Mời các bạn bấm nút nghe nội dung:
Tuyển giáo viên "dưới chuẩn"- giải pháp gỡ khó cho tình trạng thiếu giáo viên trên cả nước
Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc thí điểm tuyển dụng người có trình độ cao đẳng để dạy một số môn học theo chương trình GDPT 2018 đang được Bộ GD-ĐT đăng tải lấy ý kiến rộng rãi.
Theo dự thảo, các trường tiểu học sẽ tuyển dụng người có bằng tốt nghiệp cao đẳng thuộc ngành đào tạo giáo viên tiếng Anh hoặc bằng tốt nghiệp cao đẳng chuyên ngành phù hợp với môn tiếng Anh để dạy tiếng Anh tiểu học. Tuyển dụng người có bằng cao đẳng dạy các môn Tin học, Âm nhạc hoặc Mĩ thuật ở cấp tiểu học và THCS.
Theo Luật Giáo dục 2019, giáo viên dạy tiểu học và THCS phải có bằng tốt nghiệp đại học trở lên. Việc phải xây dựng dự thảo Nghị quyết thí điểm trái với Luật theo TS Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lí giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo xuất phát từ việc xây dựng và triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018. Mặc dù đã có những tính toán, chuẩn bị lực lượng đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu giảng dạy nhưng thực tế, một số môn đặc thù như Tiếng Anh, Tin học, Mỹ thuật, Âm nhạc không đủ số giáo viên như yêu cầu.
Căn cứ vào quy định pháp luật hiện hành cho phép Quốc hội có thẩm quyền nghiên cứu và ban hành nghị quyết để thực hiện một số chính sách thí điểm khác với quy định của Luật hiện hành hoặc những vấn đề Luật chưa quy định. Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo được Chính phủ thống nhất giao nhiệm vụ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội cho phép ban hành nghị quyết chuyên đề nhằm giải quyết tình trạng thiếu giáo viên ở một số môn đặc thù cấp tiểu học và trung học cơ sở.

Cụ thể, TS Minh Đức cho biết, theo cơ sở dữ liệu ngành giáo dục thống kê cho thấy năm học 2024-2025, toàn quốc thiếu khoảng 113.000 giáo viên các môn, trong đó giáo viên đặc thù thiếu khoảng hơn 10.000 người.
Khoảng 7000 giáo viên trình độ cao đẳng chưa được tuyển dụng
Trên thực tế, các trường cao đẳng đã dừng đào tạo trình độ cao đẳng tiểu học và các môn học ở THCS ngay từ thời điểm Luật Giáo dục 2019 ban hành. Lứa cuối cùng tuyển sinh năm 2019 ở nhiều trường cao đẳng sư phạm đã tốt nghiệp vào năm 2022. Đã qua 3 năm kể từ thời điểm này, những giáo sinh tốt nghiệp hệ cao đẳng để được đi dạy đều đã học liên thông đạt trình độ đại học. Một câu hỏi đặt ra: Số còn lại liệu có còn muốn trở lại với nghề giáo nhờ dự thảo thí điểm này không?
Ông Minh Đức cho rằng ngành giáo dục cũng đã thống kê và có con số cụ thể từ các trường cao đẳng sư phạm trước khi dừng tuyển sinh cũng như số lượng giáo sinh trình độ cao đẳng đã được tuyển sinh vào các cơ sở giáo dục ở thời điểm trước khi Luật giáo dục 2019 có hiệu lực. Đến thời điểm này còn khoảng hơn 7000 giáo viên có trình độ cao đẳng đã tốt nghiệp ở các trường cao đẳng Sư phạm chưa được tuyển dụng vào các trường phổ thông.
“Chúng tôi cho rằng với nghị quyết này không kì vọng giải quyết tất cả tình trạng thiếu giáo viên ở các môn đặc thù nhưng cũng góp phần quan trọng. Với hơn 7000 giáo viên tốt nghiệp trình độ cao đẳng khi bổ sung vào lực lượng nhà giáo ở các nhà trường đã cơ bản giải quyết được tình trạng thiếu giáo viên đối với các môn đặc thù. Tuy nhiên để thu hút lực lượng này, chúng tôi thấy cần phải có những chính sách đồng bộ từ tiền lương đến các chế độ phụ cấp khác”, TS Minh Đức phân tích.
Với những người đã được đào tạo cử nhân chuyên ngành nhưng chưa có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm, đối tượng không thuộc dự thảo nghị quyết theo TS Minh Đức, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có thông tư 08 hướng dẫn tuyển dụng khi đáp ứng đầy đủ yêu cầu. Bởi lẽ đó, đối tượng dự thảo nghị quyết lần này chỉ áp dụng với các giáo viên tốt nghiệp trình độ Cao đẳng sư phạm.
Giáo viên sau khi tuyển dụng sẽ được hỗ trợ học tập nâng cao trình độ đạt chuẩn
Dự thảo cũng đã yêu cầu rõ việc thí điểm tuyển dụng này buộc các giáo viên có trình độ cao đẳng sau khi tuyển dụng phải tham gia lộ trình đào tạo nâng trình độ chuẩn của giáo viên theo quy định và hoàn thành việc nâng chuẩn trình độ đào tạo trước ngày 31/12/2030 theo Nghị định 71.
“Giáo viên hoàn toàn có thể yên tâm khi đã được tuyển dụng khi tham gia nâng chuẩn trình độ đào tạo theo Nghị định 71, thầy cô không phải lo về kinh phí để tự nâng cao trình độ chuẩn theo đúng quy định của Luật giáo dục 2019”, ông Minh Đức khẳng định.
Trong bối cảnh các địa phương đều rơi vào tình trạng thiếu giáo viên, rõ ràng dự thảo mở ra cơ hội gỡ khó. Nhưng để thu hút những người đã được đào tạo trình độ cao đẳng quay trở lại với nghề, TS Minh Đức cho rằng ngoài chế độ chính sách theo quy định chung, Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyến khích các địa phương căn cứ vào điều kiện cụ thể có thể có những chính sách khác nhằm thu hút giáo viên.
Cụ thể ở đây có thể gồm hỗ trợ về nơi ở, kinh phí di chuyển, thu nhập tăng thêm giúp thầy cô yên tâm công tác.

Ở một góc độ khác, theo TS Minh Đức, việc tuyển giáo viên đủ chuẩn với một số môn học đặc thù, cụ thể như Tiếng Anh không dễ khi Bộ Giáo dục và Đào tạo từng có khảo sát những sinh viên tốt nghiệp trình độ đại học có khả năng tìm công việc khác với mức thu nhập cao hơn.
Nghĩa là, tuyển giáo viên đủ chuẩn không hẳn thiếu nguồn mà vì khó thu hút họ về địa phương. Ở đây đòi hỏi các địa phương phải xây dựng cơ chế thu hút nhân lực thông qua chế độ tiền lương đảm bảo cuộc sống, các chính sách hỗ trợ khác để thầy cô yên tâm công tác. Xây dựng môi trường làm việc thuận lợi, sáng tạo nhằm giúp các thầy cô có cơ hội phát triển năng lực nghề nghiệp đồng thời cống hiến trí tuệ, tài năng cho sự nghiệp giáo dục.
TS Minh Đức cho rằng đó là những giải pháp để tạo cơ hội tuyển dụng được giáo viên chất lượng cao công tác trong các nhà trường phổ thông ổn định và lâu dài. Cùng với đó, cần tăng chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo những môn đặc thù cho khối trường Sư phạm nhằm từng bước giải quyết khó khăn thiếu lực lượng giáo viên này cho chương trình 2018.
“Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội tôi xem như cơ hội để những người có tâm huyết với nghề với có thể quay lại ngành giáo dục. Trước đây họ chưa đủ điều kiện thì nay có cơ sở pháp lý để tuyển dụng. Tôi mong các thầy cô giáo, các bạn đã tốt nghiệp ở các trường cao đẳng sư phạm quay lại dự tuyển trở thành thầy cô đồng thời tham gia vào quá trình nâng chuẩn theo quy định của Luật giáo dục 2019", ông Đức chia sẻ.