Tết đến, dù có ở xa nhà đến mấy hay bận việc thế nào, mọi người đều mong muốn được trở về sum họp với gia đình nhưng dịch covid – 19 đang hoành hành lý do chính khiến nhiều du học sinh năm nay không thể về Việt Nam đón Tết. Dù chuẩn bị đủ đầy cho Tết Việt nơi phương xa nhưng nỗi nhớ nhung về cái Tết quê nhà vẫn là tâm trạng chung của nhiều du học sinh Việt Nam ở nước ngoài.
Đón Tết Việt theo cách riêng
Hàn Quốc những ngày này, tình hình dịch covid -19 vẫn diễn biến phức tạp. Chính phủ quy định, cho đến ngày 14/2 người dân không được tụ tập quá 4 người. Vì vậy, không khí chuẩn bị năm mới của người dân cũng trầm lắng hơn mọi năm.
Đây là năm thứ 2 ở Hàn Quốc nhưng lại là năm đầu tiên Nguyễn Trí Nhân – sinh viên Trường kinh doanh quốc tế Solbridge, thành phố Daejeon đón Tết ở đây. Để có không khí Tết Việt, Nhân tự mình trang trí lại phòng ở, đi chợ mua nguyên liệu nấu các món ăn truyền thống.
“Em ở gần chợ nên nguyên liệu để nấu ăn không thiếu. Tuy nhiên những nguyên liệu đặc biệt khó tìm như mướp đắng để nấu canh khổ qua hay làm món hủ tiếu ăn ngày Tết thì phải đặt qua mạng hoặc đến chợ người Việt mới có”, Nhân chia sẻ.
Học cùng trường, thuê phòng cạnh Nhân còn có 2 chàng trai khác, một người quê Quảng Trị, người còn lại ở Hà Nội. Vậy là nhóm đủ cả Bắc, Trung Nam. Mỗi người đều tự mình trổ tài nấu nướng các món ăn truyền thống đặc trưng của từng miền để "thiết đãi" bạn bè.
Lê Thành Công Tuấn – du học sinh ở thành phố Daejeon cho biết, năm nay mình sẽ đón giao thừa cùng các bạn. “Đêm giao thừa sẽ tính theo giờ Việt Nam, tức là 2h sáng bên này, tụi em tổ chức với nhau, sẽ có bánh kẹo, ngồi xem Táo quân, ăn bánh Chưng, bánh Tét đón năm mới, rồi gọi điện về gia đình, chứ không bày biện quá nhiều”
Giò, chả, bánh chưng đủ đầy, chỉ thiếu vị quê nhà
Giờ này, chỗ làm thêm của Nguyễn Quốc Trung Đức đã cho nhân viên nghỉ Tết. Không còn tất bật với việc học tập, rồi làm thêm đóng gói khẩu trang. Sau khi chuyển ra khỏi kí túc xá của trường để chuyển đến chỗ ở mới, Đức tranh thủ dọn dẹp, sắp xếp lại đồ đạc. Đức đã đi chợ, mua bánh chưng, giò chả và nguyên liệu nấu thịt đông…Tết du học sinh đã đủ đầy, chỉ có điều năm nay, Đức sẽ không còn được ngồi bên nồi bánh chưng canh lửa, chờ đợi khoảnh khắc vớt từng chiếc bánh thơm phức mùi lá dong quện với mùi gạo nếp, thịt lợn, tiêu, hành.
Đức kể mọi năm 29 Tết là nhà em đã gói bánh chưng xong. Dù lớn lên ở Hà Nội “đất chật người đông” nhưng năm nào nhà em cũng giữ truyền thống gói bánh chưng. “Nhà em có sân rộng và có nồi to nên năm nào 3-4 nhà cũng góp gạo làm bánh. Trước đó, bố đã đi chợ sắm hoa đào và mua đủ thứ nguyên liệu làm bánh chưng gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn…”.
Gọi điện về cho ba mẹ, Lê Thành Công Tuấn – chàng trai quê Đông Hà (Quảng Trị) vẫn tếu táo như mọi lần. Nhưng, đó chỉ là cách để em giấu tâm sự vào trong. “ Em nhận được tin nhắn của ba, ba nói mẹ nhớ em lắm. Nhưng khi em gọi điện về thì ba mẹ lại nói là bình thường, nhưng em biết ba mẹ cũng buồn. Không phải một chút mà buồn rất nhiều”. Tuấn tâm sự.
Mọi năm, Tết lúc nào cũng là thời gian vui vẻ nhất với Tuấn vì đây là lúc có đầy đủ các thành viên trong gia đình. “Anh trai em đi làm tận Sài Gòn, mỗi năm về nhà có một lần dịp Tết. Đó là thời gian vui vẻ nhất. Nhớ đến khoảnh khắc gia đình quây quần bên nhau cũng là lúc em nhớ nhà rất nhiều…”
Còn với Nhân - trai Sài Gòn chính hiệu, lại là con út trong gia đình nên mỗi khi đến Tết, Nhân tự nhận mình được “cưng” lắm, mọi việc đã có ba mẹ và anh trai lo toan. Nhưng Tết này, Nhân tự mình chuẩn bị mọi thứ. Cậu vào bếp trổ tài nấu canh khổ qua – món ăn không thể thiếu của người Sài Gòn trong ngày Tết.
Mọi năm, Tết đến cũng là lúc đường sá Sài Gòn vắng vẻ đến bất ngờ, bởi người dân đều tìm nẻo về quê. Nhớ Tết Sài Gòn là nhớ đến cảnh vắng vẻ khác ngày thường đó, không chật chội còi xe inh ỏi, không tấp nập, bon chen…Dù chạnh lòng khi phải đón Tết phương xa nhưng Nhân nói mình đã chuẩn bị tinh thần để không khóc trong đêm giao thừa ở Hàn Quốc…
Tết năm nay, Đức, Tuấn và Nhân sẽ xông nhà và mừng tuổi nhau. Bánh chưng, giò chả, canh khổ qua, mứt Tết đã đầy đủ, chỉ thấy thiếu thiếu vị Tết quê nhà. Bù lại, tình bạn giữa những du học sinh nơi xứ người sẽ vơi đi nỗi nhớ gia đình khi năm mới sang.