Hôm nay (19/3), Trường ĐH Ngoại Thương đã thông báo phương thức tuyển sinh ĐH chính quy năm 2021. Trường duy trì 3.990 chỉ tiêu như năm trước tại cả 3 cơ sở Hà Nội, Tp.Hồ Chí Minh và Quảng Ninh.

Theo phương án mới được công bố, có 6 phương thức xét tuyển, gồm 5 phương thức đã thực hiện từ năm 2020 và bổ sung thêm một phương thức mới, đó là phương thức xét tuyển dựa trên kết quả các kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia Tp.Hồ Chí Minh.

Đây là năm nhà trường bắt đầu tuyển sinh 2 chương trình đào tạo chất lượng cao mới, gồm: Chương trình Chất lượng cao Luật Kinh doanh quốc tế theo mô hình thực hành nghề nghiệp và Chương trình Chất lượng cao Tiếng Anh thương mại.

Phương thức 1 (dự kiến 25% chỉ tiêu): Xét tuyển dựa trên kết quả học tập THPT dành cho thí sinh tham gia thi học sinh giỏi quốc gia, đạt giải học sinh cấp tỉnh/thành phố lớp 11 hoặc lớp 12 và thí sinh thuộc hệ chuyên của trường THPT trọng điểm quốc gia/THPT chuyên.

- Đối với thí sinh tham gia kỳ thi HSG quốc gia các môn thuộc tổ hợp xét tuyển của nhà trường (Toán, Tin, Lý, Hoá, Văn, Tiếng Anh, Tiếng Pháp, Tiếng Trung, Tiếng Nga, Tiếng Nhật): phải có điểm trung bình chung học tập từng năm học lớp 10,11 và học kỳ 1 năm lớp 12 đạt từ 8 trở lên.

- Đối với thí sinh đạt giải (nhất, nhì, ba) trong kỳ thi HSG cấp tỉnh/thành lớp 11, 12 (bao gồm cả thí sinh thi vượt cấp) các môn thuộc tổ hợp xét tuyển của nhà trường: phải có điểm trung bình chung học tập từng năm học lớp 10,11 và học kỳ 1 năm lớp 12 đạt từ 8 trở lên và điểm trung bình chung học tập 5 học kỳ năm lớp 10,11 và học kỳ 1 năm lớp 12 của 3 môn thuộc tổ hợp xét tuyển của trường (trong đó có môn thi đoạt giải HSG) đạt từ 8,5 trở lên.

- Đối với thí sinh học hệ chuyên các môn chuyên Toán, Tin, Lý, Hoá, Văn, Tiếng Anh, Tiếng Pháp, Tiếng Trung, Tiếng Nga, Tiếng Nhật: phải có điểm trung bình chung học tập từng năm học lớp 10,11 và học kỳ 1 năm lớp 12 đạt từ 8,5 trở lên và điểm trung bình chung học tập 5 học kỳ năm lớp 10,11 và học kỳ 1 năm lớp 12 của 3 môn thuộc tổ hợp xét tuyển của trường (Toán, Lý, Hóa, Văn, Ngoại ngữ) đạt từ 9 trở lên.

Phương thức 2 (dự kiến 28% chỉ tiêu): Xét tuyển kết hợp giữa Chứng chỉ quốc tế và kết quả học tập áp dụng cho các chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh và Ngôn ngữ thương mại.

- Đối với thí sinh thuộc hệ chuyên, lớp chuyên Toán, Toán-Tin, Tin, Lý, Hóa, Văn và Ngoại ngữ của các trường THPT trọng điểm quốc gia/THPT chuyên:

Đối với các chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh, điều kiện để thí sinh đăng ký xét tuyển là phải có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế IELTS (academic) từ 6,5 trở lên hoặc các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế tương đương theo qui định của trường; tốt nghiệp THPT năm 2021 và có điểm trung bình chung học tập từng năm học lớp 10,11 và học kỳ 1 năm lớp 12 đạt từ 8 trở lên; có điểm trung bình chung học tập của 5 kỳ học năm lớp 10, 11 và học kỳ 1 lớp 12 của môn Toán và một môn khác không phải là Ngoại ngữ trong tổ hợp xét tuyển đạt từ 8,5 điểm trở lên. Đối với ngành ngôn ngữ thương mại, thí sinh cần phải có chứng chỉ quốc tế (Tiếng Anh, Tiếng Pháp, Tiếng Trung, Tiếng Nhật) theo quy định của trường và có trung bình chung học tập từng năm lớp 10,11 và học kỳ 1 năm lớp 12 từ 8 điểm.

- Đối với thí sinh không chuyên: đối với các chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh, điều kiện để thí sinh đăng ký xét tuyển là: thí sinh phải có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế IELTS (academic) từ 6,5 trở lên hoặc các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế tương đương; tốt nghiệp năm 2021 và có điểm trung bình chung học tập từng năm học lớp 10,11 và học kỳ 1 năm lớp 12 đạt từ 8,5 trở lên và (3) có điểm trung bình chung học tập của 05 kỳ học lớp 10, 11 và học kỳ 1 lớp 12 của hai môn trong tổ hợp Toán – Lý, Toán – Hóa từ 9,0 trở lên, tổ hợp Toán-Văn từ 8,8 trở lên. Đối với ngành ngôn ngữ thương mại, thí sinh cần phải có chứng chỉ quốc tế (Tiếng Anh, Tiếng Pháp, Tiếng Trung, Tiếng Nhật) theo quy định của nhà trường và có điểm trung bình chung học tập từng năm lớp 10,11 và học kỳ 1 năm lớp 12 từ 8,5 trở lên.

- Đối với thí sinh có chứng chỉ năng lực quốc tế, điều kiện để đăng ký xét tuyển là: (1) thí sinh phải có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế IELTS (academic) từ 6,5 trở lên hoặc các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế tương đương, (2) Tốt nghiệp THPT, (3) Có chứng chỉ ACT từ 27 điểm hoặc SAT từ 1260 điểm, hoặc có chứng chỉ A-level với điểm Toán từ A trở lên.

Phương thức 3 (dự kiến 7% chỉ tiêu): Xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ Ngoại ngữ quốc tế và kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2021, áp dụng cho các chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh và Ngôn ngữ thương mại.

Điều kiện là thí sinh phải có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế IELTS (academic) từ 6,5 trở lên hoặc các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế (Tiếng Anh, Tiếng Pháp, Tiếng Trung, Tiếng Nhật) theo qui định của nhà trường, có điểm trung bình chung học tập từng năm học lớp 10,11 và học kỳ 1 năm lớp 12 đạt từ 7,5 trở lên và điểm thi tốt nghiệp THPT 2 môn thuộc tổ hợp xét tuyển của trường (Toán-Lý, Toán-Hóa hoặc Toán- Văn) đảm bảo ngưỡng qui định của trường.

Phương thức 4 (dự kiến 30% chỉ tiêu ): Xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2021, áp dụng cho các chương trình tiêu chuẩn.

Điều kiện tham gia xét tuyển là thí sinh phải có điểm trung bình chung học tập của từng năm lớp 10, 11 và học kỳ 1 năm lớp 12 đạt từ 7 trở lên, có điểm thi 3 môn thuộc các tổ hợp xét tuyển (A00, A01, D01, D02, D03, D04, D06, D07) đáp ứng điểm sàn nhận hồ sơ theo qui định của trường. Tiêu chí xét tuyển xác định dựa trên điểm thi 3 môn thuộc tổ hợp đăng ký xét tuyển.

Phương thức 5 (dự kiến 7% chỉ tiêu ): Xét tuyển dựa trên kết quả các kỳ thi Đánh giá năng lực do ĐHQG Hà Nội và ĐHQG tpHCM tổ chức trong năm 2021, áp dụng cho các chương trình tiêu chuẩn.

Điều kiện tham gia xét tuyển là thí sinh phải có điểm trung bình chung học tập của từng năm lớp 10, 11 và học kỳ 1 năm lớp 12 từ 7 trở lên, có kết quả bài thi Đánh giá năng lực của ĐHQH Hà Nội từ 105/150 điểm hoặc kết quả bài thi của ĐHQG TP.HCM từ 850/1200 điểm. Tiêu chí xét tuyển xác định dựa trên kết quả của kỳ thi này.

Phương thức 6 - Xét tuyển thẳng (dự kiến 3% chỉ tiêu) được thực hiện theo quy định của Bộ GD-ĐT và nhà trường.

Nói về xu hướng ưu tiên các chứng chỉ ngoại ngữ trong mùa tuyển sinh năm nay, TS Vũ Thị Hiền – Trưởng phòng quản lý đào tạo Trường ĐH Ngoại Thương cho rằng, hiện có nhiều chương trình đào tạo của các trường ĐH đang sử dụng tiếng Anh là ngoại ngữ chính, thậm chí là ngôn ngữ giảng dạy.

Tại Trường ĐH Ngoại thương, 17/32 chương trình giảng dạy bằng ngoại ngữ. Trong đó, Tiếng Anh là cơ bản chiếm 14 chương trình. Với đặc thù như vậy, xét tuyển thí sinh đủ điều kiện để học các chương trình học bằng tiếng Anh là điều kiện quan trọng. Do đó, việc sử dụng chứng chỉ quốc tế có độ tin cậy cao là xu hướng trong xét tuyển của nhiều trường ĐH trong cả nước.

Cũng theo bà Hiền, từ năm 2020, để ứng phó với dịch Covid -19, nhiều trường đã sớm đa dạng phương thức tuyển sinh theo tinh thần mới của Luật giáo dục. Tiếp tục xu hướng đó, năm nay các trường tiếp tục đa dạng phương thức xét tuyển để đánh giá thí sinh bằng nhiều thang đo khác nhau.