Đó là khẳng định của GS.TS Phùng Xuân Nhạ - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo khi trình bày tham luận tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

GS.TS Phùng Xuân Nhạ đã báo cáo về những thành tựu của giáo dục nước ta sau 7 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW năm 2013 về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo.

Ngay từ đầu năm 2017, nước ta đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non với tỷ lệ gần 100% trẻ 5 tuổi được huy động đi học. Cả nước đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2 và đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 1. Chỉ số về tỷ lệ huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 99%, được đánh giá cao trong khu vực (đứng thứ 2 trong khu vực ASEAN, sau Singapore). Đây là một điểm sáng trong đổi mới giáo dục của nước ta và được các nước và tổ chức quốc tế như UNICEF, UNESCO, WB, UNDP đánh giá cao.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ khẳng định, chất lượng giáo dục phổ thông cả đại trà và mũi nhọn của Việt Nam đều được nâng lên, được quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

Theo báo cáo năm 2020 của Ngân hàng Thế giới, chỉ số vốn nhân lực của Việt Nam đứng thứ 38 trong số 174 nền kinh tế. Trong đó, thành phần kết quả giáo dục của Việt Nam đứng thứ 15, tương đương với các nước như Hà Lan, New Zealand, Thụy Điển.

Nhiều chỉ số về giáo dục của Việt Nam được đánh giá cao trong khu vực, như: tỷ lệ học sinh đi học và hoàn thành Chương trình tiểu học sau 5 năm đạt trên 92%, đứng ở tốp đầu của khối ASEAN; kết quả Chương trình Đánh giá kết quả học tập của học sinh tiểu học các nước Đông Nam Á (SEA PLM) năm 2019 cho thấy chất lượng giáo dục tiểu học của Việt Nam đứng vào tốp đầu của các nước ASEAN.

“Trong các đợt đánh giá PISA, Việt Nam cũng đã gây bất ngờ lớn cho cả thế giới, với kết quả vượt trội so với trung bình của các nước trong khối OECD trong khi mức đầu tư cho giáo dục của chúng ta thấp hơn hẳn.” - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thông tin.

Chất lượng giáo dục mũi nhọn của Việt Nam được thế giới đánh giá cao trên đấu trường quốc tế. Kết quả thi Olympic của học sinh nước ta những năm qua có bước tiến bộ vượt bậc với 49 huy chương Vàng trong giai đoạn 2016-2020 (giai đoạn 2011-2015 có 27 huy chương Vàng); nhiều học sinh Việt Nam đạt điểm số cao nhất ở các nội dung thi, trong đó phần thi thực hành có sự cải thiện đáng kể qua đó khẳng định chất lượng giáo dục phổ thông của Việt Nam sánh ngang với các nước có nền giáo dục tiên tiến.

Một điểm sáng nữa của giáo dục Việt Nam là tự chủ đại học được đẩy mạnh, chất lượng đào tạo đại học có nhiều chuyển biến tích cực. Đào tạo đại học đã gắn kết hơn với nhu cầu lao động của địa phương, với các doanh nghiệp, các đơn vị sử dụng lao động; hỗ trợ khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên được quan tâm hơn. Nghiên cứu khoa học của các trường có nhiều chuyển biến rõ rệt, số công trình khoa học được công bố trong nước và quốc tế tăng mạnh. Vị thế các trường đại học của Việt Nam đã được nâng lên trong bảng xếp hạng Châu Á và thế giới.

Năm 2019, hệ thống giáo dục đại học Việt Nam xếp thứ 68/196 quốc gia trên thế giới, tăng 12 bậc so với năm 2018. Lần đầu tiên, Việt Nam có 4 cơ sở giáo dục đại học được vào top 1.000 trường đại học tốt nhất thế giới; có 11 cơ sở giáo dục đại học Việt Nam nằm trong danh sách 500 trường đại học hàng đầu Châu Á.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng thẳng thắn nhìn nhận, bên cạnh những kết quả đạt được ngành Giáo dục vẫn còn một số hạn chế, bất cập, như: Công tác quản lý nhà nước, quản trị nhà trường còn bất cập, trách nhiệm còn chồng chéo. Tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ vẫn chưa được giải quyết triệt để, chất lượng đội ngũ giáo viên chưa đồng đều, một bộ phận giáo viên chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới, cá biệt có những giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo, gây bức xúc xã hội.

Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông ở một số địa phương chưa phù hợp, còn tình trạng thiếu trường, lớp ở một số khu đô thị, khu công nghiệp; thiếu đất cho xây dựng trường học, đặc biệt là ở các thành phố lớn; quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học và sư phạm còn chậm.

Hệ thống quản lý, quản trị, kết nối, khai thác dữ liệu ngành phục vụ công tác quản lý, điều hành, dạy học còn chưa đồng bộ; một số nơi hạ tầng công nghệ thông tin, thiết bị kết nối còn thiếu, đặc biệt ở các vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, chưa đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số.

Giải pháp đổi mới cơ chế quản lý nhà nước và quản trị nhà trường trong giai đoạn 2021- 2025 tập trung vào các hoạt động: Đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý trong giáo dục và quản trị nhà trường, coi trọng quản lý chất lượng, hiệu quả quản trị nhà trường, gắn trách nhiệm quản lý chuyên môn với quản trị nhân sự và tài chính; hoàn thiện cơ chế để cơ quan quản lý giáo dục được tham gia quyết định trong quản lý nhân sự và phân bổ, sử dụng nguồn tài chính dành cho giáo dục của địa phương. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường phân cấp, ủy quyền, nâng cao trách nhiệm, tạo động lực và tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong các cơ sở giáo dục, đào tạo và các địa phương.

Tiếp tục rà soát, đẩy nhanh kiện toàn Hội đồng trường đúng quy định về số lượng, chất lượng, cơ cấu và thành phần, bảo đảm thực quyền theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật 34) và Nghị định 99 của Chính phủ.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý giáo dục, quản trị nhà trường. Triển khai hiệu quả hệ thống quản lý - quản trị giáo dục trực tuyến trong việc bồi dưỡng nâng cao năng lực cho giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới.

"Giải pháp này không cần nhiều nguồn lực nhưng tháo gỡ được những nút thắt, rào cản đổi mới giáo dục hiện nay.” Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.

Đồng thời ngành giáo dục cũng sẽ triển khai các giải pháp như: phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục; Tiếp tục rà soát, quy hoạch mạng lưới trường, lớp; Phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục…trong những năm tiếp theo.