Bộ GD-ĐT đã công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với nhóm ngành Sức khỏe năm 2023. Theo đó ngành Y khoa, Răng-Hàm-Mặt có mức điểm sàn cao nhất 22,5 điểm. Các ngành Y học cổ truyền, Dược học: 21 điểm; Các ngành điều dưỡng, Y học dự phòng, hộ sinh, kỹ thuật phục hình răng, kỹ thuật xét nghiệm y học, kỹ thuật hình ảnh y học, kỹ thuật phục hồi chức năng: 19 điểm.

Trên cơ sở phân tích đề thi tốt nghiệp và phổ điểm các tổ hợp truyền thống A00, B00 là chính (có 9 tổ hợp xét tuyển đối với các ngành lĩnh vực sức khỏe) cho thấy điểm tổ hợp B00 có sự thay đổi dịch chuyển từ 1-1.25 điểm trong khoảng điểm từ 21-25. Còn từ 25 điểm trở lên không có thay đổi đáng kể so với 2 năm liền kề trước đó.

Năm 2022, Trường ĐH Y Hà Nội xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào với ngành BS Y khoa và răng hàm mặt từ 23 điểm. Y học dự phòng từ 21 điểm và từ 19 điểm với cử nhân.

“Với tổng số thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp để xét tuyển ĐH năm nay có tổng số điểm tổ hợp B00 cao hơn hẳn so với năm trước. Dựa trên nguyên tắc đảm bảo chất lượng đầu và dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023, chúng tôi đề xuất lãnh đạo nhà trường và hội đồng tuyển sinh năm 2023 cơ bản giữ điểm sàn tối thiểu như năm 2022 trở lên. Nghĩa là ngưỡng điểm đầu vào đối với ngành BS Y khoa và BS răng hàm mặt tối thiểu từ 23, các ngành cử nhân khác giữ từ mức 19", PGS.TS Lê Đình Tùng - Phòng Quản lý đào tạo, Trường ĐH Y Hà Nội cho biết.

Năm nay, ngành Y Khoa của ĐH Y Hà Nội có 280 chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp THPT, 120 chỉ tiêu dành cho xét tuyển kết hợp với chứng chỉ ngoại ngữ, trong đó có những chỉ tiêu đã sử dụng cho việc tuyển thẳng (số thí sinh trúng tuyển thẳng của Y khoa là 106)

Thống kê sơ bộ tổng số điểm thí sinh tổ hợp B00 có mức điểm từ 28-30 năm nay cao hơn hẳn so với 2022. Trong đó, mức điểm từ 26-28 là hơn 3000 em (năm ngoái khoảng 2900 thí sinh cả nước xét tổ hợp B00 có mức điểm này). Trong khi chỉ tiêu ngành Y khoa không thay đổi, ông Tùng cho rằng điểm chuẩn tịnh tiến dịch chuyển cao hơn năm trước.

Tuy nhiên, có một số yếu tố làm cho dự báo điểm chuẩn Y khoa bị ảnh hưởng. Trong đó học phí năm nay của nhà trường với ngành Y khoa là 55,2 triệu đồng (tăng hơn 3 lần so với năm ngoái). Ngành Răng Hàm Mặt thấp hơn ½ Y khoa. Do đó có thể ảnh hưởng đến lựa chọn của thí sinh.

Trong khi đó tại phân hiệu Thanh Hóa, do tự chủ tài chính mức 3 nên học phí không cao hơn so với năm ngoái. Do đó, điểm trúng tuyển phân hiệu dịch chuyển cao hơn so với năm trước từ 0.5-1.25 điểm.

Các ngành trúng tuyển ngưỡng điểm dưới 26 như 2022 thì điểm chuẩn có xu hướng tăng lên 0.5-1.25 điểm.

Theo PGS.TS Lê Đình Tùng, ngành Y khoa với tổng số thí sinh của cả nước ở tổ hợp B00 trên 500 thí sinh thì ngưỡng điểm trúng tuyển ít nhất bằng năm 2022 là 28.15 điểm.

Ông Tùng cũng lưu ý, năm ngoái sau khi trúng tuyển diện tuyển thẳng, thí sinh xác nhận nhập học nên nhà trường có thể loại trừ con số đó ra khỏi hệ thống xét tuyển. Tuy nhiên năm nay, đến 15/8 mới có xác nhận nhập học diện tuyển thẳng. Vì vậy, dự báo điểm chuẩn chưa thực sự chính xác./.