Ngày 6/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức Toạ đàm về dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non.

Dự thảo có một số điểm mới quan trọng như: Chỉ tiêu xét tuyển sớm không được vượt quá 20%; các phương thức xét tuyển phải quy đổi về một thang điểm chung; điểm chuẩn trúng tuyển xét tuyển sớm sau khi quy đổi không thấp hơn điểm chuẩn trúng tuyển...

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho rằng, cần nhìn nhận và có điều chỉnh về “xét tuyển sớm” là rất cần thiết để đảm bảo công bằng cho tất cả các thí sinh.

Hơn nữa, điểm xét, điểm trúng tuyển của các phương thức, tổ hợp môn sử dụng để xét tuyển phải được quy đổi tương đương về một thang điểm chung, thống nhất đối với từng chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo. Mặc dù việc quy đổi được là điều không dễ, nhưng vẫn cần phải làm.

Cũng theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, việc đặt ra yêu cầu xét tuyển bằng kết quả học tập THPT (học bạ) cần có kết quả học tập của cả năm lớp 12 cũng nhằm bảo đảm công bằng cho các thí sinh ứng tuyển.

Nếu chỉ xét đến 5 học kỳ ở cấp THPT mà bỏ qua học kỳ hai của lớp 12 sẽ khiến cho nhiều học sinh chủ quan và không tập trung học tốt đều các môn. Điều này sẽ rất khó khăn cho các em sau này khi vào đại học.

“Ngoài ra, chúng ta cần đo được năng lực, khả năng học tập của thí sinh phải phù hợp và đáp ứng yêu cầu của từng ngành/chương trình đào tạo. Chúng ta cần xác định quan điểm là làm thế nào để công tác tuyển sinh đơn giản hóa, thuận lợi nhất cho các trường nhưng không được vi phạm những nguyên tắc chung của giáo dục, đó là công bằng, bình đẳng, chất lượng”, Thứ trưởng yêu cầu.

Chia sẻ quan điểm tại buổi tọa đảm, bà Vương Hương Giang, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội đồng tình với quy định chỉ tiêu xét tuyển sớm của các trường đại học và quy định điểm chuẩn trúng tuyển xét tuyển sớm (sau khi quy đổi tương đương) không thấp hơn điểm chuẩn trúng tuyển của đợt xét tuyển theo kế hoạch chung.

Đặc biệt, sau khi có kết quả trúng tuyển, thí sinh không có tâm lý tiếp tục ôn tập, vì chỉ cần đạt được tốt nghiệp THPT, ảnh hưởng đến chất lượng kỳ thi và ảnh hưởng đến tâm lý ôn tập của các thí sinh khác.

Vì vậy, bà Hương Giang cho rằng, việc quy định chỉ tiêu xét tuyển sớm và quy định điểm chuẩn trúng tuyển đảm bảo được sự công bằng giữa các thí sinh trong các đợt xét tuyển và giảm được được các tồn tại nêu trên.

Cùng quan điểm này, PGS.TS Nguyễn Đào Tùng, Giám đốc Học viện Tài chính cho rằng, khi tất cả các trường đều xét tuyển sớm sẽ làm các trường phổ thông vất vả, khối lượng xác nhận nhiều, các em không quan tâm đến học kỳ 2 năm lớp 12.

Có trường chỉ xét kết quả học tập của học sinh ở lớp 10, 11 và học kỳ 1 của lớp 12 nên có câu chuyện học sinh ăn Tết xong vào học kỳ 2 không tập trung học nữa.

"Do vậy, chúng tôi ủng hộ điểm mới trong dự thảo quy chế là nếu xét tuyển bằng học bạ THPT phải có đủ 6 học kỳ, để thí sinh tập trung học tập nghiêm túc đến cuối năm học. Đồng thời, cần có cơ chế giám sát để các đơn vị thực hiện nghiêm quy chế; tăng cường chế tài về công tác thanh tra, hậu kiểm để công tác tuyển sinh đi vào nền nếp, hiệu quả", PGS.TS Nguyễn Đào Tùng trao đổi.

Trong khi đó, TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Đại học FPT đề xuất, đối với việc xét tuyển sớm, thì các trường cần quy định rõ, chỉ được thông báo trúng tuyển sớm sau kỳ thi tốt nghiệp THPT để đảm bảo không gây xáo trộn quá trình học tập, không ảnh hưởng đến kết quả kỳ thi THPT.

Khẳng định việc điều chỉnh Quy chế tuyển sinh là cần thiết, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) cho biết, Ban soạn thảo sẽ tiếp thu tối đa ý kiến, tất cả vì lợi ích của thí sinh đặt lên hàng đầu, đảm bảo sự công bằng, minh bạch, đồng thời nâng cao chất lượng đào tạo ở cả giáo dục phổ thông, lẫn đầu vào đại học, hướng tới đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.