Ngày 21/8/2024, Bộ Chính trị ký Kết luận số 91 tiếp tục triển khai Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo với nhiều nội dung quan trọng. Trong đó có nội dung “Từng bước đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học”. Dự thảo Đề án cấp quốc gia "Đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học giai đoạn 2025-2035, tầm nhìn 2045" hiện đã được xây dựng và lấy ý kiến lần thứ 4, dự kiến trình Chính phủ vào Quý 2 năm nay.

Ngày 23/4/2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục tổ chức Hội thảo lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Hội thảo do Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng chủ trì, với sự tham gia của các nhà khoa học, các đại diện lãnh đạo của 17 trường đại học sư phạm, đại học ngoại ngữ có đào tạo giáo viên dạy tiếng Anh và giáo viên dạy chuyên ngành bằng tiếng Anh, các trường mầm non và phổ thông trên khắp cả nước, đại diện của các cơ quan quốc tế như Hội đồng Anh, Văn phòng tiếng Anh khu vực (Đại sứ quán Mỹ- RELO).

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng phát biểu khai mạc đã nhấn mạnh vai trò quan trọng và quyết định của đội ngũ giáo viên trong việc thực hiện cũng như tạo cơ hội thành công của đề án.

“Lực lượng nhà giáo phải có đầy đủ năng lực chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm để thực hiện đề án. Cần thiết phải ban hành những chế độ, chính sách vừa thu hút, vừa giữ chân, vừa phát triển cùng chế độ đãi ngộ phù hợp với những đóng góp của các thầy cô giáo, các giảng viên tiếng Anh từ các cơ sở giáo dục đại học đến cấp phổ thông để thực hiện đề án này”, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh.

Hội thảo tập trung thảo luận, góp ý trực tiếp vào các nội dung của Dự thảo Đề án, góp phần đẩy nhanh tiến độ đưa Tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học giai đoạn 2025 - 2035, tầm nhìn đến năm 2045.

Trong phiên đầu tiên của hội thảo, các đại biểu nghe hai báo cáo khoa học từ đại diện trường đại học Sư Phạm Hà Nội và trường đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh.

Báo cáo “Đào tạo giáo viên dạy môn học bằng tiếng Anh, từ thực tiễn đến đề xuất chính sách” của PGS.TS Nguyễn Đức Sơn, Hiệu trưởng trường đại học Sư phạm Hà Nội khẳng định: Việc tiếng Anh từ một môn học trở thành ngôn ngữ thứ hai thực sự trở thành nhiệm vụ lớn với các trường khối sư phạm nói riêng, ngành giáo dục nước nhà nói chung.

“Từ cách tiếp cận của những người làm công tác đào tạo chúng tôi hoàn toàn nhất trí cách tiếp cận của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của Ban soạn thảo đề án trong việc đào tạo, bồi dưỡng và đưa giáo viên nhằm đưa tiếng Anh thực sự vào nhà trường trở thành điều kiện tiên quyết. Tiếng Anh thực sự trở thành ngôn ngữ sống khi học sinh sử dụng trong học tập, giao tiếp. Tại trường học phải có vai trò của giáo viên vì chính họ sử dụng với tư cách của công cụ, tổ chức cho học sinh sử dụng công cụ ngôn ngữ ấy cho quá trình học tập”, PGS.TS Nguyễn Đức Sơn chia sẻ quan điểm trong báo cáo đầu tiên.

Cụ thể, từ năm 2013 đến nay, dưới sự chỉ đạo của Bộ GDĐT, cùng với sự hỗ trợ thiết thực từ Đề án Ngoại ngữ Quốc gia, Trường ĐHSP Hà Nội đã triển khai nhiều chương trình đào tạo và bồi dưỡng giáo viên dạy bằng tiếng Anh, phát triển được hệ thống chương trình, học liệu, đội ngũ và tuyển sinh, đào tạo các ngành: Sư phạm Toán học (dạy bằng tiếng Anh), Giáo dục Tiểu học – Sư phạm Tiếng Anh, Giáo dục Mầm non – Sư phạm Tiếng Anh; từ năm 2014 mở rộng sang Sư phạm Vật lý, Sư phạm Hóa học, Sư phạm Sinh học và Sư phạm Tin học (dạy các môn này bằng tiếng Anh).

Theo PGS.TS Nguyễn Đức Sơn từ thực tiễn triển khai các chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy bằng tiếng Anh trong hơn một thập kỷ qua, Trường ĐHSP Hà Nội nhận thấy rằng: việc phát triển đội ngũ giảng viên, giáo viên giảng dạy các môn học, chuyên ngành bằng tiếng Anh cần được xác định là một trong những trọng tâm chiến lược, có ý nghĩa quyết định đối với việc thực hiện thành công các mục tiêu của Đề án.

Phát triển lực lượng giảng viên giảng dạy bằng tiếng Anh của trường đại học Sư phạm Hà Nội đặt ra yêu cầu 100% giảng viên đạt chuẩn bậc 4 trước 35 tuổi. Với tinh thần trách nhiệm cao và vai trò tiên phong, Trường ĐHSP Hà Nội cam kết đồng hành cùng Bộ GDĐT, sẵn sàng chia sẻ nguồn lực, đóng góp chuyên môn và kinh nghiệm thực tiễn để triển khai hiệu quả các nội dung của Đề án trong thời gian tới.

PGS.TS Nguyễn Đức Sơn đưa ra 7 đề xuất gồm: Đề án xác lập rõ vai trò và giải pháp phát triển đội ngũ giáo viên dạy môn học bằng tiếng Anh; Bổ sung mục riêng trong đề án về đào tạo và bồi dưỡng giáo viên dạy học chuyên ngành bằng tiếng Anh; Giao nhiệm vụ đầu mối cho một số trường đại học Sư phạm có năng lực thực tiễn, kinh nghiệm để mở rộng mô hình đào tạo giáo viên dạy tiếng Anh trên toàn quốc; Ưu tiên phát triển hệ thống học liệu bằng tiếng Anh phù hợp chương trình 2018; Bổ sung chỉ tiêu tuyển sinh và chính sách đặc thù với chương trình đào tạo giáo viên bằng tiếng Anh khối các trường sư phạm; Có chính sách học phí phù hợp, chế độ phụ cấp cho giáo viên, giảng viên giảng dạy bằng tiếng Anh cũng như hỗ trợ tài chính cho sinh viên học chương trình đặc thù.

TS Bùi Trần Quỳnh Ngọc, Phó hiệu trưởng trường đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định sau sửa đổi, chỉnh sửa, dự thảo lần thứ 4 của đề án đã thể hiện tinh thần đổi mới, có cách tiếp cận linh hoạt, phù hợp thực tiễn và hướng tới xây dựng hệ sinh thái tiếng Anh trong nhà trường.

Ứng dụng công nghệ vào dạy học ngoại ngữ giúp tăng hiệu quả 35% so với phương pháp truyền thống. Đây được xem như giải pháp giúp Việt Nam thu hẹp khoảng cách nhằm tiếp cận với chương trình tiếng Anh chất lượng cao. Trí tuệ nhân tạo theo bà Quỳnh Ngọc đang trở thành xu thế thế giới trong dạy và học ngoại ngữ. Công nghệ sẽ giúp học sinh xóa đi những hạn chế trong điều kiện kinh tế xã hội ở các vùng miền khác nhau.

Xã hội hóa giáo dục cũng được xem như một giải pháp nhằm tăng cơ hội học tập tiếng Anh cho học sinh.

“Thực tế dạy học tiếng Anh tại Việt Nam thời gian qua cho thấy việc kết hợp với các tổ chức có kinh nghiệm, truyền thống dạy tiếng Anh của nước ngoài đã đem lại những hiệu quả tích cực, giúp hàng nghìn giáo viên tiếp cận với phương thức dạy học tiên tiến”, bà Quỳnh Ngọc nêu ví dụ.

Việc dạy học ngoại ngữ khác biệt về nhiều góc độ nên không thể áp dụng chung một mô hình giảng dạy cho tất cả nhóm địa phương, nhóm trường. Từ đây báo cáo đưa ra đề xuất xây dựng lộ trình cho từng nhóm đối tượng như đô thị và nông thôn, trường chuyên và trường công lập, dân lập, tư thục…Các địa phương có điều kiện thuận lợi có thể làm mô hình thí điểm ở mức độ 2 và 3, các địa phương khó khăn hơn sẽ tập trung đạt chuẩn ở mức độ 1 thông qua sự hỗ trợ về học liệu số, tài chính và nguồn nhân lực.

“Đề án cần làm rõ nội hàm hệ sinh thái ngôn ngữ. Ở đây cần hiểu như một hệ thống tích hợp, đồng bộ, không chỉ học và còn có môi trường sử dụng ngoại ngữ. Ở đây không chỉ dừng ở biện pháp kĩ thuật mà cần tầm nhìn chiến lược và đổi mới toàn diện về mô hình tổ chức trong giáo dục. Cùng đó cần giám sát thực hiện theo thực tiễn xuyên suốt và độc lập sẽ có vai trò quan trọng bởi dự án kéo dài 20 năm cần những điều chỉnh kịp thời và đồng bộ”.

Phần trao đổi, thảo luận giữa các nhà trường nhận được nhiều ý kiến góp ý từ thực tiễn giảng dạy. Phía trường Cao đẳng Sư Phạm trung ương nhắc tới việc chưa có chỉ tiêu đào tạo giáo viên tiếng Anh ở bậc mầm non. Sinh viên ngành ngôn ngữ Anh sẽ phải học thêm chứng chỉ sư phạm mầm non đặt ra khó khăn. Ngoài ra học liệu dạy học tiếng Anh ở bậc mầm non cũng chưa có sự thống nhất.

Đại diện của trường liên cấp Ban Mai góp ý cho dự thảo ở khối phổ thông. Các con số chỉ tiêu như 25% nếu đặt cho tất cả các trường thuộc các hệ thống sẽ không phù hợp khi thực tế các trường dân lập, trường quốc tế, tỉ lệ giờ học bằng tiếng Anh đã vượt chỉ tiêu 25%. Còn khi áp dụng với các trường công lập, chỉ tiêu này bộc lộ khó khăn khi có sự khác biệt lớn về điều kiện giữa các khu vực, vùng miền...

Có thể thấy những góp ý cho đề án vừa có tính bao phủ đồng thời đi sâu vào các chi tiết, có thể kể đến như câu chuyện nguồn kinh phí.

Với số tiền 18.500 tỉ cho việc thực hiện đề án theo GS Đỗ Đức Thái “quá nhỏ” để thực hiện đề án. Tuy nhiên, để tránh đưa ra những con số khổng lồ khiến dư luận xôn xao hoặc bất bình, GS Thái cho rằng ban soạn thảo cần những giải trình cụ thể và dễ hiểu hơn ở phụ lục kèm theo.

Vẫn câu chuyện kinh phí, trường sư phạm có tiền đề tốt cho đào tạo nguồn nhân lực dạy học bằng tiếng Anh. Tuy nhiên kinh phí cho khối ngành sư phạm này vẫn do các trường tự lo, không được thu thêm dù đào tạo chương trình tiếng Việt hay đào tạo tiếng Anh. Trong khi giảng dạy bằng tiếng Anh mức chi trả nhân đôi hoặc 1,5.

Ngoài ra các mức thời gian cũng cần tính toán nhằm tăng khả năng hiện thực hóa khi nguồn lực về tài chính, nhân lực chưa đảm bảo. Hoặc đại diện trường Cao đẳng Sư phạm Mẫu giáo trung ương cho rằng riêng khối mầm non cần tính toán để đề án dạy ngoại ngữ song hành với dự thảo phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ từ 3 đến 5 tuổi.

Tổng kết hội thảo, thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho rằng với tư cách ban soạn thảo tiếp thu tối đa ý kiến đồng thời tiếp tục nhận các ý kiến đóng góp gửi về. Đề án cho đến thời điểm này được xây dựng nghiêm túc, công phu với những kế thừa, phát huy từ đề án ngoại ngữ quốc gia.

“Chúng ta đang dạy và học ngoại ngữ chứ không phải ngôn ngữ. Để thành ngôn ngữ sống, ngoài các giờ học phải tạo được môi trường sử dụng. Các trường đại học đào tạo tiếng Anh cần chủ động ngay từ khi có dự thảo, không chờ đợi phê duyệt đề án. Chủ động ở góc độ trang thiết bị, khảo sát về chỉ tiêu đào tạo đáp ứng nhu cầu thực tiễn, chủ động xây dựng chương trình bồi dưỡng giáo viên. Chủ động phối hợp với các Sở giáo dục và Đào tạo nhằm thực hiện đào tạo, đặc biệt bồi dưỡng, tham mưu cho bộ để có những quyết định phù hợp. Trong đó, yếu tố con người cần được đặt lên hàng đầu”, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng kết luận.