Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 sẽ diễn ra trên toàn quốc từ ngày 27/6-30/6. Ban Chỉ đạo thi quốc gia và các tỉnh thành phố đang khẩn trương triển khai những công việc theo kế hoạch để đảm bảo kỳ thi diễn ra an toàn, hiệu quả. Trước thềm kỳ thi quan trọng, có quy mô toàn quốc, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng dành cho báo chí cuộc phỏng vấn liên quan đến công tác tổ chức kỳ thi.

Phóng viên: Thưa Thứ trưởng, hơn một triệu thí sinh cả nước chuẩn bị bước vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho kỳ thi đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các địa phương chuẩn bị ra sao?

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng: Qua các đoàn kiểm tra của Bộ GD-ĐT tại các địa phương và báo cáo tình hình từ các địa phương có thể nói công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 các tỉnh đã chuẩn bị với tinh thần chủ động, chu đáo, khẩn trương và toàn diện để hướng tới một kỳ thi nghiêm túc, an toàn, khách quan, đúng quy chế. Từ các văn bản chỉ đạo cho đến thành lập bộ máy, chủ động thanh tra, kiểm tra chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị và con người với tinh thần sẵn sàng cao nhất cho kỳ thi năm nay.

Phóng viên: Thứ trưởng nhận định như thế nào về những thuận lợi và khó khăn của Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay?

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng: Về thuận lợi, trước hết, kỳ thi năm nay cơ bản giữ ổn định như năm 2022. Việc điều chỉnh, bổ sung một số điều trong quy chế thi để đảm bảo sự chặt chẽ, công bằng. Thứ hai, có sự chỉ đạo thông suốt từ Trung ương đến địa phương và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Thứ ba, sau các năm học bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, năm học 2022-2023, các em học sinh được học một năm học trực tiếp, khối lượng kiến thức chuẩn bị thi rất chủ động, thuận lợi hơn.

Về khó khăn, trước hết đây là kỳ thi có tính chất hết sức quan trọng, vừa đánh giá kết quả công tác dạy và học, vừa xét công nhận tốt nghiệp THPT, vừa nhằm mục tiêu xét tuyển vào các trường Cao đẳng, Đại học. Thứ hai, quy mô của kỳ thi rất lớn diễn ra trên phạm vi toàn quốc với hơn 1 triệu thí sinh dự thi, khoảng gần 250.000 cán bộ nhân viên tham gia tổ chức kỳ thi, các tình huống bất thường có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Thời tiết mùa hè nóng bức, mưa bão bất thường có thể xảy ra, đây cũng là một khó khăn. Bên cạnh đó năm nay tình trạng sử dụng công nghệ cao để gian lận trong thi cử vẫn diễn biến phức tạp, đòi hỏi các Hội đồng coi thi nâng cao tinh thần trách nhiệm, chủ động phòng ngừa để hạn chế rủi ro.

(Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng)

Phóng viên: Kỳ thi tốt nghiệp THPT ngoài mục đích xét tốt nghiệp còn được phần lớn các cơ sở giáo dục đại học vẫn sử dụng kết quả để xét tuyển. Vậy đề thi sẽ như thế nào để đáp ứng được những yêu cầu trên, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng: Trước hết, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố đề thi tham khảo cho giáo viên, học sinh để tham khảo, tạo thuận lợi trong quá trình dạy học cũng như ôn tập. Thứ hai, trong định hướng của Bộ, đề thi đảm bảo các mức độ khác nhau: Mức độ nhận biết, thông hiểu để nhằm mục đích xét tốt nghiệp THPT; Mức độ vận dụng và vận dụng cao đảm bảo sự phân hóa, phân loại học sinh để nhằm mục đích xét tuyển vào các trường Cao đẳng, Đại học.

Phóng viên: Gian lận thi cử ngày càng tinh vi, với sự xuất hiện ngày càng nhiều các thiết bị công nghệ cao. Bộ Giáo dục và Đào tạo có chỉ đạo gì với các địa phương về các biện pháp ngăn chặn?

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng: Trước hết là Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chủ động phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an tập huấn kỹ lưỡng cho các cán bộ làm công tác coi thi, trước hết để nhận diện những cái thiết bị công nghệ cao mà thí sinh có thể lợi dụng để gian lận trong kỳ thi. Những thiết bị công nghệ đó có thể được cài đặt vào những vận dụng thông thường như đồng hồ, kính, vòng đeo tay, đồng thời tập huấn cho cán bộ nắm được những biểu hiện của thí sinh khi sử dụng thiết bị đấy có những tâm lý, cử chỉ, điệu bộ trạng thái bất thường.

Quan trọng hơn, Bộ yêu cầu tất cả các tỉnh, thành phố, các Hội đồng thi tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến để nâng cao nhận thức và nếu sử dụng công nghệ thi này thì phải xử lý nghiêm, đặc biệt là liên quan tới lộ lọt đề thi. Bởi vì đề thi là thuộc danh mục bí mật quốc gia độ tối mật, cho nên nếu để lộ, lọt có thể bị xử lý hình sự.

Phóng viên: Trước thềm Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, Thứ trưởng có lưu ý, nhắn nhủ gì tới thí sinh, phụ huynh và cán bộ coi thi?

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng: Đối với các em học sinh, tôi mong các em chuẩn bị tốt về thể trạng sức khỏe, tinh thần, học và ôn thi với tinh thần thoải mái; Thực hiện nghiêm các quy định, quy chế. Tinh thần chỉ đạo chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, các Hội đồng thi là tạo mọi điều kiện thuận lợi để thí sinh đến trường thi, làm bài tốt nhất.

Với các phụ huynh, tôi mong các bậc phụ huynh học sinh thấu hiểu, chia sẻ, động viên con em mình, không tạo áp lực quá mức. Đồng thời cùng với các Hội đồng thi nhắc nhở các cháu thực hiện đúng các quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành.

Với cán bộ tham gia tổ chức kỳ thi này, Bộ đã quán triệt, tập huấn hết sức đầy đủ. Trước hết tập trung thực hiện đúng quy chế. Thứ hai, thực hiện nghiêm tinh thần Bộ đã chỉ đạo đó là 4 đúng và 3 không: Đúng quy chế và hướng dẫn thi; đúng đủ quy trình; đúng chức năng, nhiệm vụ; đúng kịp thời xử lý các tình huống bất thường xảy ra. Ba không là: Tuyệt đối không được lơ là chủ quan; không tự ý xử lý những tình huống bất thường, khi tình huống bất thường xảy ra phải kịp thời báo cáo, xin ý kiến, có quy trình xử lý tránh những tác động xấu; Mặc dù là kỳ thi có quy mô lớn, nghiêm túc nhưng không căng thẳng, áp lực quá mức trong tổ chức triển khai công việc.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!