Dự báo điểm chuẩn Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, Trường ĐH Thương mại

Vừa qua, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân đã công bố điểm chuẩn đại học chính quy năm 2023 phương thức xét tuyển kết hợp - nhóm đối tượng 4, 5.

Theo đó, nhóm đối tượng 4 là thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế kết hợp với điểm thi hai môn tốt nghiệp THPT. Điểm chuẩn trúng tuyển dao động từ 24,37 - 27,92 điểm.

Nhóm đối tượng 5, thí sinh là học sinh hệ chuyên các trường THPT chuyên toàn quốc; trường THPT trọng điểm quốc gia kết hợp với điểm hai môn thi tốt nghiệp THPT. Với nhóm đối tượng này, điểm chuẩn hầu hết các chương trình đào tạo đều lấy điểm chuẩn trên 26,60 điểm.

Trao đổi với báo chí, PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho biết, điểm chuẩn theo phương thức xét tuyển kết hợp nhóm đối tượng 4, 5 đều tăng so với năm trước.

Lý do lượng là hồ sơ nộp vào tăng lên 30%, chất lượng hồ sơ cũng rất cao, tỷ lệ thí sinh có chứng chỉ Ielts từ 6.5 trở lên chiếm đến 70%, đẩy điểm chuẩn lên cao hơn so với năm trước, mỗi nhóm cao hơn năm 2022 là 1 điểm.

“Điều này nằm ngoài dự đoán của chúng tôi, vừa mừng vì chất lượng thí sinh tăng lên nhưng cũng tiếc cho các em có đầu vào tốt. Chẳng hạn như các em thuộc đối tượng 4 được 6.5 Ielts nhưng điểm thi tốt nghiệp THPT với 2 điểm 8 vẫn trượt”, PGS.TS Bùi Đức Triệu nói.

PGS.TS Bùi Đức Triệu cho biết thêm, năm nay riêng phương thức xét tuyển kết hợp, nhà trường nhận được hơn 18.000 hồ sơ nhưng chỉ lấy khoảng 4.500-4.600 chỉ tiêu, chênh 4 lần giữa hồ sơ và chỉ tiêu.

Số chỉ tiêu còn lại là dành cho thí sinh xét tuyển theo phương điểm thi tốt nghiệp của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân là 25%. Theo ông Triệu, điểm chuẩn theo phương thức này sẽ không thấp hơn so với năm ngoái.

Năm ngoái, điểm chuẩn theo phương thức điểm thi tốt nghiệp THPT của Trường ĐH Kinh tế quốc dân thấp nhất là 26.1 còn cao nhất là 28,6 điểm.

Năm nay với quy chế tuyển sinh mới, điểm ưu tiên giảm dần từ 22.5 về đến 30 điểm. Ông Triệu dự đoán, điểm các ngành cao từ 28 trở lên, xác suất tăng thấp. Với điểm phía dưới ngưỡng này giữ ổn định.

Tại Trường ĐH Thương mại, đề án tuyển sinh năm 2023 xác định lấy 50% chỉ tiêu cho xét tuyển sớm và 50% xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT. Phương thức này ổn định qua từng năm.

Từ kết quả phân tích từ dữ liệu bảng điểm chung của Bộ GD-ĐT năm nay, TS Nguyễn Viết Thái, Trưởng phòng Đối ngoại - Truyền thông của Trường ĐH Thương mại dự đoán điểm chuẩn theo kết quả thi tốt nghiệp THPT 2023 của nhà trường giữ ổn định ở các ngành tốp cao như Marketing, Thương mại điện tử, Marketing số, Logistics, Kinh doanh quốc tế... sẽ dao động khoảng 27 điểm.

Những ngành thấp hơn có thể giảm 0.5 điểm so với điểm chuẩn năm 2022.

“Khách sạn du lịch, Quản trị khách sạn, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Quản lý kinh tế, Kinh tế luật... sẽ ổn định hoặc giảm 0.5 điểm so với 2022”, ông Thái cho biết.

Năm nay Trường ĐH Thương Mại có hơn 7000 thí sinh xét tuyển bằng chứng chỉ IELTS kết hợp điểm thi và kết hợp học bạ, số lượng tăng 50% so với năm 2022. “Đây là chuyện bình thường, tuy nhiên xét tuyển sớm có số lượng ảo lớn vì 1 thí sinh có thể đăng ký nhiều trường khác nhau” ông Thái nói.

Đặt nguyện vọng có nên tham khảo từ ngưỡng đầu vào?

Năm nay, Trường đại học Kinh tế quốc dân thông báo điểm sàn xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2023 là 20 điểm (điểm xét tuyển đã bao gồm điểm khu vực, điểm ưu tiên). Để chắc cơ hội trúng tuyển, thí sinh nên tham khảo ngưỡng đầu vào hay tham khảo từ điểm chuẩn năm ngoái?

Trả lời câu hỏi này, PGS.TS Bùi Đức Triệu khẳng định ngưỡng đảm bảo chất lượng bản chất là điều kiện nộp hồ sơ, giống như muốn vào ĐH thì phải tốt nghiệp THPT, ngưỡng này đặt ra cho từng lĩnh vực từng ngành cụ thể.

“Như Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, hội đồng tuyển sinh xác định đối với tổ hợp 3 môn là các em đủ năng lực, đủ kiến thức theo học các ngành của trường”.

Theo ông Triệu, ngưỡng đầu vào chỉ là vấn đề kỹ thuật để đảm bảo thí sinh ứng cử vào trường có thể theo học được. Còn thí sinh phải tham khảo điểm chuẩn và tham chiếu điểm chuẩn của các năm để làm căn cứ đặt nguyện vọng.

Tuy nhiên, ông Triệu cho rằng, nếu vượt qua ngưỡng đầu vào có nghĩa là thí sinh đủ sức theo học ở các trường ĐH tốp đầu chứ không phải đạt điểm chuẩn mới theo học được. Do chỉ tiêu giới hạn nên thí sinh mới không có cơ hội học. Nếu các em tha thiết vào trường, có thể học văn bằng 2 hoặc học cao học.

Ông Triệu cho rằng, thí sinh trúng tuyển vào Trường ĐH Kinh tế Quốc dân có nhiều cơ hội theo học ngành mình yêu thích, thậm chí ban đầu chưa thích nhưng sau đó phát hiện mình yêu thích.

Thí sinh đỗ ngay vào trường là cơ hội đầu tiên. Một cơ hội nữa ngay sát cơ hội đầu tiên là các em có thể thi vào các lớp chất lượng cao của ngành mình yêu thích. Cơ hội tiếp theo, sang năm thứ 2 hoặc năm thứ 3, sinh viên có thể đăng ký học song song cùng lúc 2 chương trình. Việc đăng ký này dễ dàng và sinh viên sắp xếp theo học chế, tín chỉ thuận lợi. “Trường ĐH Kinh tế Quốc dân hằng năm có từ 300-500 em mỗi khóa đăng ký học cùng lúc 2 chương trình và tốt nghiệp như thế”, PGS.TS Bùi Đức Triệu cho biết.

Còn theo TS Nguyễn Viết Thái, Trưởng phòng Đối ngoại - Truyền thông, Trường ĐH Thương mại, hiện nay đỗ ĐH không quá khó, vấn đề là đỗ trường nào và ngành nào. Thí sinh nên đặt những ngành có điểm cao, những ngành thực sự mong muốn trước, nên so sánh với điểm năm trước những ngành vừa sức với điểm của mình. Đồng thời, đặt thêm những nguyện vọng mang tính chất “lót đường” để đảm bảo chắc chắn đỗ./.