Thông tin này được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết trong buổi làm việc với tỉnh Quảng Ninh ngày 15/5.

Thay vì tuyển sinh theo địa giới hành chính sẽ áp dụng nguyên tắc tuyển sinh đảm bảo học sinh được đến cơ sở giáo dục gần nhất với nơi cư trú.

Việc này đã được TP.HCM thực hiện thí điểm từ năm 2023 trên cơ sở áp dụng Hệ thống thông tin địa lý (Geographic Information System - gọi tắt là bản đồ GIS).

Liên quan đến việc sắp xếp lại đơn vị hành chính, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, cần lấy việc đảm bảo vận hành bình thường của các cơ sở giáo dục làm ưu tiên hàng đầu, không sáp nhập cơ học các cơ sở giáo dục khi thay đổi đơn vị hành chính.

Sau khi ổn định bộ máy và đánh giá thấu đáo các phương diện, khi đó mới rà soát tái sắp xếp nếu cần thiết. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ hướng dẫn cụ thể về việc này.

Thông tin về chủ trương tổ chức buổi học thứ 2, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn khẳng định, hình thức buổi học thứ 2 rất mở.

Tuy nhiên, các địa phương lưu ý, nguyên tắc thực hiện là chỉ cần một buổi để thực hiện chương trình học chính và chỉ được phép thực hiện trong một buổi, đây là trách nhiệm của toàn ngành Giáo dục. Việc tổ chức buổi thứ 2 phụ thuộc vào điều kiện của từng địa phương.

Trước đó, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, theo kế hoạch, từ năm học 2026 - 2027, Hà Nội sẽ áp dụng tuyển sinh bậc mầm non, lớp 1 và lớp 6 theo tiêu chí học sinh được học tại trường gần nơi cư trú. Cách làm này không chỉ giúp các em tránh phải đi học xa, mà còn giảm thiểu tình trạng trái tuyến, nhất là tại các khu vực giáp ranh, nơi học sinh chỉ cách trường vài bước chân nhưng lại không được nhận vào học vì ranh giới hành chính.

Đối với TP. Hồ Chí Minh, sau 2 năm triển khai thí điểm, bắt đầu từ năm học 2025 - 2026 sẽ chính thức xóa bỏ địa giới phường, xã đối với việc tuyển sinh theo tuyến đầu cấp tiểu học và trung học cơ sở, dùng bản đồ đường đi để bất kỳ ai cũng có thể được đến trường gần nơi ở của mình nhất.