Tối qua 13 tháng 5, tại lễ trao giải cuộc thi "Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp" lần thứ 6 năm 2024 do Bộ Giáo dục - Đào tạo tổ chức tại Cần Thơ, Trường Đại học Thủy lợi đã giành giải cao nhất của cuộc thi.

Trường Đại học Thuỷ lợi là một trong số ít trường có nhiều dự án lọt vào chung kết toàn quốc, trường vinh dự có đến 2 dự án tham gia trưng bày sản phẩm đó là Dự án “DigiTravel - Nền tảng du lịch số” và Dự án “HAND OF HOPE Mô hình găng tay Robot phục hồi chức năng vận động bàn tay con người”.​

Đây là 2 dự án được Ban tổ chức đánh giá cao về tính thực tiễn và ứng dụng. Trong đó, Dự án “HAND OF HOPE Mô hình găng tay Robot phục hồi chức năng vận động bàn tay con người” xuất sắc giành Giải Nhất chung cuộc. Dự án “DigiTravel - Nền tảng du lịch số” giành Giải Ba chung cuộc.

Mô hình găng tay Robot thông minh phục hồi khả năng vận động bàn tay con người là dự án khởi nghiệp của các bạn sinh viên đến từ trường Đại học Thủy lợi: Dương Văn Vũ Lớp 62TĐH – HTN - Khoa Điện - Điện tử; Ngô Tuấn Trường Lớp 62TĐH – HTN - Khoa Điện - Điện tử; Lê Quang Hùng Lớp 63TĐH2 - Khoa Điện - Điện tử; Nguyễn Thị Phương Thanh Lớp 64LG1 - Khoa Kinh tế & Quản lý; Đào Thị Quỳnh Trang Lớp 65KT - Khoa Kinh tế & Quản lý. Dự án này do thầy Ngô Quang Vĩ giảng viên Khoa Điện - Điện tử hướng dẫn.

Găng tay Robot thông minh phục hồi chức năng bàn tay là sản phẩm tích hợp các công nghệ như: ứng dụng công nghệ AI trong nhận diện độ gập các ngón tay qua điểm ảnh và nhận diện giọng nói, kết nối từ xa qua internet. Găng tay robot thông minh có các tính năng: Tập với các bài tập theo tình trạng của người bệnh, kết nối từ xa giữa người bệnh và bác sĩ, bài tập thụ động, bài tập có mục tiêu vừa phục hồi vừa luyện tập các ngón tay và bàn tay qua game, giúp người dùng lấy lại khả năng cầm nắm, cử động các ngón tay và thực hiện các hoạt động hàng ngày.

“DigiTravel - Nền tảng du lịch số” là dự án khởi nghiệp của các bạn sinh viên đến từ Trường Đại học Thủy lợi: Phan Văn Khải, lớp 63CTM - Khoa Cơ khí; Lê Hà Thanh, lớp 63QT-Mar1 -Khoa Kinh tế & Quản lý; Đặng Thị Thanh, lớp 63QT MAR3 -Khoa Kinh tế & Quản lý; Phùng Thị Minh Hòa, lớp 63QTDL1 - Khoa Kinh tế & Quản lý; Lê Vạn Bảo Trọng, lớp 64CNTT1 - Khoa Công nghệ thông tin. Dự án này do cô Nguyễn Thị Oanh giảng viên Khoa Kinh tế & Quản lý hướng dẫn.

DigiTravel sử dụng công nghệ Metaverse cho phép người dùng tương tác, khám phá các điểm du lịch, các khu di tích lịch sử trong không gian 3D theo phương thức mới mẻ, hiệu quả và tiết kiệm. DigiTravel còn là nền tảng (Platform) đa nhiệm cho phép các tổ chức phi lợi nhuận hay nhà hàng, khách sạn, địa điểm vui chơi, giải trí… có thể kiến tạo và tích hợp nhiều Metaverse khác nhau trong cùng một không gian ảo rộng lớn của DigiTravel. DigiTravel định hướng phát triển thành nền tảng số hàng đầu Việt Nam, tạo ra một cộng đồng số, giúp điểm đến trở nên gần gũi, thu hút hơn và đặc biệt thức tỉnh tình yêu của con người với lịch sử, văn hóa, thiên nhiên, đất nước.

Đây là kết quả xứng đáng cho những nỗ lực của thầy và trò hai dự án tham gia cũng như một lần nữa khẳng định cho những cố gắng của Trường Đại học Thủy lợi trong nhiều năm qua trong việc gây dựng phong trào, ươm mầm ý tưởng và kiến tạo giá trị khởi nghiệp.

Tham gia Hệ sinh thái Khởi nghiệp sáng tạo của học sinh, sinh viên Việt Nam từ năm 2020 đến nay, Đại học Thuỷ lợi luôn có những dự án giành giải cao tại sân chơi sinh viên trí tuệ này. Năm 2024 này đánh dấu một bước chuyển mình mạnh mẽ của sinh viên Đại học Thủy lợi, khẳng định bản lĩnh, sự tự tin tài năng của Thế hệ sinh viên, lập thành tích chào mừng kỷ niệm 65 năm thành lập trường.

Sau 4 tháng phát động cuộc thi Khởi nghiệp quốc gia học sinh sinh viên (từ tháng 8/2023), Ban tổ chức đã nhận được 707 bài dự thi, tăng 199 bài so với cuộc thi lần thứ 5. Trong đó, có 80 dự án xuất sắc nhất được lọt vào vòng bình chọn và vòng chung kết của cuộc thi. Theo đánh giá của Ban tổ chức, các ý tưởng khởi nghiệp năm nay có chất lượng, đa dạng, nội dung ý tưởng tập trung vào giải quyết các vấn đề của cộng đồng xã hội.