Ngày 19/7, Đại học Bách khoa Hà Nội công bố dự báo điểm chuẩn năm 2024 theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Tương tự như các năm trước, ba ngành dự kiến có đầu vào cao nhất là Khoa học máy tính, Kỹ thuật máy tính, Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo với mức trên 28.

Các ngành có điểm trúng tuyển ở mức 27-28 là Kỹ thuật Điều khiển - Tự động hóa, An toàn không gian số, Công nghệ thông tin (Việt - Nhật, Global ICT, Việt - Pháp). Một số ngành chỉ lấy 20-22,75 điểm như Công nghệ dệt may, Kỹ thuật môi trường, Quản lý tài nguyên và môi trường, Khoa học và kỹ thuật vật liệu (chương trình tiên tiến). Mức dự báo các ngành này tăng so với năm ngoái khoảng 0,75 điểm.

20 điểm cũng là ngưỡng sàn đại học này nhận hồ sơ xét tuyển theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp.

Đại học Bách khoa Hà Nội cũng dự báo điểm chuẩn theo điểm thi đánh giá tư duy với mức từ 50 trở lên.

PGS TS Nguyễn Phong Điền, Phó giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, so với năm 2023, dự báo điểm trúng tuyển các ngành đào tạo của Trường cao hơn từ 0,5 đến 1 điểm.

“Đại học Bách khoa Hà Nội dự báo điểm chuẩn căn cứ vào tỉ lệ nhập học và mức độ đăng ký của thí sinh, điểm chuẩn trúng tuyển năm 2023; thứ hai dựa vào việc đánh giá kết quả thi Đánh giá tư duy, năm nay số lượng thí sinh dự thi nhiều hơn năm ngoái và căn cứ vào khảo sát lĩnh vực ngành nghề của năm 2024 đáp ứng nhu cầu phát triển KTXH nhất là những ngành liên quan đến vi mạch bán dẫn”, ông Điền nói.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Đại học Bách khoa Hà Nội đã công bố kết quả trúng tuyển theo các phương thức xét tuyển sớm trong đó có xét tuyển tài năng. Dựa vào kinh nghiệm từ những năm qua, tỉ lệ ảo các phương thức xét tuyển sớm của đại học này khoảng 50%.

Ông Điền khẳng định, Đại học Bách khoa Hà Nội thực hiện đúng cam kết dành 50% tổng chỉ tiêu xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên tỉ lệ này khác nhau từng chương trình, từng ngành đào tạo là khác nhau. Để đảm bảo cơ hội trúng tuyển ở nguyện vọng cao nhất, thí sinh cần đọc rõ đề án tuyển sinh của Đại học Bách khoa đã công bố trước đó.

Trong khi đó, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào hay còn gọi là điểm sàn theo phương thức xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT của Trường Đại học Giao thông Vận tải năm 2024 về cơ bản không có biến động so với năm 2023. Tuy nhiên, một số ngành hot như Logistics và quản lý chuỗi cung ứng có mức điểm sàn lên đến 23 điểm.

Các ngành Khoa học máy tính, Công nghệ thông tin, Kỹ thuật ô tô, Kỹ thuật điều khiển và tự động hoá có mức điểm sàn 22 điểm.

Kỹ thuật cơ sở hạ tầng, Kỹ thuật xây dựng công trình thuỷ, Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông, Kiến trúc đều có mức điểm sàn 17 điểm. Riêng ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông (Phân hiệu Thành phố Hồ Chí Minh) có mức điểm sàn chỉ 16.

Các ngành còn lại, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào dao động từ 18-21 điểm.

Đối với phương thức xét tuyển theo kết quả đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào 50 điểm.

PGS.TS. Nguyễn Thị Hòa - Trưởng phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng đào tạo, Trường Đại học Giao thông Vận tải dự báo: “Đối với những ngành truyền thống của trường dự báo điểm chuẩn năm nay có khả năng tăng nhẹ; Đối với các ngành điểm chuẩn vốn đã cao dự báo điểm chuẩn sẽ không có biến động, tương đương năm ngoái. Còn đối với các ngành năm ngoái điểm chuẩn thấp thì sẽ tăng nhẹ từ 0,25-0,5 điểm".

Năm nay, Trường Đại học Giao thông vận tải tuyển sinh 4500 chỉ tiêu với 4 phương thức xét tuyển. Bà Nguyễn Thị Hòa cho biết, Trường vẫn dành phần lớn chỉ tiêu tuyển sinh bằng điểm thi tốt nghiệp THPT bởi các phương thức xét tuyển sớm tỉ lệ ảo rất cao.

“Xét tuyển sớm tỷ lệ ảo bao giờ cũng nhiều hơn so với xét tuyển chính thức sắp tới. Hiện chúng ta không có hệ thống lọc ảo chung toàn quốc cho phương thức xét tuyển sớm nên mỗi trường vẫn làm theo kênh riêng. Vì vậy, 1 thí sinh có thể trúng tuyển ở vài ba ngành, trường khác nhau. Do vậy, xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp đối với Đại học Giao thông Vận tải vẫn rất rộng mở đối với thí sinh", PGS.TS. Nguyễn Thị Hòa chia sẻ.

Với việc phổ điểm các môn như Toán, Vật lý, đặc biệt là môn Hoá học và Địa lý số điểm 10 nhiều hơn so với những năm trước. Do đó, dự báo tổ hợp A00, A01, B00, C00, D01 điểm chuẩn sẽ tăng.

Ông Đinh Đức Hiền, Phó Hiệu trưởng trường phổ thông FPT Bắc Giang nhận định, phổ điểm khối B00 (Toán-Hóa-Sinh) tăng nhẹ so với năm 2023. Do vậy, điểm chuẩn của các Trường Đại học có tuyển sinh, đào tạo khối ngành sức khỏe dự báo khó có thể giảm, thậm chí dự báo tăng nhẹ so với năm ngoái.

“Hiện tại các trường sử dụng nhiều phương thức xét tuyển đại học, trong khi đó tổng chỉ tiêu nó không tăng chính vì thế chỉ tiêu dành cho điểm thi tốt nghiệp THPT sẽ không còn nhiều ở các ngành “hot” nên điểm chuẩn đối với các tổ hợp truyền thống khối B xét tuyển ngành Y khó có thể giảm xuống”, ông Đinh Đức Hiền nhận định.

Theo quy định, từ ngày 18/7 đến 17h ngày 30/7, thí sinh đăng ký, điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng xét tuyển đại học không giới hạn số lần. Trước 17 giờ ngày 19/8, các cơ sở đào tạo thông báo thí sinh trúng tuyển đợt 1 và trước 17h ngày 27/8, thí sinh xác nhận nhập học trực tuyến đợt 1 trên hệ thống.

Tổ tư vấn tuyển sinh Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội vừa đưa ra dự báo điểm chuẩn xét tuyển theo phương thức điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024 vào trường cao nhất là những ngành Công nghệ Thông tin là Khoa học Máy tính và Thông tin, Khoa học dữ liệu 34 - 35,5/40 điểm; Kĩ thuật Điện tử và Tin học dự báo 25 -26,5/30 điểm.

Tổ tư vấn của Trường này cũng dự báo có khoảng 13/27 ngành của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên điểm chuẩn dao động khoảng 20 - 21/30 điểm.