Thi đánh giá năng lực không chịu áp lực luyện đề

Nằm trong top 3 thí sinh có điểm thi cao nhất kỳ thi Đánh giá năng lực học sinh THPT (HSA) do ĐHQG Hà Nội tổ chức, Trần Bảo Ngọc, học sinh trường THPT Bắc Kiến Xương (Thái Bình) trúng tuyển ngành Kinh tế đối ngoại, Trường Đại học Ngoại thương bằng điểm thi đánh giá năng lực.

Mặc dù kết quả thi tốt nghiệp THPT, Bảo Ngọc cũng đạt điểm cao tuy nhiên thí sinh này cho rằng việc tham dự kỳ thi đánh giá năng lực tạo thêm nhiều cơ hội cho thí sinh.

“Với kết quả thi đánh giá năng lực đạt 128/150, em có thể đăng ký nguyện vọng vào nhiều trường đại học. Đặc biệt, khi có kết quả bài thi đánh giá năng lực việc tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT em không chịu áp lực phải đạt điểm cao để trúng tuyển đại học nữa”, Bảo Ngọc nói.

Cựu học sinh trường THPT Bắc Kiến Xương cũng so sánh, đề thi Đánh giá năng lực có cấu trúc hoàn toàn khác so với bài thi tốt nghiệp THPT. Đề thi được thiết lập ngẫu nhiên bao gồm cả câu khó và dễ, có tính ổn định, thí sinh không phải tập trung vào luyện đề.

“Ví dụ đề thi tốt nghiệp THPT em nhận thấy năm khó, năm dễ nhưng câu hỏi Đánh giá năng lực có độ ổn định, các câu hỏi từng thành phần cũng có sự tương đồng về độ khó-dễ. Đặc biệt, thí sinh khó lòng đạt được điểm tuyệt đối như kỳ thi THPT”, Bảo Ngọc so sánh.

Thủ khoa kỳ thi Đánh giá năng lực (HSA) năm 2023 Bùi An Huy (Hưng Yên) cũng so sánh, bài thi Đánh giá năng lực có diện bao phủ kiến thức rộng hơn so với bài thi tốt nghiệp THPT. Trong đó có phần đọc hiểu và các phần kiến thức của các môn Khoa học xã hội, Khoa học tự nhiên, có độ phân hóa cao hơn so với thi tốt nghiệp THPT.

“Nếu luyện thi tốt nghiệp THPT, thí sinh phải cày ôn luyện đề rất nhiều nhưng đối với kỳ thi Đánh giá năng lực, học sinh chỉ cần hệ thống lại kiến thức, ôn tập các phần nội dung đã học”, Bùi An Huy chia sẻ.

Năm 2023, ĐHQG Hà Nội tổ chức 8 đợt thi Đánh giá năng lực với hơn 90.000 lượt thí sinh đăng ký, trong đó có hơn 29.100 thí sinh đăng ký thi hai lần. Số lượng dự thi chính thức là hơn 87.000 (đạt tỉ lệ trên 96%).

Trong đó, TP. Hà Nội có số lượng thí sinh đăng ký dự thi cao nhất, tiếp đó là Nam Định và Thái Bình. Thí sinh ở xa nhất đến từ Vĩnh Long, An Giang, Ninh Thuận, Đắk Nông.

Năm 2023 có gần 70 đại học/trường tuyên bố trong đề án tuyển sinh năm 2023 sử dụng kết quả bài thi HSA để xét tuyển độc lập hoặc xét tuyển kết hợp.

TS. Lê Hồng Linh, Giám đốc Trung tâm khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục (Đại học Thái Nguyên) cho biết, năm 2023 các Trường thành viên của Đại học Thái Nguyên đều sử dụng kết quả bài thi Đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội làm căn cứ để xét tuyển.

Năm 2023, Trung tâm Khảo thí và Quản lý chất lượng của Đại học Thái Nguyên cũng phối hợp với Trung tâm Khảo thí của ĐHQG Hà Nội tổ chức thành công các đợt thi đánh giá năng lực học sinh THPT (HSA) tại điểm thi Đại học Thái Nguyên.

Hiện, bài thi HSA của ĐHQG Hà Nội là bài thi duy nhất tại Việt Nam thực hiện đăng ký dự thi, làm bài thi trên máy tính có kết quả hiển thị ngay sau khi thí sinh nộp bài. Đây cũng là kỳ thi đầu tiên và duy nhất thí sinh được chủ động lựa chọn địa điểm thi, ca thi.

Tại Hội nghị tổng kết kỳ thi đánh giá năng lực năm 2023 và kế hoạch triển khai tổ chức thi năm 2024 được Trung tâm khảo thí ĐHQG Hà Nội tổ chức ngày 24/8, PGS.TS Nguyễn Hoàng Hải, Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội khẳng định, mục tiêu quan trọng của kỳ thi HSA là đánh giá năng lực học sinh THPT.

“Hiện cấu trúc và nội dung câu hỏi đề thi mới đánh giá một vài năng lực học sinh. Khi chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 triển khai đầy đủ 12 lớp học, câu trúc và nội dung đề thi sẽ được điều chỉnh để có thể đánh giá đầy đủ năng lực, phẩm chất của học sinh phổ thông”, ông Hải nói.

Ngân hàng đề thi HSA năm 2025 sẽ sớm được chuẩn bị

Trao đổi với VOV2, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí (ĐHQG Hà Nội) cho biết, dự kiến năm 2024 sẽ tổ chức 6 đợt thi Đánh giá năng lực (HSA) từ tháng 3 đến 6 tại 10 tỉnh/thành phố, phục vụ từ 75.000 – 90.000 lượt thi.

10 địa phương sẽ tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực gồm: Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Phòng, Nam Định, Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.

Về cấu trúc, đề thi vẫn gồm 3 phần: Tư duy định lượng (Toán học), Tư duy định tính (Ngữ văn - Ngôn ngữ) và Khoa học (Tự nhiên - Xã hội). Mỗi phần thi có 50 câu hỏi. Tổng thời gian thi 195 phút. Thí sinh làm bài thi trên máy tính, biết điểm ngay sau khi kết thúc thời gian làm bài.

Cụ thể, đề thi HSA năm 2024 ở phần 1 và 2 có 70% kiến thức thuộc chương trình lớp 12, 20% của lớp 11 và 10% của lớp 10. Phần 3 có 70% kiến thức thuộc chương trình lớp 12 và 50% của lớp 11.

Độ khó của các câu hỏi trong đề thi tăng dần từ cấp độ 1 đến cấp độ 3 và được phân định theo tỉ lệ: cấp độ 1: 20%, cấp độ 2: 60%, cấp độ 3: 20%.

Bên cạnh đó, trong mỗi phần có 50 câu hỏi chấm điểm, nhưng có thể kèm thêm 1-4 câu hỏi thử nghiệm không tính điểm. Các câu hỏi thử nghiệm (không tính điểm) được trộn vào một cách ngẫu nhiên. Bài thi có câu hỏi thử nghiệm thời gian làm bài sẽ kéo dài thêm 2-4 phút.

Ông Nguyễn Tiến Thảo cho biết, hiện ngân hàng đề cho các đợt thi HSA năm 2024 cơ bản đã hoàn thành.

Để chuẩn bị cho ngân hàng đề thi HSA năm 2025 phù hợp với yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông 2018, bắt đầu từ tháng 11/2023, ĐHQG Hà Nội sẽ khởi động xây dựng ngân hàng đề thi.

“Việc xây dựng ngân hàng đề thi năm 2025 sẽ được triển khai sớm. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ nghiên cứu để làm sao cấu trúc, dạng thức câu hỏi không có quá nhiều thay đổi để không gây xáo trộn, ảnh hưởng nhiều tới quá trình học tập, ôn luyện của học sinh. Ngân hàng câu hỏi kỳ thi năm 2025 sẽ kế thừa dữ liệu đã có đồng thời bổ sung những phần kiến thức tích hợp, liên môn”, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo chia sẻ.

Bấm nghe chương trình: