng triển khai ôn tập cho các con sau ngày 14/2 trong điều kiện có thể của nhà trường với tinh thần vì học sinh.

"Trước hết, động viên thầy cô đây là trách nhiệm đảm bảo đầu ra với học sinh của mình chứ còn đến giờ này chúng tôi chưa xác định nguồn hỗ trợ kinh phí các thầy cô". Theo thầy Vinh, trước đây 80% nguồn kinh phí từ dạy thêm trong nhà trường được chi trả cho giáo viên. Còn lại chi cho các hoạt động quản lý, điều hành và tu bổ cơ sở vật chất...

Còn tại Trường THPT Bùi Thị Xuân, TP.HCM, thầy hiệu trưởng Huỳnh Thanh Phú đã quán triệt tới tất cả giáo viên thực hiện đúng pháp luật. Tuy nhiên, thầy Phú băn khoăn, tháng 6 là tháng nghỉ hè. Nếu yêu cầu ôn tập cho học sinh thi tốt nghiệp THPT hoặc thi lớp 10 mà không thu phí thì người đứng đầu nhà trường làm sao tập hợp thầy cô? Hơn nữa, theo luật lao động, làm việc trong ngày nghỉ thì nhân 3 thu nhập. Như vậy, nguồn ngân sách ở đâu mà trả cho thầy cô trong khi nguồn ngân sách của năm học đã có sẵn.

"Nếu như chúng tôi được cấp bù ngân sách để thực hiện nhiệm vụ này thì cái chuyện đó hết sức là bình thường nhưng mà không có thì phải cho xã hội hóa. Trách nhiệm của nhà trường là giảng dạy, còn trách nhiệm của phụ huynh là hỗ trợ một phần dựa trên tinh thần tự nguyện".

Thầy Tùng Lâm cũng cho rằng cần phải có ngân sách để trả tiền công cho giáo viên làm thêm giờ. Nhà nước phải cấp thêm ngân sách hoặc cần có quỹ của địa phương hỗ trợ cho việc này.

Để Thông tư đi vào cuộc sống

Nguyên nhân gốc rễ của dạy thêm học thêm đến từ áp lực quá lớn của các kỳ thi và tâm lý "chạy đua" của phụ huynh. Cô Nguyễn Thị Vân Hồng, hiệu trưởng Trường THCS Chương Dương, Hà Nội chia sẻ. "Ở cấp THCS chúng tôi thì là áp lực lớn nhất hiện nay đó là kỳ thi vào lớp 10 THPT. Học sinh đang phải đối mặt với một kỳ thi có thể 1 chọn 3, 1 chọi 4. Đó là kỳ thi đấu loại mà nếu mình không học tốt, không hơn các bạn thì nguy cơ bị trượt là rất là cao. Điều này không chỉ khiến học sinh áp lực mà ông bà, cha mẹ cũng áp lực.

Ngoài ra, "ai cũng muốn có một suất vào cấp 3 công lập. "Rất ít người là nói rằng con tôi sẽ học dân lập ngay từ đầu hoặc là vào trường nghề". Cô Vân Hồng cho rằng, để hạn chế những tiêu cực từ dạy thêm học thêm, bên cạnh giải pháp hành chính, cần phải giảm áp lực từ các kỳ thi. Đồng thời, phụ huynh cũng giảm bớt kỳ vọng, so sánh "con người ta" để tạo ra những áp lực vô hình lên con mình.

Bên cạnh thực hiện Thông tư 29 từ ngày 14/2 tới đây, TS. Nguyễn Tùng Lâm cho rằng cần phải giải quyết một số vấn đề. Trước tiên là đảm bảo các nhà trường có chất lượng đồng đều, đủ số lượng trường học. Để làm được điều này, nhà nước có chính sách cách giao đất cho các nhà đầu tư tham gia vào xây dựng trường, góp phần tăng nhanh trường lớp. Đồng thời, khống chế được mức học phí. Hiện nay, các trường tư thục có mức học phí cao khiến trường công lập vẫn là ưu tiên hàng đầu. Sở dĩ học phí tư thục cao bởi họ phải đầu tư tiền đất, làm thủ tục... Mức học phí cao của trường tư thục để bù đắp cho các chi phí này. Vì vậy, việc giao đất cho nhà đầu tư để “công tư cùng làm” sẽ giúp khống chế mức học phí, tạo ra mặt bằng học phí phù hợp. Từ đó, người dân cho con theo học các trường tư với mức giá bình thường.

Bản thân học sinh, phụ huynh, giáo viên cũng phải nhận thức được mục tiêu dạy học theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 là phát triển năng lực phẩm chất mà cụ thể hóa là khả năng tự học. “Việc dạy thêm có thời hạn chứ không phải “ngày dài đêm thâu” từ cấp 1 lên ĐH. Chúng ta phải mạnh dạn thay đổi”. Ngoài ra đề thi sáng tạo, buộc học sinh phải vận dụng và không ai làm thay được sẽ góp phần hạn chế tình trạng dạy thêm tràn lan./.