Đầu năm học mới 2023-2024, vấn đề lạm thu trường học lại trở thành đề tài gây nhiều bức xúc của phụ huynh.

Trước đó, tháng 7/2023, hàng chục phụ huynh trường Tiểu học Văn Luông, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ tập trung ở cổng trường vì bất bình việc trường thu 90 nghìn tiền sổ liên lạc điện tử một năm nhưng phụ huynh chưa từng được sử dụng dịch vụ này lần nào.

Tiếp đó, tháng 8/2023 trên mạng xã hội lan truyền thông tin phản ánh của phụ huynh có con học tại một trường tiểu học ở Thanh Trì, Hà Nội về việc "phụ huynh muốn lắp điều hòa cho con thì phải cam kết tặng lại nhà trường, nếu không tặng thì không được lắp".

Mới đây nhất, một phụ huynh có con học tại Trường THPT Thanh Miện 3, Hải Dương đã chia sẻ danh sách các khoản phải đóng đầu năm học lên tới hơn 8,7 triệu đồng và cho rằng với những khoản thu này đang có dấu hiệu của việc "lạm thu".

Phụ huynh này phản ảnh, nhiều khoản thu như tivi, xã hội hóa, ghế ngồi... Một chiếc ghế học sinh mua từ đầu cấp, ra trường để lại cho khóa sau, nếu gẫy thì bổ sung. Tại sao lại bắt học sinh đóng? Ghế cũ bỏ đi đâu? Tiền khảo sát hè, khảo sát năm học cũng không có quy định thu".

Trao đổi với VOV2, bà Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho biết, HĐND các tỉnh, thành phố đều ban hành danh mục các khoản được phép thu trong nhà trường, trong đó quy định rõ ràng, khoản nào được phép thu và thu tối đa là bao nhiêu nhưng vẫn xảy ra hiện tượng lạm thu gây bức xúc trong dư luận.

"Nguyên nhân do chúng ta quản lý chưa chặt, chưa nghiêm; Thứ hai, bản thân phụ huynh không nắm rõ danh mục các khoản được phép thu và không được phép thu nên khi nhà trường phát động phụ huynh cứ đóng góp mà không rõ khoản nào mình không phải nộp”, bà Nga phân tích.

Để chống lạm thu trường học, bà Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, lãnh đạo các địa phương phải tăng cường tuyên truyền nghị quyết của HĐND về các khoản thu trong trường học tới phụ huynh và nhân dân.

Đặc biệt, phải quy trách nhiệm tới người đứng đầu trường học. Trường học xảy ra hiện tượng lạm thu thì hiệu trưởng phải chịu hình thức kỷ luật thích đáng.

Bên cạnh đó, bà Nga nhấn mạnh, ngay cả các khoản thu đúng với quy định của nhà nước cũng phải rà soát, giám sát thu-chi đúng mục đích.

“Đối với các nguồn thu xã hội hóa vai trò của hội phụ huynh rất quan trọng. Nhưng hiện nay vai trò phụ huynh hiện nay rất mờ nhạt, chủ yếu thực hiện thu tiền mà không có tiếng nói phản biện, cũng không có theo dõi, giám sát”, bà Nguyễn Thị Việt Nga băn khoăn.

Chia sẻ trong chương trình 30 phút cùng VOV2, chuyên gia tâm lý, TS Vũ Việt Anh, Giám đốc Học viện Thành Công cho rằng, hiện nay các khoản thu trong trường học thường gây tranh cãi tập trung ở 4 khoản thu: Các quỹ trường, quỹ lớp; Mua sắm trang thiết bị, đồ dùng dạy học; Tổ chức các hoạt động ngoại khóa; Hoạt động bảo vệ, vệ sinh, nước uống, các sửa chữa các cơ sở vật chất.

Để hợp thức hóa các khoản thu này, TS Vũ Việt Anh cho rằng, các trường học đều sử dụng hình thức thỏa thuận với cha mẹ học sinh để thu.

“Mặc dù là thỏa thuận nhưng vẫn cần phải quản lý, giám sát. Các cơ quan quản lý giáo dục cần phải ban hành các quy định cụ thể để phụ huynh biết được các khoản thu nào bắt buộc và khoản thu nào không được thu. Nhiều khi phụ huynh không nắm rõ, nhắm mắt làm ngơ các khoản thu được nhà trường gợi ý trước đó”, ông Việt Anh nói.

Về phía nhà trường, theo TS. Vũ Việt Anh cần nêu cao tính minh bạch của người đứng đầu. Hiệu trưởng phải làm rõ tính cần thiết từ các khoản thu xã hội hóa và các khoản thu này phải vì mục đích giáo dục học sinh. Đặc biệt, các khoản thu không được chồng chéo với các khoản thu theo quy định của nhà nước.

Bấm nghe chương trình:

Trước đó, nhằm chấn chỉnh tình trạng lạm thu, trước ngày khai giảng năm học mới 2023-2024, Sở GD-ĐT Hà Nội đã có hướng dẫn liên quan đến quản lý thu-chi đầu năm học để các nhà trường thực hiện cũng như phụ huynh có cơ sở để giám sát.

Theo đó, 9 khoản tiền nhà trường được phép thu đầu năm học 2023-2024 gồm: Thu, chi phục vụ bán trú; thu, chi học 2 buổi/ngày; thu, chi học phẩm; thu, chi nước uống học sinh; thu bảo hiểm y tế học sinh; thu chi dạy thêm, học thêm trong nhà trường; thu chi viện trợ, quà biếu, tặng, cho; thu chi tài trợ; các khoản thu về quần áo đồng phục, quần áo thể dục thể thao, phù hiệu. Sở GD-ĐT cũng yêu cầu các cơ sở giáo dục thực hiện thu, chi các khoản thu khác phải bảo đảm nguyên tắc thu đủ, chi đủ, đúng mục đích, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, thu nhập trên từng địa bàn.

Mức thu căn cứ trên cơ sở dự toán chi phí, nội dung chi, phải được thỏa thuận bằng văn bản của cha mẹ học sinh trên tinh thần tự nguyện, có sự thống nhất của ban giám hiệu nhà trường và cơ quan quản lý cấp trên (UBND quận, huyện, thị xã hoặc Sở GD-ĐT theo phân cấp quản lý) trước khi ban hành.

Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh cũng quy định 26 khoản thu trong năm học mới 2023-2024, các khoản thu này thuộc 4 nhóm chính, bao gồm: Các khoản thu phục vụ cho hoạt động giáo dục ngoài giờ học chính khóa theo quy định; các khoản thu phục vụ cho hoạt động giáo dục thực hiện theo các đề án được phê duyệt; các khoản thu dịch vụ phục vụ cho hoạt động bán trú; các khoản thu hỗ trợ cho cá nhân học sinh.

Mức thu được áp dụng với 2 nhóm học sinh, trong đó nhóm 1 đối với các trường ở khu vực nội thành và nhóm 2 đối với các huyện ngoại thành…