Lương nhà giáo xếp cao nhất trong thang bảng lương
Ngày 17/5, Bộ GD-ĐT tổ chức toạ đàm với các cơ quan báo chí về dự thảo Luật Nhà giáo.
Tại tọa đàm, ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục nhà giáo nêu những điểm mới trong dự thảo Luật Nhà giáo. Theo đó, dự thảo Luật định danh đầy đủ, tường minh về nhà giáo ở tất cả các cấp học và trình độ đào tạo.
Luật Nhà giáo mô tả cụ thể hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo, quy định chuẩn nhà giáo để sử dụng thống nhất, gắn với từng chức danh nhà giáo. Đây cũng là cơ sở cho việc chuẩn hóa và đề xuất các quy định, chế độ, chính sách đối với nhà giáo, đảm bảo chất lượng đội ngũ nhà giáo, tạo sự bình đẳng giữa nhà giáo trong công lập và nhà giáo trong các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục.
Dự thảo Luật nhà giáo quy định về nghĩa vụ của nhà giáo, những hành vi bị nghiêm cấm của các cá nhân, tổ chức có liên quan đến nhà giáo cùng với các quy định về xử lý vi phạm với các hành vi bị nghiêm cấm.
Ngoài những quyền chung, nhà giáo còn được chủ động trong hoạt động nghề nghiệp như chủ động về thời lượng, chương trình, tài liệu, giáo trình, được nghiên cứu khoa học và chuyển giao sản phẩm nghiên cứu khoa học của cá nhân.
Ngoài những nghĩa vụ chung, nhà giáo phải luôn gương mẫu, giữ gìn phẩm chất, uy tín, danh dự, đạo đức nghề nghiệp, đảm bảo liêm chính học thuật.
Bên cạnh những điều cấm đối với nhà giáo, luật còn quy định những điều cấm đối với tổ chức, cá nhân. Trong đó, có quy định về cấm hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể nhà giáo, cản trở hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo.
Về các trường hợp được cấp chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo, dự thảo Luật quy định, nhà giáo đang giảng dạy (kể cả công lập và ngoài công lập) đương nhiên được cấp mà không cần qua kỳ sát hạch. Nhà giáo mới tuyển phải đạt yêu cầu của kỳ sát hạch chứng chỉ hành nghề.
Đối với nhà giáo đã nghỉ hưu nhưng chưa được cấp chứng chỉ hành nghề được cấp (nếu có nhu cầu) để ghi nhận sự cống hiến cho sự nghiệp giáo dục hoặc sử dụng để tiếp tục hoạt động nghề nghiệp. Chứng chỉ hành nghề cũng được cấp cho nhà giáo nước ngoài nếu đáp ứng điều kiện theo quy định của cơ quan có thẩm quyền và có nhu cầu.
Ông Đức nhấn mạnh, mục đích của chứng chỉ hành nghề nhằm nâng tầm vị thế, vai trò của nhà giáo khi nhà giáo được phân biệt với nghề khác, phân biệt giữa người đủ tư cách hành nghề dạy học với người tự nhận là “nhà giáo” nhưng không đảm bảo đạt chuẩn. Tạo điều kiện cho nhà giáo khi thay đổi đơn vị công tác và vị trí việc làm, tham gia thỉnh giảng tại cơ sở giáo dục khác. Tạo cơ hội cho nhà giáo tham gia hợp tác quốc tế trong giáo dục và đào tạo. Đảm bảo thực hiện công bằng chế độ, chính sách cho nhà giáo ngoài công lập và nhà giáo là người nước ngoài. Đảm bảo chất lượng giảng dạy, giáo dục…
Về tuyển dụng và sử dụng nhà giáo, hiện nay đối với nhà giáo công lập đang được tuyển dụng theo luật viên chức. Còn tại dự thảo này dự kiến quy định việc tuyển dụng cả nhà giáo công lập và ngoài công lập theo hình thức xét hồ sơ và thực hành sư phạm để đánh giá phẩm chất năng lực theo chuẩn nhà giáo.
Việc sử dụng, quản lý nhà giáo sẽ quy định chung cho cả nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập. Trong đó, quy định một số nội dung như điều động, biệt phái, thuyên chuyển, dạy liên trường, hợp tác quốc tế, bổ nhiệm, miễn nhiệm, công nhận…
Về đào tạo bồi dưỡng, ngoài việc quy định về đào tạo người có nguyện vọng trở thành giáo viên thì dự thảo Luật nhà giáo còn quy định việc đào tạo đối với người có nguyện vọng trở thành giảng viên.
Đặc biệt, dự thảo Luật nhà giáo đề cập việc đưa tiền lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất so với hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Tiền lương và các chính sách theo lương của nhà giáo công tác tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập không ít hơn tiền lương và các chính sách theo lương của nhà giáo có cùng trình độ đào tạo, cùng thâm niên, cùng chức danh trong các cơ sở giáo dục công lập. Nhà giáo công tác ở các ngành lĩnh vực có chế độ đặc thù thì được hưởng chế độ đặc thù đó nếu đáp ứng được các quy định của chính sách và được hưởng một chính sách có mức cao nhất.
Xếp lương nhà giáo cao nhất: Liệu có khả thi?
Dự thảo Luật nhà giáo đề cập lương giáo viên cao nhất trong hệ thống thang bảng lương là vấn đề không mới. Cụ thể khi xây dựng Luật giáo dục 2019, vấn đề này từng được đưa vào dự thảo nhưng cuối cùng phải rút. Lý do là Chính phủ không có đủ nguồn lực thực hiện. Do đó, nhiều phóng viên tại tọa đàm tỏ ra băn khoăn về tính khả thi của quy định này.
Trước băn khoăn về tính khả thi của việc lương giáo viên được xếp cao nhất trong thang bảng lương, ông Vũ Minh Đức cho biết, hiện nay thực hiện Nghị quyết 27 NQ-TW về Chính sách tiền lương mới, nghị quyết của Quốc hội thực hiện từ 1-7-2024 , lương cơ bản chiếm 70% và phụ cấp ưu đãi chiếm 30% tổng quỹ tiền lương. Theo đó, ngoài tiền lương thì nhà giáo được hưởng mức phụ cấp ưu đãi theo nghề cao nhất bên cạnh một số ngành khác.
“Nguyên tắc trong thực hiện Nghị quyết 27 là tiền lương mới không thấp hơn tiền lương cũ, tổng thu nhập của nhà giáo hưởng hiện nay. Trường hợp sắp xếp tiền lương thấp hơn tiền lương thầy cô đang được hưởng thì các thầy cô được bảo lưu cho đến khi đáp ứng nguyên tắc tiền lương mới không thấp hơn tiền lương cũ. Vì vậy, giáo viên hoàn toàn yên tâm tiền lương của mình chắc chắn cao hơn tiền lương hiện nay đang được hưởng”.
Tuy vậy, ông Đức cũng cho rằng, Ban soạn thảo cũng như Bộ GD-ĐT không trả lời được chúng ta có đủ nguồn lực thực hiện xếp lương nhà giáo cao nhất trong thang bảng lương hay không. “Tin rằng Đảng ra Nghị quyết 27 và Quốc hội ra nghị quyết tăng tiền lương thì đã có tính toán chi tiết, hy vọng thực hiện được”.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng khẳng định, bất cứ bộ luật nào cũng không thể bao quát hết vấn đề luật tác động, chi phối; Càng không thể chi tiết mà phải có văn bản dưới luật. Dự thảo Luật nhà giáo đang xây dựng được kỳ vọng sẽ hạn chế tối đa các văn bản dưới luật nhưng không có nghĩa là sẽ không có thêm các nghị định, thông tư.
Khó quản lý "nhà giáo" tự do
Tại tọa đàm, báo chí cùng đề cập đến thực trạng nhiều người không tốt nghiệp sư phạm nhưng vẫn mở các trung tâm, bán ca học qua mạng xã hội với thu nhập hàng trăm triệu đồng/tháng. Ngoài ra, nhiều giáo viên nước ngoài cũng đang làm việc tại các cơ sở giáo dục, các trung tâm luyện thi nhưng chất lượng thực tế còn gây nhiều bàn cãi. Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc tới đây, liệu Luật nhà giáo có quy định cấp phép chứng chỉ hành nghề cho những “nhà giáo” tự do?, ông Vũ Minh Đức khẳng định về nguyên tắc nếu họ có nhu cầu và đáp ứng yêu cầu công việc thì vẫn cấp giấy phép. Tuy nhiên, việc quản lý đội ngũ khá phức tạp vì biến đổi nhanh, đặc biệt là hoạt động đào tạo trực tuyến. Ban soạn thảo đề xuất thí điểm thực hiện quản lý đối tượng này để hoàn thiện Luật.
Trước băn khoăn cơ quan nào có thẩm quyền thu hồi chứng chỉ hành nghề của nhà giáo, ông Đức cho biết, cơ quan nào cấp thì cơ quan đó có quyền thu hồi. Về cơ quan cấp bộ có Bộ GD-ĐT và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cấp chứng chỉ hành nghề cho giảng viên ĐH. Còn các Sở GD-ĐT sẽ được cấp chứng chỉ hành nghề cho giáo viên ở địa phương./.